Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 962 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,43 tỷ USD, chiếm 84,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 396 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 437,6 triệu USD, chiếm 8,3%.
Việt Nam là thị trường phổ biến được các công ty Singapore quan tâm
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,73 tỷ USD, chiếm 32,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,09 tỷ USD, chiếm 20,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 552,3 triệu USD, chiếm 10,5%; Đài Loan 499,9 triệu USD, chiếm 9,5%; Nhật Bản 317,7 triệu USD, chiếm 6%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 485 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,98 tỷ USD, chiếm 79,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 570 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 993,8 triệu USD, chiếm 13,2%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.278 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 551 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,15 tỷ USD và 727 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,17 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 46,3% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 666,2 triệu USD, chiếm 20,1%; ngành còn lại 1,12 tỷ USD, chiếm 33,6%.
Đầu tháng 3 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing (SCCCI) tổ chức Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư - kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore. SCCCI là tổ chức với khoảng 5.000 doanh nghiệp và hơn 160 hiệp hội thương mại thành viên.
Thông tin tại Hội nghị, Chủ tịch SCCCI Kho Choon Keng cho biết, Singapore luôn nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Những năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một thị trường phổ biến được các công ty Singapore quan tâm. Nhiều công ty Singapore đã thiết lập sự hiện diện hoặc đang tích cực tìm kiếm các cơ hội trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, vận tải, hậu cần, giáo dục, du lịch, tài chính…
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,25 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 546,6 triệu USD, chiếm 7,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 368,3 triệu USD, chiếm 4,8%.
5 tháng, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 47 dự án mới
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2023 có 47 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 142,7 triệu USD, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 316,4 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 147,7 triệu USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 108,5 triệu USD, chiếm 34,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 15,1 triệu USD, chiếm 4,8%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Canada là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư; Singapore 107,6 triệu USD, chiếm 34%; Lào 26,3 triệu USD, chiếm 8,3%; Cuba 9,3 triệu USD, chiếm 3%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,9%.