Việc Saudi Aramco giảm nguồn cung dầu đến Trung Quốc diễn ra khi quốc gia này đang tăng cường nhập khẩu dầu thô có giá rẻ từ Nga. Đồng thời, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc đang ở mức yếu hơn thông thường do nước này áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt kiểm soát dịch Covid-19 trong hơn hai tháng qua.
Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm các nguồn cung dầu thô ngoài Nga của Liên minh châu Âu (EU) đang tăng vọt sau khi EU chính thức thông qua việc giảm nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Động thái giảm nguồn cung dầu thô đến châu Á được Saudi Aramco thực hiện sau khi tập đoàn này nâng đáng kể mức giá bán dầu thô trong tháng 7 cho khu vực châu Á.
Một thương nhân kinh doanh dầu thô tại Singapore cho biết “Thị trường đang rất khan hiếm nguồn cung dầu thô từ Saudi Aramco”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời nguồn tin cho biết Saudi Aramco đang tăng cường nguồn cung dầu thô cho công ty liên doanh giữa tập đoàn này với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) tại Pengerang (Malaysia).
Vừa qua, Saudi Arabia và các quốc gia trong liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận nâng sản lượng khai thác trong tháng 7 và tháng 8 tới đây thêm 648.000 thùng dầu/ngày. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 432.000 thùng/ngày trong kế hoạch cũ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo liên minh OPEC+ khó có thể đạt được mục tiêu khai thác đề ra do hầu hết các quốc gia thành viên đã cạn công suất khai thác dự phòng, đồng nghĩa với việc không thể nâng ngay sản lượng khai thác trong ngắn hạn. Do đó, thị trường dầu toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung trong những tháng tới đây.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) thừa nhận liên minh OPEC+ đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác, trong khi đó, nhu cầu sử dụng của Trung Quốc có thể tăng mạnh thời gian tới, khiến giá dầu thô có thể đạt đỉnh mới.
Theo ông Suhail Al-Mazrouei, nếu không có thêm vốn đầu tư trên toàn cầu thì liên minh OPEC+ sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.