Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam

Bài "Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam" do TS. Nguyễn Phi Hoàng (Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính - Marketing) thực hiện.

Tóm tắt:

Đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như giao tranh giữa Israel và phiến quân Houthi đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua. Hàng loạt nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng dẫn đến nền kinh tế bị ngưng trệ trên diện rộng. Hiện tượng gián đoạn nguồn cung này còn được gọi là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều quan điểm đã nhấn mạnh đến nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới nhằm hạn chế hiện tượng trên tái diễn. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nếu diễn ra sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia trong thu hút đầu tư quốc tế. Dù vậy, làm sao để có thể trở thành điểm đến của các dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian tới là thách thức đối với các quốc gia. Bài viết này sẽ tiến hành phân tích và đánh giá về sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội và thách thức cũng như các giải pháp trong thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất các gợi ý chính sách.

Từ khóa: sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Nhiều năm sau chiến tranh lạnh, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại quốc tế dựa trên tinh thần chủ đạo của lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo. Theo đó, quốc gia nên tập trung vào ngành hàng mà mình có lợi thế. Dựa trên lý thuyết này, sự phân công lao động quốc tế đã diễn ra rộng khắp toàn cầu. Nếu trước đây để sản xuất một sản phẩm doanh nghiệp đảm đương phân lớn công việc sản xuất ra các linh kiện hay phụ tùng cho sản phẩm đó, phần ít ỏi còn thiếu sẽ được mua từ các đơn vị khác. Tuy nhiên, làn sóng toàn cầu hóa cùng thương mại quốc tế và phân công lao động quốc tế đã thúc đẩy các doanh nghiệp quyết liệt hơn trong thực thi các chính sách mua ngoài các thiết bị hay phụ tùng từ các nhà cung cấp. Xu thế này được hỗ trợ của hàng loạt sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong nhiều lĩnh vực như giao thông, internet băng thông rộng, điện toán đám mây cùng độđứt gãy chuỗi cung ứng mở của thị trường thế giới ngày càng lớn hơn làm cho việc xây dựng các mạng lưới nhà cung cấp từ xa trở nên dễ dàng, chi phí thấp và hiệu quả cao (Wisner, 2023). Từ những thay đổi nêu trên, hàng loạt các chuỗi cung ứng toàn cầu từ ô tô, điện tử, hàng không, trang thiết bị y tế cho đến các sản phẩm phổ thông như may mặc, giày da,… đã dần xuất hiện và thể hiện tính ưu việt của nó trong việc cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá thành hạ cho thị trường thế giới.

chuỗi cung ứng toàn cầu
Ảnh minh họa

Các chuỗi cung ứng toàn cầu này kéo dài từ Tây sang Đông, xuyên đại dương và thông qua hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của quả địa cầu để cuối cùng tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh giao đến cho khách hàng. Một ví dụ điển hình là ngày nay để sản xuất một chiếc xe ô tô, có đến hàng trăm nhà cung cấp đến từ hàng chục quốc gia tham gia cung cấp linh kiện hay phụ tùng cho việc lắp ráp này (Mỹ Anh, 2018). Sự thành công rực rỡ của các chuỗi cung ứng toàn cầu đã củng cố thêm niềm tin vào thương mại quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như làm lu mờ các rủi ro đối với việc vận hành các chuỗi cung ứng toàn cầu này. Cho đến trước Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, gần như rất ít các tiếng nói phản biện đề cập đến những rủi ro tiềm tàng khi thế giới phụ thuộc quá nhiều vào các chuỗi cung ứng toàn cầu này. Cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, virus Corona xuất hiện cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sau đó là xung đột Nga - Ukraine đã làm bộc lộ sâu sắc sự phụ thuộc khủng khiếp của thế giới vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.  

Quay lại với ví dụ về việc hàng chục quốc gia cùng tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ô tô, nếu một trong số các quốc gia ấy gặp sự cố, chuỗi cung ứng này có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Trường hợp cụ thể ở đây là khi Trung Quốc phải “án binh bất động” nền kinh tế với hàng loạt các lệnh phong tỏa được ban ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới thì ngay lập tức không phải chỉ mỗi ngành ô tô bị ảnh hưởng, mà hàng loạt các chuỗi cung ứng toàn cầu khác đã bị tác động nghiêm trọng. Từ ô tô, điện tử, thiết bị y tế, thuốc tân dược cho đến may mặc, da giày,… đều rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung cấp trầm trọng. Hàng loạt các nhà máy lớn nhỏ trên toàn cầu đã phải đóng cửa, hạn chế sản xuất vì không thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Các quốc gia từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Italia, Pháp, Đức đến Việt Nam, Pakistan, Bangladesh hay Australia đều cảm nhận một cách rõ ràng những mất mát hay khó khăn mà sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu này gây ra cho nền kinh tế của họ. Và cũng chính trong cơn bấn loạn của Đại dịch Covid-19, các quốc gia, doanh nghiệp đã nhận ra những điểm hạn chế và rủi ro mà các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay có thể mang đến cho các nền kinh tế trên thế giới. Vì vậy, nhu cầu tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng toàn cầu đã trỗi lên một cách mạnh mẽ thời gian vừa qua thông qua các phát biểu từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cho đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh đến nhu cầu bức thiết phải tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng đưa các chuỗi cung ứng này quay về cố hương hay tìm kiếm thêm các quốc gia đáng tin cậy khác để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Trong bối cảnh đó, khái niệm Bộ Tứ mở rộng (Quad Plus), bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam được thành lập nhằm hướng đến việc xây dựng một mạng lưới kinh tế thịnh vượng (Economic Prosperity Network), mà trọng tâm là dịch chuyển một phần các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc để đến với nhiều nước khác hơn, nhằm hạn chế rủi ro là minh họa rất cụ thể và ấn tượng (M. Hà, 2020). Vấn đề tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng thậm chí còn được Tổng thống Hoa Kỳ ban hành thành sắc lệnh có hiệu lực thi hành.

Như vậy, làn sóng di chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ nhanh chóng diễn ra trong thời gian tới và trên thực tế đã có sự dịch chuyển từ năm 2019, nhưng mức độ và tốc độ diễn ra rất nhanh kể từ năm 2020 và ngày càng trở nên mãnh liệt hơn trong vài năm gần đây. Nhận định về diễn biến này có thể thấy chiến lược “quy hồi cố hương” của cựu Thủ tướng Hoa Kỳ Donald Trump rất khó thực hiện trên diện rộng, vì thực tế chứng minh các lý thuyết về lợi thế cạnh tranh và phân công lao động toàn cầu vẫn đang phát huy giá trị của nó, khi mang đến các giá trị quan trọng, như giá thành hạ và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cao hơn. Ví dụ sinh động về những khó khăn của chiến lược mà Cựu Tổng thống Hoa Kỳ cổ xúy “quy hồi cố hương” là trường hợp của Hãng Apple vào năm 2003 khi cố gắng sản xuất sản phẩm Macbook tại Hoa Kỳ. Nhà máy này đã không thành công như mong đợi khi họ phải đối mặt hàng ngày với những câu chuyện như không thể tìm ra một nhà cung cấp các con ốc vít như họ mong muốn tại Hoa Kỳ. Chính vì vậy, chiến lược tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu mà các nước lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia khởi xướng sẽ tập trung vào việc tìm đến các quốc gia an toàn hơn, thân thiện và đáng tin cậy hơn (friend-shoring), để cùng xây dựng lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chắc chắn là một xu thế trong thời gian tới và là cơ hội mới cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đến của các làn sóng dịch chuyển này và làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội được đánh giá là “trăm năm có một” này? Yếu tố nào sẽ tác động đến quyết định chọn lựa địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế khi tiến hành dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian tới? Đây là những vấn đề rất quan trọng, câu trả lời không thể chỉ đến từ phía các doanh nghiệp, mà còn phải từ cấp độ quốc gia.

2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài viết này, việc tổng hợp tư liệu của các nghiên cứu trước, tiến hành phân tích và so sánh đối chiếu, cùng với đó là sự suy luận logic về vấn đề nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm ra các xu hướng đầu tư mới trên thị trường quốc tế, nhân tố chủ yếu tác động đến quyết định chọn lựa địa điểm đầu tư và những hàm ý chính sách cần thực hiện.

