Tuy nhiên, con số trên có thể còn cao hơn nếu doanh nghiệp Việt Nam không quá kém hiểu biết về thị trường này, nhất là trong 2 lĩnh vực: Thương hiệu và luật pháp của nước chủ nhà.
Hàng mình, nhưng phải mượn tên chỉ vì không có thương hiệu.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ hiện chủ yếu vẫn phải qua khâu trung gian nước ngoài. Yếu kém và thiếu hiểu biết về thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chính là yếu tố dẫn đến tình trạng trên. Dĩ nhiên, cái lợi trước mắt là ta xuất được hàng, nhưng về lâu dài “tên tuổi” có thể bị “đánh cắp” bất cứ lúc nào mà không biết (trường hợp của Petro Việt Nam là một minh chứng). ấy là chưa kể “phí” trung gian không hề thấp (có trường hợp lên tới 30-50%) đã đẩy giá hàng Việt Nam lên cao, khiến khả năng cạnh tranh càng yếu. Năm 2003, kim ngạch xuất khẩu hàng Da-Giầy dự kiến đạt khoảng 2,2 tỷ USD (trong đó một số lượng đáng được xuất sang Hoa Kỳ), nhưng người tiêu dùng của các nước nhập khẩu vẫn chưa biết đến thương hiệu của da-giầy Việt Nam. Hiện nước ta có khoảng 300 công ty xuất khẩu giày dép, trong đó có 111 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 15 doanh nghiệp liên doanh. Song phần lớn chỉ gia công lại cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới, nên lợi nhuận chưa cao. Không thương hiệu, ngành Da-Giầy sẽ mãi làm thuê (gia công) cho các đối tác nước ngoài.
Một chuyên gia về thương hiệu Hoa Kỳ chỉ rõ, hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa có thương hiệu (hoặc có thì cũng rất yếu). Khi có mặt tại các hệ thống phân phối, các siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ, thì chúng đã được “khoác” một cái tên mới nào đó. Lâu dần, khi hai bên không còn làm ăn với nhau nữa, thì thương hiệu của phía Việt Nam rất dễ bị biến thành thương hiệu của họ!
Việc đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ sẽ đưa lại cho doanh nghiệp Việt Nam tới 4 cái lợi rất thiết thân: Được độc quyền sử dụng thương hiệu trên toàn nước Mỹ, được kiện đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ khi có tranh chấp, làm căn cứ ưu tiên cho đăng ký thương hiệu tại các quốc gia khác, ngăn chặn hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ lạm dụng thương hiệu của doanh nghiệp…
Do đó, việc đăng ký và bảo vệ thương hiệu tại Hoa Kỳ là việc không thể không làm của các doanh nghiệp, nhất là khi biết lệ phí đăng ký ban đầu cho mỗi mặt hàng chỉ mất có 335 USD.
Luật pháp của Hoa Kỳ là không thể không biết
Hàng vào Hoa Kỳ không đơn giản, chỉ cần có sức cạnh tranh cao là đủ mà còn phải am hiểu luật pháp Hoa Kỳ. Thí dụ, một quả cam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng chịu điều chỉnh của vài ba bộ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Và riêng lĩnh vực này có tới hàng trăm bộ luật cùng các quy định của liên bang và từng bang riêng lẻ. Chả thế mà, mặc dù thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam vào Hoa Kỳ (sau dệt-may) nhưng hiện vẫn do phần lớn các công ty nước ngoài làm trung gian, các doanh nghiệp của ta chỉ việc đưa hàng cho họ, còn việc đăng ký, kiểm tra thế nào, do các công ty này đảm trách. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tuy là “chủ hàng”, nhưng phần lớn lãi chả được bao nhiêu.
Nhìn chung, đây vẫn là điểm rất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt, khi ngày càng có nhiều nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào thị trường này như gạo, bia, rau quả… thì việc am tường các luật lệ về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ càng trở nên bức thiết.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi có hàng thực phẩm vào Hoa Kỳ thì những vấn đề thiết thân như, quy chế hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), các tổ chức nào giám định và cấp chứng chỉ cùng các thủ tục liên quan, các thủ tục về VSATTP trong khâu nhập khẩu…
Đặc biệt, đạo luật mới về VSATTP mà Tổng thống Mỹ vừa ký và có hiệu lực từ 13/12/2003 nhằm mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm cho Hoa Kỳ và đề phòng khủng bố sinh học. Đây là điều luật rất khắt khe, chi tiết đến từng mặt hàng, từng thời gian (tính bằng giờ), từng địa điểm nhập khẩu… Điều nguy hại với các doanh nghiệp Việt Nam là nếu không nắm được đạo luật này, hàng hóa xuất khẩu có thể bị trả lại bất cứ lúc nào. Lúc đó, hàng vứt thì khổ, nhưng mang về còn khổ hơn.
Xem ra, những doanh nghiệp chưa đủ sức và kém hiểu biết luật pháp Hoa Kỳ, nếu cố vào thị trường Hoa Kỳ nhiều khi lợi bất cập hại. Trường hợp giày Hiệp Hưng, một doanh nghiệp lớn trong ngành Da-Giầy, một lô hàng qua Mỹ không trót lọt là cú hích cuối đưa Hiệp Hưng đến bờ vực của sự phá sản.