Sơn Tây xưa có tên là xứ Tam Giang. Mảnh đất Sơn Tây có ba con sông chảy qua: phía Tây có sông Đà, phía Bắc có sông Hồng, phía đông có sông Đáy, còn phía Nam chập chùng đồi núi với ranh giới tỉnh Hòa Bình. Đời Hồng Thuận 1490, Sơn Tây là một trong “tứ trấn” phía Tây kinh đô Thăng Long, nên còn gọi là trấn Đoài hay xứ Đoài. Nằm ở vị trí địa lý tương đối thuận lợi với hai tuyến đường chạy qua là Quốc lộ 21A nối Sơn Tây với Hà Nội và các huyện, thị trong Tỉnh; Quốc lộ 32 nối Sơn Tây với các tỉnh phía bắc; hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đáy chảy qua nên rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Sơn Tây cũng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch - thương mại với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Sơn Tây được biết đến như một khu di tích đặc biệt hấp dẫn, khiến cho bất cứ ai ghé thăm mảnh đất này cũng muốn dừng chân ngắm nhìn thành cổ, một trong “tứ trấn” bảo vệ thành Thăng Long xưa. Thành Sơn Tây được xây từ thời Minh Mạng thứ 3 (1822), mang đầy đủ yếu tố của một tòa thành quân sự, một hệ thống phòng thủ kiên cố nhất xứ Đoài thời đó. Cùng chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo làng cổ Đường Lâm, một di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngoài ra, Sơn Tây còn có các danh thắng, khu du lịch sinh thái như Đồng Mô, Chùa Mía, lễ hội đền Và, đắm mình trong những câu chuyện kể về sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh linh thiêng và huyền bí.
Trải qua bao đổi thay cùng đất nước, ngày 01 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Sơn Tây chính thức được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội và chuyển thành Thị xã Sơn Tây ngày 08 tháng 5 năm 2009. Thị xã Sơn Tây có diện tích 113,47 km2, gồm 9 phường, 6 xã với tổng dân số là 110.827 người.
Trong những năm qua, nhờ tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế trên, bức tranh kinh tế Thành phố luôn có gam màu sáng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,8%/ năm. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã Sơn Tây đến năm 2010 là đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng xây dựng kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vay vốn để cải tiến đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp, thời gian qua, Thị xã đã triển khai quy hoạch điểm công nghiệp Phú Thịnh, Sơn Đông, đồng thời bổ sung thêm ba cụm và một điểm công nghiệp với tổng diện tích 416 ha. Đến nay, các điểm công nghiệp đã thu hút 26 dự án, trong đó có 10 dự án đang làm thủ tục thuê 86 nghìn m2 đất và hai dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 500 lao động, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của Thị xã.
Chiếm tỷ trọng 43,2% GDP của Thị xã là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện Sơn Tây có 2 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống là: làng nghề Gốm Phú Nhi, làng nghề Thêu ren thôn Ngọc Kiên xã Cổ Đông. Ngoài ra, còn một làng nghề truyền thống đang được khôi phục là nghề bánh tẻ Phú Nhi và 8 làng nghề mới đang được phát triển gồm các nghề: thêu ren, sinh vật cảnh, mộc, đan lát, đóng giầy, tơ tằm,… tập trung ở các xã Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Sơn Đồng, Đường Lâm, P. Xuân Khanh…, 30 làng nghề thuần nông đang được phát triển thành làng có nghề trong đó, nghề đồ gỗ, may mặc là 17 làng; mây tre đan là 8 làng; còn lại là các nghề mỹ nghệ, thêu ren và làm tăm hương. Các làng nghề ở Sơn Tây cơ bản giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, riêng năm 2008, Trung tâm Khuyến công thị xã Sơn Tây đã đào tạo nghề cho 967 lao động cho các làng nghề. Lao động của các Làng có nghề và Làng nghề rất đa dạng và cũng có thu nhập khác nhau, do vị trí thuận lợi phát triển sản xuất, thương hiệu và hình thức tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập bình quân của các Làng nghề từ 800.000 - 1.200.000đ, cao nhất là nghề chế tác sinh vật cảnh, thu nhập bình quân từ 1.200.000đ - 1.800.000đ/người/tháng. Năm 2009, Trung tâm Nhân cấy nghề và phát triển nghề của thị xã Sơn Tây đã lập dự án đề nghị UBND thành phố Hà Nội công nhận nghề sản xuất bánh kẹo thủ công thôn Đông Sàng - xã Đường Lâm là nghề truyền thống.
