Tác động chính sách cổ tức đến giá trị doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. PHẠM NGỌC TOÀN (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và ThS. PHẠM XUÂN QUANG (Công ty TNHH MTV Transimex HI Tech Park Logistics)

TÓM TẮT:

Xác định và đánh giá sự tác động của chính sách cổ tức đến giá trị doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là vấn đề quan trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ giữa các yếu tố của chính sách cổ tức như tỷ lệ chi trả cổ tức, cách thức chi trả cổ tức, đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và giá trị doanh nghiệp, hàm ý rằng các biến này có tác động lên giá trị doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp có tác động trực tiếp đến nâng cao giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ khóa: Cổ tức, thị trường chứng khoán, chính sách.

1. Giới thiệu

Trong những năm gần đây, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, đặc biệt là giá cổ phiếu có những phiên thay đổi bất thường. Giá cổ phiếu là một vấn đề được nhiều nhà đầu tư và xã hội rất quan tâm, là vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Để tăng thêm giá trị của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động không bị lỗ và có lợi nhuận cao các nhà quản lý phải đưa ra các quyết định kinh doanh và tài chính quan trọng cho dài hạn với mục tiêu là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Do đó việc nâng cao giá trị doanh nghiệp thông qua các nhân tố tác động nhất là chính sách cổ tức có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Theo Brigham & Houston (2003), chính sách cổ tức là một chính sách ấn định mức lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ được đem ra phân phối như thế nào, bao nhiêu phần trăm được giữ lại để tái đầu tư và chi trả cổ tức cho cổ đông. Chính sách cổ tức sẽ có ảnh hưởng đến số lượng vốn cổ phần trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp (thông qua lợi nhuận giữ lại) và chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp. Mặc dù được xếp ưu tiên thấp hơn so với chính sách tài trợ và chính sách đầu tư, nhưng các nhà quản lý tài chính thường tỏ ra thận trọng và có những xem xét đặc biệt khi lựa chọn chính sách cổ tức cho công ty họ.

Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều nhằm vào những mục tiêu khác nhau, nhưng mục tiêu chung nhất của tất cả các doanh nghiệp chính là việc tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư, cũng như tối đa hóa giá trị doanh nghiệp (Brealey và Myers, 2003; Brigham & Houston , 2003). Đối với một doanh nghiệp có niêm yết, giá trị doanh nghiệp bằng giá trị thị trường (giá trị thị trường của vốn cổ đông) cộng giá trị thị trường của khoản nợ ròng cộng giá trị thị trường cổ phiếu chuyển đổi - trừ tiền và các khoản tương đương tiền (Cash and equivalents). Có một định nghĩa khác, giá trị doanh nghiệp (Firm Value) bằng giá trị thị trường của cổ phiếu cộng giá trị thị trường của khoản nợ tài chính ròng. Tối đa hóa lợi nhuận luôn là một trong những mục tiêu cơ bản hàng đầu của doanh nghiệp.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu trong bài là dữ liệu thứ cấp, được lấy từ trang web www.cophieu68.com.vn, www.vietstock.vn của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam bao gồm báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trên năm 2016.

Dữ liệu trong bài là dạng dữ liệu dạng bảng, đây là sự kết hợp giữa dữ liệu chéo và dữ liệu chuỗi thời gian, tức là cùng bộ biến số chúng ta thu thập số liệu của nhiều công ty trong cùng một khoảng thời gian. Dữ liệu sau khi xử lý được đưa vào mô hình hồi quy, tác giả sử dụng phần mềm SPSS 20 để xử lý mô hình và cho ra kết quả nghiên cứu. Với nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến và kỹ thuật phân tích hồi quy dạng bảng để giải thích các các yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp và mối quan hệ giữa chính sách cổ tức và giá trị doanh nghiệp.

Mô hình hồi quy được sử dụng trong luận văn là mô hình hồi quy ước lượng tổng quát, mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên, mô hình ảnh hưởng cố định. Tác giả chạy mô hình hồi quy truyền thống là hồi quy theo phương pháp bình phương bé nhất (OSL) để ước lượng tham số mô hình.

Tóm tắt biến và kỳ vọng dấu:

3. Kết quả nghiên cứu

Trước khi đi vào phân tích hồi qui ta cần xem xét sự tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc qua ma trận tương quan các biến như sau:

Nguồn: Phân tích dữ liệu (Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS)

Giá trị doanh nghiệp TobinQ tương quan ý nghĩa với các biến độc lập ở mức độ tương đối. Biến DPM và EPS có mối quan hệ ngược chiều, còn lại các biến khác đều có mối quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc. Hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc với từng biến độc lập dao động từ .363 đến .574. Theo tác giả Hoàng Trọng, mối tương quan này là trung bình. Trên thực tế, với mức ý nghĩa 5%, giả thuyết hệ số tương quan của tổng thể bằng 0 bị bác bỏ. Điều này có nghĩa là trong tổng thể, tồn tại mối tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc TobinQ với các biến độc lập.

Bảng 3.2 cho thấy, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.543 > 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 là 0.57, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 54,3%. Nói cách khác, biến phụ thuộc được giải thích 54,3% bởi các biến độc lập trên.

Bảng 3.3 Bảng kết quả các trọng số hồi quy

Biến phụ thuộc: TobinQ
Ghi chú: *** ý nghĩa ở mức 5%, ý nghĩa ở mức 10%
Nguồn: Kết quả truy xuất từ SPSS

Căn cứ vào bảng 3.3, phương trình hồi qui tuyến tính bội của mối quan hệ của chính sách cổ với giá trị doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với các hệ số chuẩn hóa như sau:

TobinQ = -0.452*DPM + 0.202*SIZE + 0.259DFL + 0.247*DPR + 0.198*ROE - 0.201*EPS

4. Kiến nghị

Về phương thức chi trả cổ tức, xem xét về bản chất phải là dòng tiền thực trả lại cho các cổ đông. Như vậy chỉ có hai phương thức chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cách mua lại cổ phần là thể hiện được điều này. Những phương thức chi trả khác như cổ tức bằng cổ phần, cổ tức bằng tài sản chỉ mang tính hình thức. Khi các cổ đông muốn nhận được tiền mặt từ chính sách cổ tức này, thì họ phải bán các cổ phần hay các tài sản này, nhưng nếu công ty có thể bán các tài sản này và thu về tiền mặt với các chi phí giao dịch thấp hơn thì công ty nên thực hiện giao dịch này và chi trả tiền mặt trực tiếp cho cổ đông.

Về tỷ lệ chi trả cổ tức: Các doanh nghiệp cần nên duy trì mức cổ tức càng cao để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, từ đó tác động nâng cao giá trị doanh nghiệp. Chính sách cổ tức ở một số doanh nghiệp đang trở thành công cụ để đánh bóng hình ảnh. Các doanh nghiệp luôn giữ tốc độ tăng trưởng (theo tài sản hoặc doanh thu) trên mức trung bình để thuyết phục rằng việc tái đầu tư của doanh nghiệp sẽ tạo ra một suất sinh lợi cho nhà đầu tư lớn hơn là việc trả cổ tức, có nghĩa là khi doanh nghiệp tăng trưởng chậm nghĩa là các cơ hội đầu tư trong tương lai không triển vọng lắm, giá cổ phiếu sẽ không tăng nhiều và lúc này doanh nghiệp nên chi trả cổ tức cho cổ đông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Ngô Hoàng Trang (2014), “Tác động của chính sách cổ tức đến giá trị tài sản cổ đông của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Luận văn thạc sỹ, chuyên ngành Kế toán. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Minh Hà và Ngô Thị Mỹ Loan (2011), Tác động chính sách cổ tức tác động đến giá trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 61, tháng 4/2011.

3. Nguyễn Minh Hà và Ngô Thị Mỹ Loan (2011), Tác động chính sách cổ tức tác động đến giá trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 62, tháng 5/2011.

4. Nguyễn Thị Thương (2015), “Ảnh hưởng của chính sách cổ tức lên sự thay đổi giá cổ phiếu”. Luận văn thạc sỹ, chuyên ngành Kế toán. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Mohammad Hashemijoo et al, (2012) The Impact of Dividend Policy on Share Price Volatility in the Malaysian Stock Market. Journal of Business StudiesQuarterly 2012, Vol. 4, No. 1, pp. 111-129.

6. Nazir, M. S., Nawaz, M. M., Anwar, W., & Ahmed, F. (2010). Determinants ofstock price volatility in karachi stock exchange: The mediating role of corporatedividend policy. International Research Journal of Finance and Economics (55).

7. Olsen, B. & Elango, B. (2005), DoMultinational Operations InfluenceFirm Value? Evidence from the TriadRegions, International Journal ofBusiness and Economics, Vol. 4, No. 1.

IMPACTS OF THE DIVIDEND POLICY TO VALUE OF

ENTERPRISES LISTED ON VIETNAMS STOCK MARKET

Ph.D. PHAM NGOC TOAN

University of Economics Ho Chi Minh City

Master. PHAM XUAN QUANG

Transimex HI Tech Park Logistics Single Member Limited Liability Company

ABSTRACT:

Identifying and evaluating impacts of a dividend policy to value of enterprises listed on Vietnam’s stock market are important issues. This study’s results show that there are relationships among factors of a policy dividend, such as dividend payout ratio, dividend payment method, degree of financial leverage, size of firms, earnings per share, return on equity ratio and values of firms. The results imply that aforementioned factors have influences on value of listed enterprises. Based on the results, authors proposes a number of measures which have direct impacts on boosting value of enterprises listed on Vietnam's stock market.

Keywords: Dividend, stock market, policy.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây