Nhà sản xuất ô tô Renault (Pháp) đã trì hoãn đưa ra quyết định về việc sáp nhập với liên doanh Fiat Chrysler Automobiles (FCA) của Italy - Mỹ, trong bối cảnh ban lãnh đạo của Renault và Nissan (Nhật Bản) phát hiện ra các khoản chi tiêu đáng ngờ trị giá 11 triệu euro (12,4 triệu USD) có liên quan đến cựu Chủ tịch Carlos Ghosn tại chi nhánh của liên minh này ở Hà Lan.
Thỏa thuận giữa Fiat Chrysler và Renault vẫn có vẻ “sáng sủa”, nhưng nó đang phải đối mặt với sự chỉ trích mới từ nghiệp đoàn của Renault cũng như những câu hỏi từ đối tác Nhật Bản của họ là Nissan.
Chính phủ Pháp cũng đang đặt ra những điều kiện cho thỏa thuận này, bao gồm bảo đảm việc làm và một trụ sở hoạt động đặt tại Pháp.
Hội đồng quản trị của Renault họp lại vào cuối ngày thứ Tư (5/6) để tiếp tục nghiên cứu đề xuất sáp nhập do Fiat Chrysler đưa ra hồi tuần trước.
Nếu đạt được thỏa thuận, hai hãng sản xuất ô tô này sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD) mỗi năm.
Nhưng các công nhân lo ngại việc sáp nhập có thể khiến họ mất việc làm, trong khi các nhà phân tích cảnh báo liên minh này có thể sa lầy vào những thách thức khi phải quản lý một công ty có quy mô lớn và trải dài trên nhiều quốc gia như vậy.
Bên “thua cuộc” trong thỏa thuận này có thể là Nissan của Nhật Bản, công ty từng một thời nằm trong liên minh hùng mạnh với Renault và Mitsubishi, nhưng đang gặp khó khăn kể từ khi CEO Carlos Ghosn bị bắt vào tháng 11 năm ngoái.
CEO Nissan Hiroto Saikawa đã phát đi những tín hiệu không mấy lạc quan về khả năng công ty của ông sẽ tham gia vụ sáp nhập Renault-Fiat Chrysler.
hậm chí, ông còn đề nghị thêm FCA vào liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi hiện tại. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 4/6, ông Saikawa cho biết rằng thỏa thuận giữa Renault-Fiat Chrysler sẽ "thay đổi đáng kể" cấu trúc của quan hệ đối tác lâu năm giữa Nissan với Renault.
Nissan sẽ phải phân tích cặn kẽ các mối quan hệ hợp tác để bảo vệ lợi ích của hãng.
Vụ sáp nhập sẽ đưa liên minh Renault-Fiat Chrysler trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, trị giá gần 40 tỷ USD và sản xuất khoảng 8,7 triệu xe mỗi năm.
Nếu vụ sáp nhập bao gồm cả liên minh Nissan-Mitsubishi, đây sẽ là nhà sản xuất ô tô số 1 trên thế giới.
Nhưng Nissan đã không được tham vấn về thỏa thuận tiềm năng này và trước khi ông Ghosn bị bắt giữ, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng phản đối ý tưởng của ông về việc sáp nhập hoàn toàn với Renault.
Trong một diễn biến liên quan, Ban giám đốc Renault cho biết các kiểm toán viên của Mazars đã phát hiện ra chi tiêu đáng ngờ tại chi nhánh của liên minh Renault - Nissan ở Hà Lan vào đầu tháng Tư vừa qua, đồng thời xác nhận sự yếu kém của chi nhánh này trong việc minh bạch tài chính và kiểm soát thủ tục chi tiêu.
Các khoản chi tiêu đáng ngờ bao gồm những khoản chi của ông Ghosn và chi phí đi lại máy bay quá cao của ông. Báo cáo cho rằng Renault và Nissan cần cân nhắc có hành động pháp lý tại Hà Lan.