Sự cần thiết của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ở bất kỳ quốc gia nào, người tiêu dùng luôn là nhóm đối tượng đông đảo được quan tâm nhiều nhất, là yếu tố quan trọng, động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia. Chính vì vậy, trong tiến trình phát triển kinh tế của một nước, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của khu vực sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội thì cũng cần hài hòa, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Hơn nữa, đối với riêng doanh nghiệp, để có thể phát triển bền vững thì cần lấy người tiêu dùng làm trung tâm cho sự phát triển đó vì người tiêu dùng mới là nguồn lực và là động lực chính cho sự phát triển của bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào. Tuy nhiên, do việc thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn, nên người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế hơn trong quan hệ mua, bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chính vì vậy, cần thiết có sự điều chỉnh của pháp luật và sự giám sát nhất định của nhà nước vào mối quan hệ tiêu dùng này để đảm bảo cân bằng lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng và của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không chỉ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng mà còn khuyến khích xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Năm 1985, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức phê chuẩn Bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng trong đó có đưa ra các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Đây là một tài liệu cơ bản và toàn diện về bảo vệ người tiêu dùng và là nguồn tài liệu tham khảo cho nhiều quốc gia trong việc xây dựng các chính sách và luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng.
Tại rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bộ luật về bảo vệ người tiêu dùng đã được ban hành và thực thi, trong đó có những quy định và cơ chế cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cụ thể như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan… Nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề người tiêu dùng như Bộ Các vấn đề người tiêu dùng ở New Zealand; Bộ Thương mại, Hợp tác và bảo vệ người tiêu dùng Malaysia; Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (trực thuộc Ủy ban Thương mại công bằng – Korea Fair Trade Commission – KFTC); Cơ quan Người tiêu dùng Nhật Bản (Japan Consumer Affair Agency – CAA) và Trung tâm Người tiêu dùng quốc gia (Japan National Consumer Affairs Center);…
Kể từ khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tịu đáng ghi nhận. Nhưng song hành cùng với đó thì những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến lợi ích, chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam, như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo gian dối, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng,... đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Việt Nam là quốc gia có sức tiêu dùng lớn với dân số hơn 98 triệu dân. Pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nghĩa chung nhất là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các chủ thể khác khi thực hiện hoạt động tiêu dùng. Năm 1999, Nhà nước đã cho ban hành văn bản pháp lý cơ sở và đầu tiên cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam với tên gọi là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hiện nay đã hết hiệu lực).
Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật số 59/2010/QH12 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 là sự kế thừa, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999.
Bộ Công Thương được giao chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước liên quan tới công nghiệp và thương mại, trong đó có chức năng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục Quản lý cạnh tranh, là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập từ năm 2004, được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Như vậy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là một biểu hiện của tiến bộ xã hội, của việc tôn trọng quyền con người, quyền của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia.
Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương đối đầy đủ, bao gồm:
Các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
+ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010;
+ Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
+ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
+ Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
+ Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương;
+ Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
+ Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 01 năm 2012 về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
+ Thông tư số 10/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công Thương về ban hành mẫu đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Do vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùn có liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, bên cạnh các văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùn còn được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể như: Luật An toàn thực phẩm; Luật Cạnh tranh; Luật Giá; Luật Điện lực; Luật Quảng cáo; Luật Giao dịch điện tử; v.v.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lời người tiêu dùng, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng như:
- Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (Consumers International - CI): CI là liên hiệp của các tổ chức xã hội tham gia hoạt động BVQLNTD của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. CI được thành lập nhằm bảo vệ và cổ vũ cho các quyền của người tiêu dùng trên thế giới thông qua các chương trình giúp đỡ các thành viên và các chiến dịch trên phạm vi quốc tế. Hiện nay, CI có hơn 240 tổ chức thành viên tại 120 quốc gia. CI có văn phòng khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) là thành viên của CI từ ngày 15 tháng 3 năm 1992.
- Mạng lưới thực thi và bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (International Consumer Protection and Enforcement Network - ICPEN): ICPEN là tổ chức quốc tế lớn nhất trên thế giới của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2021, ICPEN có hơn 70 quốc gia thành viên như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan… và 03 tổ chức quốc tế làm quan sát viên bao gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ủy ban châu Âu (EC) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển kinh tế (UNCTAD). Mục tiêu chính của ICPEN là thúc đẩy các quốc gia đưa ra những biện pháp thực tiễn nhằm ngăn chặn các hành vi lừa gạt người tiêu dùng có yếu tố quốc tế (lừa đảo xuyên quốc gia). Việt Nam, sau hai năm tham dự ICPEN với vai trò quan sát viên, tại Hội nghị thường niên ICPEN năm 2013 đã chính thức trở thành viên thứ 41 của ICPEN với đại diện là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).
- Ủy ban ASEAN về bảo vệ người tiêu dùng (Asean Committee on Consumer Protection - ACCP): ACCP là tổ chức có các thành viên là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia ASEAN. ACCP (tiền thân là Ủy ban phối hợp về bảo vệ người tiêu dùng) được thành lập vào tháng 8 năm 2007. Mục tiêu chính của ACCP là thực hiện và giám sát các thỏa thuận hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững công tác bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Công Thương Việt Nam hiện nay đang tham gia rất tích cực vào các hoạt động của ACCP.
Một số nội dung chính của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với kết cấu gồm 6 Chương, 51 Điều, tập trung điều chỉnh các vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn quy định 5 nhóm nội dung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, những quy định chung với các nội dung về phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Chương này cũng đưa ra 8 quyền cơ bản và quan trọng của người tiêu dùng, 2 nghĩa vụ của người tiêu dùng, 8 hành vi bị cấm theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ hai, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng bao gồm quy định các vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; Các vấn đề trong giao kết hợp đồng; Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật; Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm các điều quy định về ba nội dung cơ bản: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội; Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
Thứ tư, giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân hàng hóa kinh doanh dịch vụ. Quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa bao gồm: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Thứ năm, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương này gồm các điều quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và đặc biệt quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Công thương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại thời điểm ban hành và thực thi Luật, nhiều quy định được đánh giá là tiến bộ, kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong xã hội, ví dụ vấn đề về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; về nghĩa vụ của người tiêu dùng; về hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh; về trách nhiệm của bên thứ ba; về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; về hội bảo vệ người tiêu dùng; về thu hồi hàng hóa có khuyết tật và phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa theo thủ tục đơn giản.
So với các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những điểm mới có giá trị thực tiễn cao. Đó là các quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm cung cấp thông tin của bên thứ ba đối với người tiêu dùng; trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hoá có khuyết tật; quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ,…
Đối với các hành vi bị cấm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện một số hành vi như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân; Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng,...
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước đây, trong vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Luật cũng quy định về các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực nhằm khắc phục vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong quan hệ giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có riêng 01 Chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Chương IV). Đặc biệt, Luật cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tòa án với một số điều kiện cụ thể như vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng (Điều 41),…
Bên cạnh đó, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Điều 42) và không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án (Điều 43). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 và thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999.