Trong các làng nghề truyền thống của thị xã Sơn Tây, có lẽ nghề làm bánh tẻ ở Phú Nhi đang là nghề có sự phát triển sôi động nhất.
Làng Cổ Phú Nhi nằm ở ngoại ô thị xã Sơn Tây, giáp sông Hồng, có nghề truyền thống là làm Gốm và làm bánh tẻ.
Bánh tẻ Phú Nhi ra đời từ mối tình cao đẹp của nàng Hoàng Nhi và chàng trai Nguyễn Phú, lúc đầu gọi là bánh lẻ (đơn chiếc), sau đổi là bánh tẻ. Chuyện kể rằng "Nguyễn Phú ở Giáp Ðoài con bà Trọng làm nghề bán dầu vỏ, anh to khỏe, người đậm, bố là người nông dân hiền lành chất phác, Phú thông minh, khuôn mặt sáng sủa. Còn Hoàng Nhi là con bà Hương làm nghề nấu bánh đúc, hằng ngày đem bán ở chợ gốc cây gạo còng ngày xưa. Bánh đúc ở Phú Nhi ngon, có tiếng một vùng, thế mới có câu.
"Em là con gái Phú Nhi
Bánh đúc bỏ bị vừa đi vừa nhòm".
Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ hằng ngày, vì Nhi phải đem hàng cho mẹ, cuộc tình cứ thế lớn dần theo ngày tháng, rồi một hôm, chàng đánh bạo sang nhà nàng chơi, lúc Nhi đang khuấy nồi bánh đúc cho mẹ, quên bẵng việc cho vôi vào nồi bột. Bố Nhi là người rất nghiêm khắc, phong kiến, ông tìm mọi cách ngăn cản mối tình trong trắng, đẹp đẽ ấy. Thế là từ đó, hai người mãi mãi chẳng có dịp được gặp nhau. Lại nói chuyện Nguyễn Phú khi xảy ra chuyện hỏng nồi bánh đúc, chàng mang nồi bột về nhà và nghĩ bỏ đi thì tiếc, nên đành nghĩ ra cách là ra vườn ngắt lá dong, lá chuối khô lau sạch rồi thái hành làm nhân, một mình tự thao tác phết bột vào lá dong, cuốn lá chuối khô bên ngoài, lấy dây giang cuốn lại rồi bắc lên bếp đồ (luộc) khi có mùi thơm bốc lên, Phú đoán là bánh chín, bóc ra để nguội ăn thấy ngon hơn bánh đúc và thế là chiếc bánh tẻ ở buổi bình minh sơ khai đã ra đời từ đó.
Sau một thời gian dài mai một, đến nay, chiếc bánh tẻ truyền thống của người dân Phú Nhi, phường Phú Thịnh - thị xã Sơn Tây lại được khôi phục và trở thành món ăn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước tại các điểm du lịch: Suối Hai, Ba Vì, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đền Và, Chùa Mía, Khoang Xanh, Đồng Mô...
Mới đây, tại hội chợ “Xúc tiến thương mại và triển lãm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam 2008” diễn ra hồi cuối tháng 9, chiếc bánh tẻ truyền thống Phú Nhi lần đầu tiên tham gia hội chợ đã được nhiều khách tham quan chú ý và đánh giá cao. Tại đây, Ban Tổ chức hội chợ cũng đã quyết định trao Huy chương vàng cho làng nghề bánh tẻ Phú Nhi bởi giá trị truyền thống và triển vọng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Vậy nhờ đâu mà chiếc bánh tẻ Phú Nhi tưởng chừng đã mai một lại được người dân khôi phục? Anh Phan Hữu Đằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thịnh kể lại: Trước đây, phường Phú Thịnh là một xã sống chủ yếu bằng nghề nông (chiếm 70% dân số) với diện tích đất là 56,6 ha. Nhưng đến năm 2003, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội - thương mại, diện tích đất nông nghiệp của Phú Thịnh bị thu hẹp 30,1 ha cho 19 dự án phát triển công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị nhà ở. Tiếp đó, đầu năm 2008, diện tích đất nông nghiệp nơi đây lại tiếp tục bị thu hẹp thêm 20 ha để xây dựng khu nhà ở Phú Thịnh, do đó đất nông nghiệp chỉ còn lại vẻn vẹn 6,5 ha.
Đứng trước thực trạng thiếu đất nông nghiệp, Ban lãnh đạo thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công thị xã Sơn Tây mở nhiều lớp đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã: nghề thêu ren, mây tre đan, tranh sơn mài, chế biến nông sản thực phẩm, thêu đính cườm …, trong đó có chủ trương khôi phục lại nghề làm bánh tẻ truyền thống Phú Nhi (một làng nghề làm bánh tẻ truyền thống thuộc thôn Phú Nhi, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây). Được nhân dân đồng lòng ủng hộ và tích cực tham gia, ngày 12/02/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định cấp bằng công nhận làng nghề bánh tẻ thôn Phú Nhi với mong muốn giữ gìn truyền thống và tạo công ăn việc làm tốt cho người lao động khi mất ruộng.
Đến nay, sau một thời gian triển khai, chiếc bánh tẻ mang thương hiệu Phú Nhi đã bắt đầu có mặt tại các địa điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây, được nhiều du khách trong và ngoài nước nhớ tới bởi hương vị đậm đà từ gạo tẻ, mộc nhĩ, thịt lợn, lá dong…
Theo đánh giá ban đầu của anh Nguyễn Văn Thuỷ - Phó bí thư phường Phú Thịnh, tuy mới khôi phục lại, nhưng bánh tẻ Phú Nhi có sức tiêu thụ rất tốt. Toàn phường hiện nay có hơn 100 hộ gia đình tham gia làm bánh, trong đó có 73 hộ phát triển mạnh và thường xuyên mang sản phẩm đến những khu vực lân cận tiêu thụ, tạo việc làm cho 280 lao động với thu nhập bình quân 1.200.000đ/tháng. Sắp tới, phường Phú Nhi và thị xã Sơn Tây còn tiếp tục mở thêm những lớp truyền nghề để tạo công ăn việc làm cho nhân dân và không ngừng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Như vậy, việc khôi phục nghề làm bánh tẻ truyền thống Phú Nhi không chỉ đơn thuần là gìn giữ giá trị văn hoá, tinh thần, góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho người nông dân khi diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp.
Làng Phú Nhi ngoài nghề làm bánh tẻ còn có nghề gốm, tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa với tốc độ quá nhanh, nên mặt bằng sản xuất không còn, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng của một số sản phẩm của làng nghề truyền thống đã bị thay đổi, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, số nghệ nhân còn ít và ở độ tuổi quá cao, lớp thanh niên phần lớn không mặn mà với nghề ‘‘cha truyền con nối’’, hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn, nên thợ có tay nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tuy mới được công nhận là Làng nghề truyền thống năm 2008, Làng nghề thêu ren Ngọc Kiên - thôn Ngọc Kiên - Xã Cổ Đông - Sơn Tây đã được hình thành và phát triển từ nhiều năm nay. Sản phẩm chủ yếu của Làng là thêu tranh hoa, tranh phong cảnh và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Các tác phẩm thêu ren Ngọc Kiên chất chứa những nỗi niềm sâu kín, vừa sang trọng và lộng lẫy, vừa mang một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo phương Ðông vừa mang gia trị truyền thống cũng như giá trị văn hóa Việt. Làng nghề thêu ren Ngọc Kiên có 190 hộ với 250 lao động. Thu nhập bình quân của lao động làm nghề là 900.000đ/tháng. Nghề thêu ren Ngọc Kiên đang được củng cố, nhân cấy sang các thôn xóm tại các xã, phường trong Thị xã.