3. Kết quả và thảo luận

Từ những phân tích nêu trên ở phần giới thiệu, có thể thấy, để có thể trở thành điểm đến của các chuỗi cung ứng toàn cầu mới khi các doanh nghiệp đa quốc gia tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong thời gian tới, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần phải giải quyết mạnh mẽ các vấn đề trọng tâm sau:

3.1. Góc độ quốc gia

Thứ nhất, xây dựng quốc gia trở thành điểm đến đáng tin cậy, ít rủi ro và ổn định. Đối với tiêu chí này, việc Việt Nam được mời tham gia Bộ Tứ mở rộng Quad Plus đã ít nhiều chứng minh được Việt Nam tiệm cận được các tiêu chí về “quốc gia tin cậy, có trách nhiệm” mà các quan chức Hoa Kỳ đã từng đề cập. Bên cạnh đó, chỉ trong 2 năm 2023 và 2024, Việt Nam đã đón các vị nguyên thủ quốc gia của các siêu cường như Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Liên Bang Đức, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Tổng Thư ký LHQ,… đến thăm và làm việc đã cho thấy sách lược ngoại giao thành công của Việt Nam trong nỗ lực biến mình thành một quốc gia thân thiện, đáng tin và giàu tiềm năng. Chiến lược này nên tiếp tục được duy trì và thúc đẩy trong thời gian tới. Ngoài ra, trong suốt một thời gian dài, sự ổn định về mặt chính trị của Việt Nam cùng sự tăng trưởng bền bỉ ở tốc độ cao của nền kinh tế trong suốt nhiều năm liền đã là điểm sáng của điểm đến Việt Nam.

Thứ hai, hiện nay, xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm, thân thiện môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững đã và đang trở thành chủ đạo tại khắp nơi trên thế giới - đặc biệt là tại các thị trường giàu có về sức mua, nền kinh tế Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thân thiện môi trường, phát triển bền vững, mà ở đó kinh tế tuần hoàn phải được xem là trọng tâm. Việc chuyển đổi này gần như bắt buộc nếu Việt Nam muốn tham gia vào các thị trường của các quốc gia phát triển giàu có này. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các quy định này đã được luật hóa như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hay Nghị định số 08/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế, khi nền kinh tế vẫn tồn tại những vấn nạn về phát thải, ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, thực phẩm nhiễm độc,... Trong chuyến thăm và làm việc vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Biden tại Việt Nam vào tháng 9/2023, một lần nữa, câu chuyện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng nằm trong chương trình nghị sự giữa hai phái đoàn. Điều này cho chúng ta thấy được sự cấp thiết của việc quyết liệt hơn nữa trong việc nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nếu muốn lọt vào mắt xanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng và các doanh nghiệp lớn quốc tế nói chung trong thời gian tới. Một số vấn đề Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện bao gồm hoàn thiện thể chế pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, xây dựng cơ chế hỗ trợ hay khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, tăng cường tuyên truyền về tiêu dùng xanh ra cộng đồng.

Thứ ba, Việt Nam cần nhanh chóng và quyết liệt đưa ra các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong diện bị tác động bởi mức thuế tối thiểu toàn cầu. Như chúng ta đã biết, trong nỗ lực ngăn chặn việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, vào tháng 06/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - gọi tắt là Thuế tối thiểu toàn cầu - với mức thuế tối thiểu 15%. Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn sắc thuế này vào thời điểm có hiệu lực sẽ là ngày 01/01/2024. Điều này có nghĩa là chính sách thu hút đầu tư lâu nay của Việt Nam nặng về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có nhiều ý nghĩa nữa trong thời gian tới. Lấy ví dụ như Công ty Samsung Việt Nam (SEV), theo tính toán của Đông A (2020), mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này vào khoảng 5,1% (SEV Bắc Ninh) - 6.25% (SEV Thái Nguyên), thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu 15%. Theo Thu Trang (2023), khi áp dụng qui định này, sẽ có khoảng 122 tập đoàn quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi qui định này. Như vậy có thể thấy, để giữ chân được các doanh nghiệp đa quốc gia và thu hút các các nhà đầu tư quốc tế kiểu như Samsung trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam không thể dựa vào ưu đãi thuế như trước đây nữa mà phải nhanh chóng xây dựng hay tạo lập các yếu tố thu hút đầu tư mới. Một số gợi ý cho chính phủ Việt Nam trong vấn đề này bao gồm cải thiện môi trường đầu tư theo hướng đơn giản và minh bạch, minh bạch và nhất quán về chính sách đầu tư, phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập cảnh, xây dựng các chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, hỗ trợ nhà đầu tư cắt giảm chi phí thông các các hoạt động phù hợp như đào tạo nghề cho người lao động.

Thứ tư, Việt Nam cần mạnh mẽ và quyết liệt trong việc xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ hiệu quả. Các ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay nổi lên là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến như ô tô, điện tử. Với sự phát triển hiệu quả và rộng khắp của các ngành công nghiệp phụ trợ, Thái Lan và Indonesia từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia về ô tô hay điện tử trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán này. Mặc dù ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ trong thu hút đầu tư quốc tế, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng những gì Việt Nam đã làm được cho đến này thật sự khiêm tốn. Trong số các giải pháp, chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc trong thời gian tới nhằm cải thiện thực trạng này có thể kể đến như xây dựng thể chế pháp luật ràng buộc các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa như cách mà Indonesia đã làm với hãng Renault (Pháp) trước đây về chuyển giao công nghệ; đầu tư có trọng điểm vào một số đầu tàu kinh tế có tính lan tỏa cao trong những ngành nghề nhất định; đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo công nghệ như khối đại học kỹ thuật công nghệ; có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI hợp tác với doanh nghiệp nội địa.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và minh bạch chính sách. Nhằm thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện quyết liệt, nhanh chóng và sâu rộng các nỗ lực cải thiện năng lực quản trị quốc gia theo hướng tinh giảm thủ tục hành chính, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng và điều chỉnh các hành lang pháp lý theo hướng rõ ràng, minh bạch và đầy đủ, đặc biệt trong các lĩnh vực về đầu tư, đất đai và thuế khóa. Việt Nam cũng cần phải đảm bảo những sự kiện nhũng nhiễu doanh nghiệp như câu chuyện của doanh nghiệp Tenma (Nhật Bản) tại Bắc Ninh, hay câu chuyện về chính sách đầu tư điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) không tái diễn trong thời gian tới. Năng lực quản trị quốc gia còn được thể hiện ở khả năng điều phối liên vùng hoặc giữa các tỉnh thành với nhau trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư cũng như hạn chế các chồng lấn giữa các khu vực về mặt chính sách giữa các khu vực và tỉnh thành trên phạm vi cả nước.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được định vị tại Việt Nam thì nhu cầu về nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng, đặc biệt là nhân sự các ngành công nghệ và kỹ thuật. Câu chuyện nhân sự cho ngành Bán dẫn Việt Nam là minh chứng cho thấy sự yếu kém của nguồn nhân lực Việt Nam trong thu hút dòng đầu tư quốc tế nói chung và từ Hoa Kỳ nói riêng. Hiện nay Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng về chuyên môn còn rất nhiều hạn chế từ trình độ khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ cho đến tác phong làm việc đều đang có nhiều vấn đề cần cải thiện. Việc thiếu kết nối giữa các trường đại học hay các trường dạy nghề với mạng lưới các doanh nghiệp; máy móc thiết bị phục vụ việc đào tạo của các trường còn lạc hậu và thiếu thốn là vấn đề của giáo dục bậc cao và dạy nghề tại Việt Nam. Điều này dẫn đến hiện trạng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn nghề nghiệp khi thực sự bắt tay vào công việc. Một vài gợi ý hay mà Việt Nam có thể cân nhắc trong thời gian tới đó là đầu tư có trọng điểm về mặt thiết bị máy móc cho khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ, nhằm gia tăng chất lượng đào tạo các ngành nghề này; xây dựng các chính sách thu hút người học các ngành nghề kỹ thuật công nghệ. Xa và sâu rộng hơn nữa là kết nối các doanh nghiệp lớn về công nghệ với các đại học kỹ thuật công nghệ nhằm tiến tới doanh nghiệp đầu tư cho các trường về máy móc, thiết bị và các trường sẽ đào tạo nhân lực và cung cấp cho các doanh nghiệp này như mô hình của Đài Loan (Trung Quốc) với Tập đoàn chip hàng đầu thế giới TSMC.

