Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các đơn vị của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP); Đại sứ quán các nước Na Uy, Australia; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong, ngoài nước và người tiêu dùng.
Diễn đàn nằm trong chuỗi hoạt động “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong giai đoạn 2021 - 2030.
Chuỗi hoạt động nhằm đánh dấu sự kiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, trong đó, đã làm rõ định nghĩa về tiêu dùng bền vững và quy định những chính sách quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Các quy định pháp luật hay các chính sách, hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững đã được toàn thể xã hội Việt Nam hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây. Nhiều chiến dịch, lời kêu gọi, hành động cụ thể từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức và bước đầu lan toả phong trào sản xuất, tiêu dùng bền vững trong xã hội.
Trước đó, từ ngày 21-23/7/2023, Triển lãm “Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành” tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp với nhiều sản phẩm, mô hình sản xuất bền vững. Thành công của Triển lãm đã phần nào thể hiện sự chủ động và sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc tham gia sản xuất bền vững.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thiết thực và bắt buộc đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội. Trong quá trình đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng là hai chủ thể có vai trò quan trọng và có sự tương tác qua lại chặt chẽ với nhau. Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động thì việc nâng cao nhận thức của chủ thể hoạt động là giải pháp có tính căn cơ, quyết định sự thành công và mang tới kết quả bền vững.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, không thể đạt được kết quả thành công trong một thời gian ngắn. Đây cũng là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là động lực, là mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới.
Trước thách thức ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thay đổi chiến lược phát triển hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
“Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung toàn cầu hiện nay.” - ông Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với địa phương, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, tỉnh Hoà Bình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân huỷ tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị, 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
“Đặc biệt, tỉnh Hoà Bình đã tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở,doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện - điện tử,… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.” - ông Quách Tất Liêm chia sẻ.
Để làm rõ hơn về một số hạn chế về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng, về duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững từ người tiêu dùng,… các diễn đàn đã tập trung chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” về thực trạng sản xuất, phân phối bền vững hướng tới tiêu dùng bền vững và trao đổi các giải pháp, định hướng để thay đổi, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.
Về các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Lê Triệu Dũng nhận định “Đây là quá trình lâu dài và cần nhiều hơn nữa các hoạt động trao đổi, chia sẻ để thường xuyên thu hút được sự quan tâm của xã hội, từ đó kêu gọi cùng nhau thực hiện các thay đổi để hướng tới hiệu quả của sản xuất, tiêu dùng bền vững.”