Làng Ngọc Kiên ngoài nghề thêu ren còn nổi tiếng với những di tích lịch sử, trong đó đáng chú ý nhất là 6 di tích:
- Đình Đầm và 12 kẻ quanh hồ Đồng Mô (cách Uỷ ban nhân dân xã Sơn Đông 300m) thuộc đất Sơn Trung, xây dựng vào thời Nguyễn. Hiện vật quý của Đình là 3 cỗ ngai sơn son thếp vàng, 6 đôi câu đối, 3 bức hoành phi.
- Đình Sơn Trung với chuông chùa Măng Sơn (cách Uỷ ban nhân dân xã Sơn Đông 500 m) thờ tam vị thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh). Niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1824).
- Đình Sơn Đông (cách Uỷ ban nhân dân xã Sơn Đông 400 m) cũng thờ tam vị sơn thánh, xây dựng vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ “nhị”. Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1864) và Tự Đức thứ 32 (1878), ghi việc công đức của dân đi chung lối ngõ ra cửa đình.
- Đàn Thiện thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Đàn có từ lâu, vốn quy mô nhỏ bé, đến năm Duy Tân Canh Tuất (1910) xây dựng lớn có nhà phương đình chồng diêm 8 mái khá đẹp. Trước cửa đàn Thiện có một bia đá niên hiệu Tự Đức thứ 1 (1847), ghi việc công đức tiền của, ruộng đất của một số người trong làng ngoài xã.
- Chùa Treo hay Cổ Liêu tự (cách Uỷ ban nhân dân xã 1 km) ban đầu của chung 2 thôn Sơn Đông và Sơn Trung. Đến cuối thế kỷ XIX, thôn Sơn Trung lập chùa riêng (chùa Ngạch), chùa Treo thành của riêng thôn Sơn Đông. Chùa được xây dựng ít nhất cũng từ thời Lê, đã nhiều lần trùng tu thờ Phật. Hiện vật có giá trị là 1 bia đá “Cổ Liêu thiền tự bi ký” niên đại Lê triều Cảnh Hưng 19 (1758) ghi việc công đức xây dựng chùa và 1 bia: “Lưu truyền vạn đại” niên hiệu Gia Long 4 (1805) ghi tên những người công đức. Ngoài ra, chùa còn một chuông đồng “Cổ Liêu chung tự”, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1867).
- Chùa Sơn Trung (còn gọi là chùa Ngạch) với 3 pho tam thế (cách Uỷ ban nhân dân 300 m), được khởi dựng vào năm Ất Tỵ, vua Thành Thái nguyên niên (1889). Chùa còn bảo tồn được 3 pho tam thế và một pho A Di Đà to, đẹp, tạc bằng gỗ, ngồi trên toà sen với màu sơn then bóng sâu, nét chạm trau chuốt, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, cổ cao ba ngấn, má bầu bĩnh… mang phong cách nghệ thuật cuối thời Lê. Chùa có 6 bia đá, đền là bia công đức tạc vào đầu thế kỷ XX và một chuông đồng niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917).
Mặc dù dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Sơn Tây, nhưng sự phát triển của làng có nghề và làng nghề đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Nếu kết hợp tốt giữa phát triển làng nghề truyền thống với du lịch, bức tranh kinh tế xã hội của Sơn Tây sẽ ngày càng tươi sáng hơn như vẻ đẹp vốn có của sứ Đoài./.