Cuối cùng, Việt Nam cần đảm bảo sự vận dụng triệt để và thực tiễn các quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề các quốc gia chủ sở hữu các chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan tâm, nhưng lại là một điểm trừ cho Việt Nam khi hiện tượng sao chép, nhập nhằng bản quyền và sự chồng chéo, diễn giải nhiều cách khác nhau của pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang khá phổ biến. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhưng việc vận dụng và các chế tài liên quan đến vi phạm về sở hữu trí tuệ còn chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc. Nhằm tạo lập một môi trường đầu tư hấp dẫn và bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần thay đổi, bổ sung về pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo hướng chặt chẽ, nghiêm khắc hơn và có các hoạt động tuyên truyền giáo dục về pháp luật sở hữu trí tuệ rộng rãi trong cộng đồng, cũng như có các chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với các vi phạm pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

3.2. Góc độ doanh nghiệp

Để trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ một triết lý đó là một chuỗi cung ứng tốt cần phải sở hữu tất cả các thành viên tốt bao gồm nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ. Điều đó mang một hàm ý, để trở thành một thành viên của một chuỗi cung ứng hiệu quả, các doanh nghiệp phải tự nâng cấp bản thân từ việc phải thay đổi, hay hoàn thiện năng lực quản trị công ty của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, đối xử công bằng với người lao động cho đến hành xử có đạo đức trong kinh doanh. Giải quyết những vấn đề cốt lõi nêu trên của doanh nghiệp, quyết tâm và nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp mang tính quyết định, cộng với đó là sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Nâng cao năng lực quản trị công ty thể hiện qua việc doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý doanh nghiệp, như các kỹ thuật six sigma, TQM, KPI, 5S, Lean, ERP,… nhằm hướng đến việc tinh gọn bộ máy, loại bỏ lãng phí, cắt giảm chi phí và thúc đẩy tính linh hoạt của bộ máy. Thực trạng hiện nay cho thấy, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tham gia sâu hoặc tham gia vào được những công đoạn tạo ra nhiều giá trị gia tăng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Có nhiều lý do như chất lượng sản phẩm không cao, thiếu ổn định và giá bán cao. Tất cả những yếu kém này có nguyên nhân từ việc doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho công nghệ và nhân sự chất lượng hay chính phủ chưa có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ hệ thống các doanh nghiệp nội địa hiệu quả. Tuy nhiên, như đã đề cập ở nội dung trên, nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp sẽ mang tính quyết định. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động và năng động tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp và chủ động làm việc với các doanh nghiệp FDI để trở thành thành viên của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đang đau đáu tìm kiếm nhà cung cấp nội địa nhằm hạn chế rủi ro cung ứng và cắt giảm chi phí, cũng như thời gian giao hàng, nên họ sẽ sẵn lòng hợp tác với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam nếu nhìn thấy ở đó sự nhiệt tâm, kiên định và tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hợp tác cùng các trường đại học công nghệ cũng là một chọn lựa phù hợp với các doanh nghiệp trong nhiệm vụ nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Ngày nay, các doanh nghiệp đến từ các quốc gia phát triển quan tâm rất nhiều đến các vấn đề như môi trường, phát triển bền vững, công bằng hay đối xử của giới chủ và người lao động, cũng như tính tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp dù có thể cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đẹp nhưng nếu bị phát hiện vi phạm các vấn đề về ESG (môi trường, xã hội, quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội) thì vẫn có thể bị từ chối tiêu dùng. Vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội bây giờ là điều kiện bắt buộc để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, không còn là vấn đề chọn hay không chọn. Ngoài ra, một vấn đề hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm, đó là nguồn gốc xuất xứ hay chỉ dẫn địa lý của sản phẩm. Trong khi đây chính là vấn đề mà các chuỗi cung ứng toàn cầu lại đặc biệt quan tâm. Như chúng ta đã biết, hiện nay, nhu cầu hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa từ điểm đầu của chuỗi cung ứng (upstream suppliers) rất cao trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp cho tới khách hàng sẽ là một lợi thế cạnh tranh to lớn của các doanh nghiệp. Xuất phát từ những thay đổi nêu trên, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm các công nghệ thân thiện môi trường, các mô hình kinh doanh mới mà ở đó sử dụng các vật liệu ít tiêu hao năng lượng, có thể tái sử dụng, cũng như cung cấp một cách minh bạch các nguồn thông tin liên quan đến toàn bộ đầu vào của doanh nghiệp. Đây là điểm cộng để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine, xung độ giữa Israel - Hamas đã làm thay đổi thế giới một cách sâu rộng và mức độ thay đổi này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài sắp tới, khi nguy cơ cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Israel và Iran lan rộng. Cơ hội và thách thức cũng từ đó mà song hành. