Đóng góp vào sự thành công của các doanh nghiệp có phần rất quan trọng là các cơ chế chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ chế chính sách của Nhà nước đối với DNNN còn nhiều bất cập. Cụ thể là:
1. Về cơ chế tài chính:
Trong những năm gần đây, sau khi xoá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước XHCN, Nhà nước ta đã cho ra đời hàng loạt các văn bản pháp quy trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính. Những quy phạm pháp luật này đã có tác dụng lớn trong việc điều tiết hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, song bên cạnh đó còn có những điểm cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể những vấn đề sau:
a. Về thuế VAT và thuế nhập khẩu:
Thuế VAT là thuế gián thu đối với người tiêu dùng, nhằm thu đúng đối tượng, tránh tính trùng ở các khâu của quá trình sản xuất, nó thay thế thuế doanh thu trước đây. Đây là một sự thay đổi điều chỉnh hợp lý về cách đánh thuế DN. Song theo chúng tôi, vẫn còn có một số điểm còn bất cập:
- Thuế suất phổ biến là 10%, là mức thuế suất tương đối cao. Một số doanh nghiệp khi chuyển sang áp dụng loại thuế này đã gặp rất nhiều khó khăn, bị lỗ. Đặc biệt trong những ngành có tỷ trọng nguyên liệu trong giá thành thấp, chi phí nhân công cao. Với 3 loại thuế suất 0%, 5%, 10% đôi khi gây khó khăn cho việc hoàn thuế.
- Do chính sách quản lý của Nhà nước, một số doanh nghiệp (đặc biệt là tư nhân) đã bị lợi dụng để hoàn thuế khống, nay Nhà nước đã xoá bỏ hoàn toàn việc hoàn thuế đối với việc mua nguyên liệu đầu vào không có hoá đơn (kể cả hoá đơn khấu trừ trực tiếp), song ảnh hưởng tới những ngành thu mua phế liệu, chế biến nông sản, làm giá thành tăng.
- Đối với nguyên vật liệu nhập khẩu, tỷ lệ thuế suất nhập khẩu rất cao, thuế nhập khẩu là loại thuế điều tiết của Nhà nước, song trong điều kiện nền kinh tế hội nhập với khu vực, thế gới, thì Nhà nước cũng nên giảm thuế suất nhập khẩu và không thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, bảo hộ nền sản xuất trong nước. Mặt khác, trong thực thi việc hoàn thuế, cũng như thủ tục hải quan vẫn còn nhiều ách tắc.
b. Về thuế thu nhập doanh nghiệp :
- Thu sử dụng vốn được xác định phải nộp sau khi doanh nghiệp đã xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể hiểu là cổ tức vốn góp của Nhà nước sau quá trình hoạt động SXKD. Như vậy là chưa đúng, mà phải coi chi phí về sử dụng vốn Nhà nước là một khoản chi phí trong giá thành sản phẩm như một khoản tiền vay. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc quy định tỉ lệ thu sử dụng vốn (nhỏ hơn lãi vay ngân hàng), nhưng phải được tính vào giá thành sản phẩm, để các doanh nghiệp nhà nước thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng đồng vốn của Nhà nước, cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước (Kể cả trường hợp thu sử dụng vốn được để lại, không phải nộp, bổ sung vào quỹ đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp).
- Thuế suất 32% của thuế thu nhập doanh nghiệp (sắp tới sẽ hạ xuống còn 28%) hiện nay là cao, hiệu quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp còn thấp, hơn nữa so với thế giới, tỉ suất này cũng cao (thường là 25%). Mặt khác, thu nhập còn lại sau khi nộp tiền thuế thu nhập, thu sử dụng vốn để chia cho 5 quỹ của doanh nghiệp thì quỹ phúc lợi và khen thưởng không còn được bao nhiêu, không khuyến khích được người lao động.
c. Về chi phí hợp lý trong giá thành sản phẩm.
Ngày 20/2/2002, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 30/1998/NĐ-CP và Nghị định 26/2001/NĐ-CP. Hướng dẫn này đã góp phần giảm nhẹ một phần điều tiết thuế thu nhập bổ sung… Song, còn có một số điểm cần xem xét lại:
- Chi phí khấu hao tài sản cố định: Chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao TSCĐ theo Quyết định số 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 thì mọi tài sản đều khấu hao theo phương pháp đường thẳng, không cho phép khấu hao nhanh. Vì vậy, hạn chế khả năng tái đầu tư vào kỹ thuật công nghệ, hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Mặt khác, không phù hợp với yêu cầu trả nợ theo khế ước vay ngân hàng, đôi khi cũng tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp vận dụng tuỳ tiện, và trốn thuế. Hơn nữa, trên thực tế chưa có quy định về việc khấu hao vô hình tài sản.
- Chi phí tiền lương, tiền công: Mặc dù dựa trên chế độ, thang bảng lương của Nhà nước, song vẫn còn có sự bất hợp lý về chi phí tiền lương trong giá thành của các doanh nghiệp thuộc loại hình khác nhau (Doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài, tư nhân … ) hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và vùng lãnh thổ khác nhau, do đó ảnh hưởng đến lợi ích khác nhau.
Nhà nước có nhiều quy định về quản lý tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước: như hướng dẫn xây dựng đơn giá tiền lương, hướng dẫn tính lao động bình quân, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân và xác định quỹ tiền lương thực hiện … Những quy định này chi tiết, cụ thể, song trong thực tế, việc quản lý vẫn còn mang nặng tính hình thức, thiếu chuẩn xác (như việc duyệt quỹ lương), cứng nhắc không phù hợp với cơ chế mới, làm giảm tính chủ động của doanh nghiệp. Nên chăng, Nhà nước nên quản lý theo mức lương tối đa và tối thiểu cho các doanh nghiệp ở mỗi vùng khác nhau. Khi mức lương “vượt biên”, mới cần xem xét lại.
- Chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội họp, lễ tân… được khống chế theo tỷ lệ % của 10 khoản chi phí kể trước cũng chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường. Với mức khống chế 7% tổng chi phí là thấp, vì trong nền kinh tế thị trường thì các loại chi phí về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… là những chi phí lớn, rất quan trọng quyết định đến hiệu quả, sự tồn tại của một doanh nghiệp. Mặt khác, những chi phí này phần lớn quy định còn chung chung, chưa cụ thể, nên việc áp dụng đối với các doanh nghiệp còn khó khăn, thiếu căn cứ chuẩn mực khi ngành Thuế xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước:
Năm 1995, Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp, ban hành chế độ báo cáo doanh nghiệp theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho việc hạch toán kế toán, đồng thời Nhà nước cũng ban hành Nghị định về công tác thanh tra kiểm tra, quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế dân chủ và việc hình thành các cơ quan quản lý về thuế, vốn. Vì thế, việc quản lý của Nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực, song trong thực tế hiện nay, hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa được giám sát và đánh giá thường xuyên, đúng chuẩn mực. Tình trạng nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả còn để kéo dài.
Để giúp Nhà nước nắm được tình hình vốn, tài sản của doanh nghiệp, khả năng bảo toàn vốn, phân tích, tổng hợp đánh giá phân loại DNNN về hiệu quả kinh doanh, làm căn cứ để tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại DN, mặt khác, giúp cho doanh nghiệp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán, khắc phục những tồn tại yếu kém trong công tác quản lý, Nhà nước phải có phương pháp, hình thức giám sát phù hợp với cơ chế thị trường, tránh tình trạng buông lỏng quản lý.
Nên có tiêu chí đánh giá DNNN một cách công bằng và hiệu quả hơn:
Để đánh giá một cách tổng thể về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, giám sát việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế, tài chính, hoàn thiện các chính sách vĩ mô và chế độ đối với doanh nghiệp, Nhà nước phải có một hệ thống tiêu chí đảm bảo 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, tiêu chí tỉ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước là chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá hoạt động kinh doanh. Đó là các chỉ tiêu như:
1. Doanh thu (hoặc giá trị SXCN, sản phẩm tiêu thụ)
2. Lợi nhuận thực hiện và tỉ suất lợi nhuận.
3. Nợ quá hạn và khả năng thanh toán nợ quá hạn
4. Nộp ngân sách Nhà nước.
5. Thu nhập bình quân.
6. Tình hình chấp hành chế độ chính sách Nhà nước
7. Tình hình thực hiện nhiệm vụ chủ yếu do Nhà nước giao.
Trong đó, chỉ tiêu về nợ quá hạn và khả năng thanh toán nợ quá hạn từ trước đến nay chưa được coi trọng, xem xét thấu đáo. Đây là khoản lỗ “tiềm tàng” của doanh nghiệp.
Trên cơ sở các tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp và sắp xếp doanh nghiệp, theo kết quả đánh giá, Nhà nước có chế độ khen thưởng và xử phạt đối với các doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp, có quy chế bổ nhiệm giám đốc xí nghiệp gắn liền với tiêu chí đánh giá doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động các doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, Nhà nước cần ban hành những cơ chế quản lý tài chính đầy đủ, kịp thời, sát thực tế và phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo sự quản lý hữu hiệu của Nhà nước, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước./.