Ngày 24/4/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG; và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Cùng tham dự Hội thảo có đại điện Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Nghị định; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương gồm Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Văn phòng Bộ... Hội thảo cũng có đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại diện các hiệp hội tổ chức nước ngoài như: Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam); Hiệp Hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Hiệp hội Năng lượng sạch châu Á; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức; Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Samsung; BIM; Marubeni Asean Power;...
Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng Dự thảo và đang lấy ý kiến đối với 3 Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG; và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn dự kiến gồm 6 Chương, 34 Điều và 2 Phụ lục. Để đảm bảo có thể triển khai Nghị định sau khi ban hành, tại Dự thảo này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia. Các Nguyên tắc về tính toán giá, chi phí dịch vụ và các chi phí thanh toán khác, phương pháp xác định và trách nhiệm tính toán đảm bảo công bằng, minh bạch cũng được nghiên cứu, xây dựng tại Dự thảo này.
Dự thảo Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện khí gồm 6 Điều, với 3 nhóm nội dung chính liên quan đến: Cam kết tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn đối với các dự án nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu (Điều 3); Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện (Điều 4); Các vấn đề khác của hợp đồng mua bán điện (Điều 5).
Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu xác định rõ chính sách đối với hai đối tượng phát triển gồm điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Trong đó, quy định về việc đăng ký thực hiện, đăng ký công suất phát triển, quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư; công suất đặt với 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực; không gây quá tải lưới điện khu vực đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này.
Hội thảo ghi nhận ý kiến của 17 đại biểu, trong đó hầu hết thống nhất cơ bản với đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và các khung chính sách dự kiến tại Dự thảo các Nghị định, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương và Chính phủ trong xây dựng, ban hành cơ chế chính sách cụ thể trong các lĩnh vực này. Song, có một số đề xuất xem xét làm rõ các khái niệm, quy trình, thủ tục để thực hiện các cơ chế chính sách sau khi các Nghị định có hiệu lực. Những ý kiến này sẽ được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp nhằm hoàn thiện các Dự thảo trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt mong muốn các Nghị định sớm được ban hành để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở rộng phát triển tại Việt Nam hơn nữa.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt Bộ Công Thương cảm ơn sự hiện diện của đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, xác đáng tại Hội thảo.
“Chúng tôi đã ghi chép đầy đủ và chắc chắn là cơ quan thường trực xây dựng các Nghị định sẽ phải nghiên cứu, có những cuộc thảo luận nội bộ để xem xét có thể tiếp thu được những ý kiến này thế nào ở thời điểm hiện nay, hay ghi nhận và đề xuất rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trong tương lai một cách phù hợp”, Bộ trưởng khẳng định.
Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, một lần nữa Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sự cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cũng để thực hiện được Quy hoạch điện VIII hiệu quả, hướng tới một nền sản xuất xanh ở Việt Nam. Trong đó, ba chính sách mà Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến liên quan đến cơ chế DPPA, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và chính sách khuyến khích phát triển điện khí là những chính sách quan trọng, cần sớm được ban hành, là những “bước đi ban đầu” ở góc độ quản lý nhà nước và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.
Các chính sách này cũng là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba giác độ phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, những cơ chế chính sách nêu trên “đều là rất mới và rất khó”, bởi luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện những cơ chế này một cách đầy đủ ngay lập tức; Việt Nam xuất phát điểm khác với các nước phát triển, đòi hỏi các cơ chế chính sách cần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nhận thức, tập quán và điều kiện kinh tế - kĩ thuật.
Đối với cơ chế DPPA, Hội thảo thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà mở rộng ra là cả những doanh nghiệp dịch vụ, “hễ là khách hàng có nguồn nhu cầu sử dụng điện lớn, thậm chí là muốn điện sạch, thì hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này”. Cơ chế DPPA gồm 2 hình thức: Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng. Nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện (chỉ áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời).
Đối với chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, có bốn chính sách cơ bản như đề xuất trong Dự thảo. Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn về công suất, không cho phép mua bán điện mà chỉ để tự sản tự tiêu, tránh trục lợi về chính sách và ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia, an ninh, an toàn điện quốc gia. Nếu nối lưới, Dự án có thể phát sản lượng điện dư lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng.
Đối với cơ chế khuyến khích phát triển điện khí, ngôn ngữ hợp đồng sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh. Luật pháp được áp dụng để xem xét xử lý trong trường hợp phát sinh xung đột là luật pháp Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ có bảo đảm bao tiêu sản lượng điện tối thiểu của các dự án điện khí ở mức nhất định, trong thời hạn nhất định, giúp nhà đầu tư an tâm đầu tư phát triển dự án và đạt điểm hòa vốn an toàn. Giá khí sẽ được thiết kế trong chính sách này theo hướng điều chỉnh theo giá thị trường, tương tự như vậy khung giá điện cũng sẽ được điều chỉnh theo thị trường (theo Nghị định mới của Chính phủ cho phép điều chỉnh 3 tháng/lần).
Cơ quan thường trực xây dựng Dự thảo các Nghị định sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách này, tạo điều kiện phát triển ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới.