Hội nghị tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 35 Hùng Vương, TP. Hà Nội; Trực tuyến trên nền tảng Room Meeting, Livetream trên Fanpage Tự hào hàng Việt. Tham gia hội nghị trực tuyến tại: https://us02web.zoom.us/j/84948651112...
Hội nghị sẽ đánh giá các hoạt động của ngành Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án Phát triển Thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới, bảo đảm chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa thiết yếu khi nhiều địa địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong các làn sóng dịch Covid-19.
Nhìn lại một chặng đường đã qua, kể từ khi làn sống dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát cho thấy, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động đã giúp ngành Công Thương có được một nền tảng khá vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; trong phát triển các chương trình thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, được tổ chức như một diễn đàn tập hợp ý kiến từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nhằm thống nhất cách hiểu, cách làm trong việc giữ vững liên kết chuỗi sản xuất và phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong sản xuất và lưu thông.
Tại Hội nghị, các đại biểu, diễn giả sẽ thảo luận tập trung làm rõ mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, thời gian qua sự phối hợp ngang giữa các bộ ngành, và phối hợp dọc giữa bộ ngành trung ương với địa phương được thực hiện thế nào để liên kết, giữ vững chuỗi sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới; đâu là vấn đề trọng tâm cần quan tâm, khắc phục?
Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh đã làm bộc lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặt ra vấn đề gì trong phối hợp của các bộ ngành và địa phương trong hoạch định chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, giao thông… cần được quan tâm; đặc biệt với địa phương có vùng nguyên liệu nông sản, thủy sản lớn, và với các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ?
Thứ ba, các tập đoàn kinh tế có những giải pháp gì nhằm khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước, góp phần bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế đang ngày càng trở nên cấp thiết?
Thứ tư, khả năng dịch COVID-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; các bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp có kiến nghị gì, và đã chuẩn bị thế nào để thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới?
Hội nghị như một diễn đàn ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, diễn giả; giao cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương tổng hợp, đề xuất các giải pháp, chính sách trong thời gian tới, nhằm đảm bảo giữ vững liên kết chuỗi sản xuất và phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.