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn nhất từ trước tới nay để vừa là điểm đến của dòng vốn đầu tư quốc tế, vừa có thể tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với các công đoạn có giá trị gia tăng cao. Tận dụng được các cơ hội này để trở thành một thành viên quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đang cố gắng hướng đến và đang có cơ hội để hiện thực hóa. Tuy nhiên, để biến mong muốn ấy thành sự thật, không thể để các doanh nghiệp Việt Nam tự thân vận động một cách lẻ loi, mà cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với chính phủ và các cơ quan hữu quan khác. Nền tảng vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự chủ động trong thay đổi cho phù hợp và thích nghi với các đòi hỏi khắt khe từ các chuỗi cung ứng toàn cầu với các đòi hỏi cao về an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường, công bằng và bền vững. Song song đó, chính phủ Việt Nam cũng phải tham gia một cách chủ động và có chủ đích hơn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp, thay đổi cơ chế chính sách và pháp luật cho phù hợp để góp phần tạo nên xung lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đông A (2020). Samsung Việt Nam: Lãi trăm đồng, đóng thuế vài đồng. Truy cập tại https://cafef.vn/samsung-viet-nam-lai-tram-dong-dong-thue-vai-dong-20201226122959576.chn
  2. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường 2020.  
  3. M.Hà (2020). Mỹ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội cho Việt Nam. Truy cập tại https://vietnamnet.vn/my-tai-cau-truc-chuoi-cung-ung-toan-cau-co-hoi-cho-viet-nam-640845.html
  4. Mỹ Anh (2018). Hàng trăm công ty tham gia sản xuất một chiếc ô tô. Truy cập tại https://vnexpress.net/hang-tram-cong-ty-tham-gia-san-xuat-mot-chiec-oto-3818755.html
  5. Chính phủ (2022). Nghị định số 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  6. Ngọc An (2023). Sự thật “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô”?. Truy cập tại https://tuoitre.vn/su-that-viet-nam-chi-lam-duoc-oc-vit-cho-bien-so-o-to-20230224134052403.htm
  7. Thu Trang (2023). Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024. Truy cập tại https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM294852
  8. Ellen MacArthur Foundation (2013). Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition. Available at https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/Ellen-MacArthur-Foundation-Towardsthe-Circular-Economy-vol.1.pdf
  9. Pearce & Turner (1990). Economics of natural resources and the environment. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
  10. Wisner, Leong & Tan. (2023). Supply Chain management: A Balanced Approach.6 Ed. Thomson, Southwestern.

THE GLOBAL SUPPLY CHAIN DISRUPTION ​​AND THE OPPORTUNITY TO ATTRACT INTERNATIONAL INVESTMENT INTO VIETNAM

Ph.D Nguyen Phi Hoang

Lecturer, Faculty of Business Administration, University of Finance - Marketing

Abstract:

The COVID-19 pandemic, the US-China trade war, the Russia-Ukraine conflict, and the fighting between Israel and the Houthi rebels have had negative impacts on the world economy in recent times. A lot of economies around the world have fallen into a serious shortage of supply, leading to widespread economic stagnation. This phenomenon is also referred to as the disruption of the global supply chain. Many opinions have emphasized the need to restructure the global supply chain in the coming time to avoid the above issue happening. If the restructuring of the global supply chain takes place, it will bring many opportunities for countries in the coming time to attract international investment. However, how to become a destination for international investment capital flows in the coming time is a challenge for countries. This paper analyzed and evaluated the current global supply chain disruption, opportunities, and challenges, as well as solutions to attract international investment flows to Vietnam in the coming time, and proposed policy suggestions.

Keywords: global supply chain disruption, international investment attractiveness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]