Đôi điều suy nghĩ trong năm mới

Năm cũ đã khép lại. Năm mới đã mở ra, đẩy con thuyền Việt Nam gần tới đích của bến bờ hội nhập. Nhìn lại năm cũ, để nói về năm mới, một năm được đánh giá là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển ki

Từ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế kém...
Nhớ lại cách đây 6 tháng, trong bài diễn văn khai mạc Hội thảo: Việt Nam sẵn sàng gia nhập WTO, tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nói, đại ý: Trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày một cao như hiện nay cần ý thức rằng, để nền kinh tế phát triển và hoà nhập một cách nhịp nhàng vào dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu, không còn con đường nào khác, Việt Nam phải tích cực hơn nữa để sẵn sàng đứng vào quỹ đạo của nền kinh tế thế giới, mà cụ thể là sân chơi rộng lớn WTO.
Rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam càng sớm gia nhập WTO càng tốt. Thế nhưng, trong vấn đề gia nhập WTO, bên cạnh những thuận lợi do tổ chức này mang lại, thì phía trước chúng ta vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức... mà một trong những khó khăn lớn nhất lại xuất phát chính từ nội tại nền kinh tế và xã hội của chúng ta.
Về vấn đề này, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập của Việt Nam chính là sự phản ứng yếu kém của ngành, các doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng cao và ngay gắt như hiện nay. Như để minh chứng thêm, con số mà UNDP đưa ra cho hay, ở Việt Nam, nếu đầu tư 5 USD thì mới có 1 USD giá trị gia tăng (trong khi ở những nước phát triển, đầu tư 5 USD thì thu về từ 2-2,5 USD giá trị gia tăng). Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của một số mặt hàng trọng điểm như xi măng, thép... lại cao hơn mức giá của các nước trong khu vực từ 20- 25%. Và cho dù, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra giải pháp nhằm giảm các khoản chi phí đầu vào để nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhưng thực tế sự chuyển biến cũng không đáng kể.
Năm 2003 và một vài năm trước đó, nền kinh tế nước ta luôn luôn có mức tăng trưởng tương đối cao từ 7- 7,5%/ năm (được đánh giá là cao thứ hai trong khu vực, sau Trung Quốc), thế nhưng, giá trị tăng thêm lại ở mức không cao. Bên cạnh đó, tình tạng thiếu vốn cho đầu tư và sản xuất vẫn còn triền miên, đến nỗi, một số công trình trọng điểm (thậm chí có những công trình đáng lý huy động được bằng nguồn vốn trong nước) thì đều phải đi vay từ nước ngoài. Trong khi, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu biết huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân (ước tính nguồn vốn này lên tới 8 tỷ USD) qua kênh Thị trường chứng khoán và trái phiếu của ngành, thì chắc chắn không phải đi vay của nước ngoài nhiều như hiện nay.
Và cho dù Luật Doanh nghiệp đã ra đời được 4 năm, một điều không thể phủ nhận được, nó đã làm “hồi sinh” không khí kinh doanh của mọi thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế dân doanh... nhưng trên thực tế vẫn còn có sự đối xử bất bình đẳng giữa thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế này. Một số ngành đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp để hưởng lợi, đẩy giá đầu vào tăng, làm cho khả năng cạnh tranh của toàn nền kinh tế vốn đã yếu lại càng yếu hơn. Tony salzman, Chủ tịch nhóm M & D (nhóm các nhà phân phối) đã phải thốt lên “Tôi không muốn so sánh, nhưng rõ ràng, chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc tăng tính cạnh tranh ngày càng gia tăng” (trong khi, cách đây hơn một thập kỷ về trước, hai nước dường như đều có một xuất phát điểm).
Như vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp phải đi tiên phong. Đặt trong bối cảnh, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và lấy doanh nghiệp nhà nước làm xương sống của sự phát triển... thì theo tính toán của WB, các khoản vay không sinh lời của khối doanh nghiệp này chiếm đến 5% GDP và 15% toàn bộ vốn vay. Và việc tái cấp vốn của các DNNN sẽ là vô ích, nếu cải cách không được thực hiện. WB cảnh báo: Quá trình cải cách DNNN và hệ thống ngân hàng chậm trễ dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực, phần nào đe dọa đến sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Vì lẽ đó, để giảm tình trạng độc quyền như hiện nay, góp phần thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một đất nước sẽ không bình thường, nếu các doanh nghiệp không hăng hái thi đua làm giàu. Vì vậy, Chính phủ phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là, chúng ta phải tiếp tục triển khai Luật Doanh nghiệp theo quan điểm nhất quán, bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bãi bỏ tiếp và không để phục hồi ngay giấy phép xin- cho. Đồng thời, tiến hành xây dựng chế độ hậu kiểm, loại bỏ các biện pháp hành chính trái pháp luật, nhằm tránh độc quyền trong kinh doanh
... Đến khoảng cách giàu- nghèo gia tăng.
Theo báo cáo của UNDP và WB, chênh lệch chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất đã tăng từ 4,97 lần năm 1993 lên 6,03 lần năm 2002 và nếu sử dụng các số liệu đã được điều chỉnh cho những trường hợp báo cáo thấp hơn thực tế, thì tỷ lệ này lên đến 8,4 lần. Điều đặc biệt, có những trường hợp giàu có và phất lên không phải vì làm ăn chân chính (mà vì đầu cơ, buôn lậu, tham nhũng và làm trong các doanh nghiệp độc quyền)...
Điều đáng lo ngại hơn, trong khi một số ngành được nhà nước bảo hộ, đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp để mưu lợi, thì các mặt hàng nông sản (nơi nuôi sống trên 70% dân số làm nông nghiệp) thì lại không được bảo hộ, giá cả luôn luôn bấp bênh, làm ra không có nơi tiêu thụ, như cà phê, chè, hạt điều... thời gian qua là một ví dụ điển hình (ở các nước phát triển, nông nghiệp và các sản phẩm nông sản là những mặt  hàng được nhà nước trợ giá đặc biệt). Câu hỏi đặt ra, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, liệu các mặt hàng nông sản của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng nông sản của nước ngoài, trong bối cảnh mà các sản phẩm này vẫn nằm trong danh mục được trợ giá đặc biệt của Chính phủ và liệu đời sống của trên 70% số dân làm nông nghiệp của đất nước chúng ta khi đó sẽ như thế nào. Nếu không làm tốt điều này, khi Việt Nam gia nhập WTO, các chuyên gia kinh tế dự báo, có khoảng 5- 10% dân số Việt Nam (chủ yếu là nông dân) sẽ phải tiếp tục nằm trong diện đói, nghèo...
Phải tôn trọng pháp luật!
Có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là tình trạng có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và cá nhân làm ăn không tôn trọng luật pháp, thậm chí không chịu am hiểu luật pháp và các thông lệ buôn bán quốc tế (ở đây không đề cập đến khía cạnh pháp luật Việt Nam, mà chỉ đề cập đến luật pháp thương mại quốc tế), nên dẫn đến tình trạng nửa khóc, nửa cười...
Vụ cá Tra, cá Basa là một minh chứng điển hình, nó không những cho ta bài học quý đối với cách làm ăn manh mún, vụ lợi “đục nước béo cò” của một số ít doanh nghiệp, mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về tập quán kinh doanh và hệ thống luật pháp vốn chặt chẽ, nhưng cũng rất phức tạp của Hoa Kỳ.
Nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu cá Basa của Việt Nam ngay từ đầu, tự xây dựng cho mình một thương hiệu Made in Vietnam (nghĩa là không cần phải lấy tên Catfist như Hoa Kỳ đã có) thì làm gì đến nỗi Hiệp hội những nhà nuôi cá nheo và cá da trơn của Hoa Kỳ lại kiện chúng ta bán phá giá? Nếu như các doanh nghiệp làm ăn trong sáng “không đánh lận con đen”, trong việc xuất khẩu cá basa, thì chắc chắn chúng ta không bị thua kiện bởi Hiệp hội những nhà nuôi các da trơn và cá nheo Mỹ như vừa qua. Và nếu như những người nuôi trồng thuỷ sản ở Nam bộ, không tiêm quá nhiều chất kích thích, khiến cho lượng kháng sinh trong tôm vượt quá con số cho phép, thì Liên minh châu Âu (EU), không phải trả lại cho Việt Nam nhiều lô hàng xuất khẩu tôm như trước đây.
Rõ ràng, trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, một khi hệ thống luật pháp chưa được hoàn thiện và cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với hệ thống luật pháp quốc tế, không còn con đường nào khác, đối với mỗi doanh nghiệp và mỗi công dân Việt Nam, ngoài việc tăng cường hiểu biết và tôn trọng pháp luật, thì phải là một pháo đài vững chắc trong cuộc cạnh tranh gay gắt khi chúng ta hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới.
Năm 2004 đã đến, cánh cửa đang rộng mở để Việt Nam sẵn sàng bước vào sân chơi rộng lớn WTO, cho dù, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với khí thế quật khởi của một dân tộc có truyền thống “không chịu bó tay trước mọi khó khăn”, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự điều hành năng động của Chính phủ, tin tưởng rằng, bước sang năm mới và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam sẽ giành được nhiều thắng lợi hơn nữa.

  • Tags: