Sôi sục thị trường mì ăn liền toàn cầu

Những tập đoàn hàng đầu thế giới cạnh tranh quyết liệt nhằm giành giật thị phần với những chiến lược hoàn toàn mới.
Hãng Nissin của Nhật Bản vừa kỷ niệm 60 năm ngày đưa ra thị trường gói mì ăn liền đầu tiên trên thế giới. Đến nay, thị trường được đánh giá là vẫn còn tiềm năng rất lớn và các hãng đang tập trung vào chiến lược cạnh tranh mới nhằm thu hút thêm khách hàng. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời các chuyên gia và nguồn tin trong ngành cho biết Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil vẫn là miền đất hứa cho mì ăn liền tiếp tục phát triển trong khi các thị trường mới thậm chí còn hứa hẹn nhiều tiềm năng hơn.
Đáng chú ý, dù là nơi xuất phát của mì ăn liền nhưng trong năm ngoái, Nhật Bản chỉ tiêu thụ 5,7 tỉ gói mì, tương đương 6% toàn thế giới. Bên cạnh đó, 4 hãng hàng đầu của Nhật hiện chỉ chiếm khoảng 20% thị trường toàn cầu. Trước tình hình này, các tập đoàn Nhật đang nỗ lực tăng cường mảng kinh doanh ở nước ngoài nhằm giành lại ngôi vương.

Nissin vừa khai trương một nhà máy hiện đại ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đồng thời vạch kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm. Lâu nay, hãng chủ yếu bán mì ăn liền hải sản ở Trung Quốc nhưng hiện tăng cường sản phẩm hương vị tonkotsu với xương hầm và thịt heo nhằm cạnh tranh với sản phẩm của Đài Loan, vốn đang thống trị mảng mì hương vị này tại Trung Quốc. “Các quyết sách liên quan đến phát triển sản phẩm ở Trung Quốc sẽ mang tính địa phương hóa hơn để đáp ứng khẩu vị một cách nhanh nhất”, Giám đốc Nissin Trung Quốc Kiyotaka Ando nói với Nikkei Asian Review.
Trong khi đó, kình địch của Nissin là Toyo Suisan Kaisha hiện kiểm soát gần 90% thị trường ở Mexico. Thương hiệu mì Maruchan của Toyo Suisan Kaisha tại nước này phổ biến đến mức được địa phương hóa để chỉ việc gì được làm thật nhanh. Hãng cũng vừa khai trương một nhà máy tại Brazil để xâm nhập sâu hơn vào thị trường Nam Mỹ.

Mặt khác, Acecook, hiện nắm giữ hơn 50% thị phần ở Việt Nam, được cho là đang nhắm đến thị trường Myanmar. Sau thành công tại Việt Nam, hãng đang có hướng phát triển sản phẩm có hương vị đậm đà hơn để chiều lòng khách hàng ở Myanmar.
Theo trang Food Navigator Asia, các hãng cũng đang cố thay đổi quan niệm tiêu cực về mì ăn liền đối với sức khỏe. Nissin vừa công bố đã giảm trung bình 15% lượng muối trong tất cả các sản phẩm bên cạnh giảm bột ngọt và màu nhân tạo. Nestle cũng có kế hoạch cắt giảm 10% lượng muối trong mì Maggi trước năm 2020 và đưa ra sản phẩm chứa nhiều chất xơ. Bên cạnh đó là cuộc đua triển khai chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội, nhấn mạnh vào sử dụng bao bì phân hủy sinh học nhằm thu hút khách hàng trẻ, vốn chú trọng đến bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững, song song với đưa ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe để thu hút khách hàng lớn tuổi.
Theo một chiến lược khác, nhiều hãng tung ra các mặt hàng trong phân khúc đắt tiền, loại bỏ quan niệm mì gói là thực phẩm rẻ tiền và nghèo dinh dưỡng. Theo Taiwan News, Uni-President giới thiệu mì ăn liền giá 248 Đài tệ (188.000 đồng)/tô ở Đài Loan. Tập đoàn Namchow cũng có sản phẩm giá 85 Đài tệ với nhiều hương vị khác nhau. Sắp tới, Namchow sẽ tung ra mì gà giá 248 Đài tệ nhằm cạnh tranh quyết liệt với Uni-President.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), trong năm ngoái, thế giới tiêu thụ 100,1 tỉ gói mì ăn liền. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 38,97 tỉ gói, vượt xa Indonesia với 12,62 tỉ gói. Tiếp theo lần lượt là Nhật (5,66 tỉ gói), Ấn Độ (5,42 tỉ gói) và Việt Nam (5,06 tỉ gói). Tính bình quân đầu người, Hàn Quốc dẫn đầu với 74 gói/người. Tập đoàn Ting Hsin của Đài Loan sở hữu thương hiệu Master Kong rất phổ biến ở Trung Quốc hiện dẫn đầu thị phần toàn cầu với 15%, theo Tổ chức Euromonitor. Tiếp theo là Nissin (12%) và Indofood Sukses Makmur của Indonesia (7%).


Theo Thanhnien