Phát triển lưới điện nông thông các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc - Hiện trạng & Giải pháp

Vùng trung du, miền núi phía Bắc nước ta bao gồm 13 tỉnh là: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang và Phú Thọ. Đây là

Vùng trung du, miền núi phía Bắc nước ta là địa bàn có vị trí cực kỳ quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ vùng biên giới phía Bắc và Tây Bắc nước ta về địa giới cũng như về các hoạt động phá hoại kinh tế xã hội khác chống lại Nhà nước Việt Nam.

Do vai trò cực kỳ quan trọng như trên nên các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc luôn luôn giành được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước cả về vật chất, văn hóa lẫn tinh thần. Phát triển điện nông thôn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là một trong những chương trình trọng điểm nhằm thực hiện các chính sách, chủ trương đổi mới phát triển các vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước ta.

1.       Hiện trạng phát triển lưới điện nông thôn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

Tới đầu những năm 90, ưu tiên số 1 cho việc phát triển lưới điện nông thôn là để cấp điện cho các trạm bơm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thứ hai là cấp điện cho các ngành công nghiệp nhỏ ở địa phương và thứ ba mới là thắp sáng phục vụ sinh hoạt của các hộ gia đình ở nông thôn. Vì vậy, việc phát triển lưới điện cho khu vực nông thôn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc chưa được quan tâm đúng mức, nên hầu hết các xã là chưa được cấp điện từ lưới điện quốc gia, mà chủ yếu là cấp điện bằng các trạm thủy điện nhỏ cũng như các máy thủy điện cực nhỏ do các hộ gia đình tự đầu tư.

Từ giữa những năm 90, mục tiêu của chiến lược điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam là cấp điện lưới quốc gia tới tất cả các thủ phủ tỉnh, huyện và sau đó sẽ mở rộng dần xuống các xã. Giai đoạn này, bắt đầu có điều kiện để mở rộng lưới điện đến các vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nghị quyết của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 2 ngày 10/2/1999 và Quyết định số 22 ngày13 tháng 2 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu điện khí hóa nông thôn đã thể chế hóa bằng chương trình phát triển điện nông thôn ở nước ta và đặc biệt đối với việc cấp điện cho các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Sự phát triển lưới điện nông thôn ở vùng trung du, miền núi phía Bắc cũng như của cả nước trong thời gian qua được thể hiện qua các số liệu ở bảng sau:

  Số lượng huyện, xã đã có điện theo các vùng tính đến hết năm 2002

Vùng

Năm 2002

Huyện

Tổng

Có điện

Tỷ lệ %

Tổng

Có điện

Tỷ lệ %

1-Vùng núi phía Bắc (12 tỉnh)

104

102

98

1931

1437

74,4

2-Đồng bằng Bắc Bộ (14 tỉnh)

141

140

99

3344

3166

95

3-Duyên hải Miền Trung (9 tỉnh)

70

67

96

1067

1000

94

4-Tây nguyên (3 tỉnh)

37

37

100

401

356

89

5-Đông Nam bộ (7 tỉnh)

45

43

96

509

499

98

6-Đồng bằng Mêkông (12 tỉnh)

94

92

98

1220

1218

99,8

7- 4 công ty Đồng Nai, HN, HP, HCM

26

25

96

493

492

99,7

Tổng số toàn quốc (61 tỉnh, Th phố)

517

506

97,9

8965

8118

90,6

 

(Nguồn : Tổng công ty điện lực Việt nam,  2002)

Qua các số liệu trên ta thấy, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm thông qua nhiều chương trình đầu tư tổng hợp và đa mục tiêu, song tính đến hết năm 2002 khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc vẫn là khu vực có tỷ lệ số xã có điện thấp nhất so với các khu vực khác trong toàn quốc cũng như so với cả nước. Đặc biệt, một số tỉnh trong khu vực tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ rất thấp so với tỷ lệ chung của cả nước (90,6%): Lai Châu (35%), Sơn La (42%), Lao Cai (45%). Về tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện, tình hình cũng tương tự như trên. Qua số liệu cấp điện đến các xã và hộ dân cho thấy, vùng núi trung du, miền núi phía Bắc vẫn là vùng có cơ sở hạ tầng về điện thấp nhất so với cả nước.

2.       Một số nguyên nhân:

Một là, vùng nông thôn trong khu vực này, đất đai thì rộng song địa hình thì chủ yếu là núi cao hiểm trở, chia cắt và điều kiện sống của đồng bào thì rất thiếu thốn, khó khăn; cơ sở hạ tầng thì rất kém. Việc phát triển lưới điện quốc gia tới vùng nông thôn trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn, cả trong việc thiết kế lẫn việc thi công công trình. Có những khu vực địa hình hiểm trở, không có đường giao thông, nên không thể vận chuyển vật liệu, thiết bị để trồng cột, kéo dây thi công xây dựng được lưới điện.

Hai là, dân cư sống hầu hết là các dân tộc ít người, dân số thấp, mật độ dân số  rất thấp so với toàn quốc (mật độ dân số trong khu vực 76 người/km2, mật độ dân số chung cả nước 236 người/km2). Dân cư sống rải rác, nạn du canh du cư khá phổ biến. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển lưới điện để cấp điện cho vùng nông thôn trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn và rất khó thực hiện.

Ba là, dân cư thì sống rải rác nên muốn cấp điện cho dân bằng lưới điện quốc gia thì khối lượng thi công đường dây, trạm biến áp tăng rất nhiều, trong khi đó địa hình thì hiểm trở, khó khăn, làm cho giá thành xây dựng tăng rất cao. Ngoài ra, dân trí và mức sống của người dân trong vùng còn rất thấp, có những bản làng còn chưa biết đến lợi ích của việc dùng điện, nên việc sử dụng điện còn rất hạn chế, làm cho mức tiêu thụ điện ở những vùng có điện cũng còn rất thấp. Vì vậy, càng mở rộng lưới điện để cấp điện cho khu vực nông thôn trong vùng này thì doanh nghiệp điện lực (Tcty Điện lực Việt Nam) càng thua lỗ.

Bốn là, việc cấp điện bằng các nguồn năng lượng tại chỗ, các nguồn năng lượng mới và tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, … ở một số bản làng trong khu vực tỏ ra là có hiệu ích tốt. Song việc phát triển mạnh các dạng năng lượng này để cấp điện cũng còn nhiều trở ngại như phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên: nguồn nước, năng lượng mặt trời,… và giá thành còn khá cao so với mức sống của người dân, cũng như còn nhiều khó khăn trong việc quản lý vận hành, vấn đề an toàn công trình, an toàn đối với con người.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn và trở ngại như nêu trên song do vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng của các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và để đẩy nhanh chương trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nên việc đề ra các giải pháp để đẩy nhanh phát triển điện nông thôn trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc là rất cần thiết và cần phải được các cấp các ngành từ trung ương đến các địa phương hết sức quan tâm trong thời gian tới.

3.       Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển lưới điện nông thôn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

3.1. Đa dạng hóa nguồn điện trong phát triển điện nông thôn, không chỉ dựa vào nguồn điện quốc gia.

-          Đối với các xã có khả năng sử dụng nguồn điện quốc gia, cần có kế hoạch phát triển hợp lý theo quy hoạch chung và có thứ tự ưu tiên cho các khu vực dân cư tập trung có tiềm năng và khả năng phát triển sản xuất dịch vụ như các xã đồng bằng, trung tâm cụm xã miền núi, các làng nghề thủ công truyền thống,…

-          Đối với các xã vùng miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực 3 (khu vực khó khăn) cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án điện khí hóa bằng các nguồn năng lượng mới và tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, sử dụng công nghệ đồng phát điện – nhiệt bằng các nguồn phế thải nông, lâm nghiệp, các nguồn diezel độc lập.

-          Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các dự án nguồn điện độc lập để cấp điện trong khu vực và từ đó sẽ có điều kiện thuận lợi để cấp điện cho khu vực nông thôn.

-          Đối với một số xã vùng biên giới, nếu nhập điện từ các nước láng giềng hiệu quả thì nhập điện.

3.2.  Đa dạng hóa hình thức đầu tư và quản lý lưới điện nông thôn

-          Phát huy tối đa nội lực trong vùng và sự hỗ trợ giữa các vùng; từ các nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ nước ngoài,…

-          Khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau như doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển và quản lý lưới điện nông thôn để đẩy nhanh việc cấp điện cho khu vực nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

3.3. Nhà nước cần ưu tiên trực tiếp đầu tư vốn hoặc hỗ trợ đầu tư vốn cho việc phát triển thủy điện nhỏ và thủy điện cực nhỏ:

Theo các số liệu điều tra thì tới sau năm 2005, toàn quốc vẫn sẽ còn khoảng trên 200 xã không thể cấp điện bằng lưới điện quốc gia, trong đó các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc có 121 xã. Vì vậy, Nhà nước cần ưu tiên trực tiếp đầu tư vốn hoặc hỗ trợ đầu tư vốn cho việc phát triển thủy điện nhỏ và thủy điện cực nhỏ để cấp điện cho các xã này. Đối với các trạm thủy điện đã được đầu tư xây dựng, cần được nhà nước (Trung ương và địa phương) quản lý nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo cho các trạm thủy điện đạt được chất lượng sử dụng và độ an toàn cao mới phát huy được tác dụng và hiệu quả của vốn đầu tư trong lĩnh vực này cho đồng bào dân tộc.

3.4. Nhà nước và ngành điện cần có các tiêu chí để chuẩn hóa đối với lưới điện nông thôn.

Để đảm bảo tính đồng bộ trong phát triển lưới điện ở nông thôn và do các tính chất đặc thù của điện năng, Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng cho lưới điện nông thôn như tiêu chuẩn về xây dựng dự án điện nông thôn, các quy chế đấu thầu, các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật về đường dây và trạm biến áp, về dụng cụ đo đếm điện năng, về an toàn điện nông thôn.

3.5. Cần quy định mô hình tổ chức quản lý vận hành và kinh doanh điện nông thôn.

                Bên cạnh các giải pháp để đẩy mạnh phát triển lưới điện nông thôn, cần có những mô hình tổ chức quản lý vận hành và quản lý kinh doanh để đảm bảo hiệu quả trong việc vận hành và kinh doanh điện, nhằm tránh những tiêu cực như mất an toàn trong sử dụng điện, vấn đề tổn thất điện năng, quản lý giá bán điện,…

3.6.  Tăng cường đào tạo, giáo dục đội ngũ cán bộ địa phương để nâng cao trình độ hiểu biết, năng lực quản lý hệ thống điện nông thôn theo quy phạm thống nhất.

Do trình độ hiểu biết về điện của đội ngũ cán bộ địa phương cũng như bà con nông dân còn thấp, vì vậy cần có các chương trình đào tạo, giáo dục để nâng cao trình độ hiểu biết, năng lực quản lý hệ thống điện nông thôn theo quy phạm thống nhất. Tuyên truyền giáo dục cho toàn dân những hiểu biết về  sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện để đảm bảo tính hiệu quả toàn diện về kinh tế cũng như văn hóa xã hội của việc đầu tư cho nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa./.

  • Tags: