Dành cho tôi chút thời gian ít ỏi trong giai đoạn sản xuất đang khẩn trương này đã là một cố gắng rất lớn của những người quản lý Công ty. Trong tiếng máy chạy ầm ì, tôi nghe anh Trịnh Chí Tâm - Quản đốc Phân xưởng Phích nước - người đã có hơn 15 năm trong nghề rút khí, kể về những công nhân của mình với giọng rất đỗi tự hào.
Tổ rút khí Phân xưởng Phích nước gồm 39 người, trong đó có tới 32 người (chiếm 82%) đang trong độ tuổi Đoàn với số tuổi trung bình rất trẻ, xấp xỉ 24 tuổi. Hầu hết đều là công nhân được đào tạo tại các trường trung học dạy nghề, khi được nhận vào Công ty phải qua giai đoạn học việc khoảng 1,5-2 tháng nữa mới thực sự nhập cuộc được vào dây chuyền sản xuất. Nghề rút khí đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải biết nhìn ngọn lửa để xác định được hay chưa được mà điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, trẻ tuổi lại không phải là lợi thế, bởi thời gian làm việc không nhiều, ít tích lũy được kinh nghiệm. Thế nhưng, tuổi trẻ lại lợi thế ở chỗ tiếp thu kiến thức nhanh và có sức khỏe. Bởi muốn làm nghề rút khí phải có sức chịu đựng tốt. Theo qui định, thì công đoạn rút khí phải làm ở nơi tối và kín gió. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, lãnh đạo Công ty đã cố gắng tạo môi trường làm việc tốt với đủ ánh sáng và trang bị quạt mát từ đầu gối trở xuống, thế cũng đã là cố gắng lắm rồi, bởi gió dễ làm ảnh hưởng tới ngọn lửa. Vào ca, công nhân phải ngồi hàng giờ bên ngọn lửa gas, tập trung cao độ để sản phẩm có chất lượng đồng đều, quần áo bảo hộ kín mít, cho dù mồ hôi có đẫm lưng. Ngoài trời, không khí mùa xuân mát dịu, nhưng trong phân xưởng, nhiệt độ đã tương đối cao. Tôi chỉ đứng bên dây chuyền một lúc đã thấy nóng phát sốt, giọng thì khản đặc vì phải nói to, nhưng công nhân chỉ cười “quen rồi”, bởi “sinh nghề, tử nghiệp” mà. Theo cách nói của Bí thư Đoàn Nguyễn Thu Hằng là “môi trường làm việc của chúng tôi là “lửa” và “nhiệt”.
Dù làm việc trong điều kiện như vậy, nhưng công nhân của Tổ rút khí đã hết sức cố gắng, góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng rất lớn hàng năm của Công ty. Trong nghề rút khí, một chỉ tiêu được đánh giá là rất quan trọng là chỉ tiêu bình lạnh. Nghĩa là, khi lượng khí giữa 2 lớp ruột phích được rút hết, thì bình sẽ có độ giữ nhiệt tốt sau 24 giờ, nếu công đoạn này làm không tốt, nước sẽ nhanh bị nguội. Theo công nghệ Trung Quốc, tỉ lệ này cho phép dao động ở mức 7%. Lật lại cuốn sổ theo dõi kết quả sản xuất vài năm trở lại đây, tỉ lệ bình lạnh của Tổ rút khí tương đối cao, thường xuyên ở mức 10-12%, có những ca làm việc lên tới hơn 15%. Số bình không đạt tiêu chuẩn được loại ra rút khí lại, làm ảnh hưởng tới năng suất lao động của cả dây chuyền và gây tốn kém rất nhiều thời gian, tiền của. Thế nhưng, chỉ trong khoảng thời gian chưa đến nửa năm, các trang nhật ký lao động ở đây đã cho thấy sự giảm tỉ lệ bình lạnh một cách rõ rệt và cho đến nay, tỉ lệ này trong mỗi ca sản xuất đã xuống dưới 2%, một con số lý tưởng trong công nghệ sản xuất phích nước. Điều đó có vẻ như thật kỳ diệu, nhưng để đạt được nó là cả một sự điều chỉnh tích cực, từ hệ thống quản lý cho đến mỗi cá nhân người thợ.
Trong tình hình đất nước hiện nay, giá cả các loại nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng rất cao, trong khi giá bán liên tục giảm thì muốn thu nhập không bị ảnh hưởng, buộc các nhà quản lý phải thắt chặt hơn nữa chi phí đầu vào. Tiết kiệm đến mức tối đa cho phép, đồng thời phải tăng năng suất lao động và hạ thấp tỉ lệ sản phẩm sai hỏng mới mong hạ được giá thành. Điều đó cũng có nghĩa là không trông chờ vào ai cả, mà phải nghiêm khắc với chính mình. Trước đây, tỉ lệ bình lạnh cao, ai cũng biết, nhưng do không quản lý được, nên không qui trách nhiệm được cho ai. Nay thì Tổ sắp xếp lại, tổ chức công nhân trên dây chuyền làm theo từng cặp có đánh số hẳn hoi. Ruột phích làm xong được kiểm tra ngay, kết quả ghi lên bảng. Cuối mỗi ca, trưởng ca ghi nhật ký, thể hiện ngay cặp nào làm tỉ lệ bình lạnh cao, cặp nào thấp. Kết quả này sẽ là tiêu chuẩn để xét duyệt lương thưởng của mỗi công nhân. Cuối tháng tổng kết đưa tin trên loa phóng thanh để cả phân xưởng biết, học tập, rút kinh nghiệm. Mặt khác, vận động công nhân phát huy sáng kiến trong sản xuất. Những sáng kiến như thay đổi qui trình, chế độ về bảo dưỡng máy móc thiết bị, hoặc những thao tác chuẩn, nhiệt gia công... dù rất nhỏ, cũng đều có ích và thực sự đã đem lại hiệu quả rất lớn cho cả dây chuyền. Cho đến cuối năm 2002, tỉ lệ bình lạnh đã ổn định ở mức dưới 2%. Có những ca sản xuất tỉ lệ bình lạnh rất thấp, dưới 1%.
Rời khu sản xuất để lên dãy nhà hành chính, qua khoảng sân rộng rợp cây xanh bóng mát, tôi thật sự khâm phục những công nhân ấy. Họ cũng như những công nhân khác trong toàn Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đang hàng ngày, hàng giờ cống hiến tuổi trẻ và trí tuệ để làm nên những sản phẩm có ích cho đời mà không một lời kêu ca đòi hỏi. Họ thực sự là những đoàn viên thanh niên ưu tú trong phong trào lao động sản xuất, những con người đáng được trân trọng và tuyên dương.
Những đoàn viên thanh niên làm việc cùng lửa và nhiệt
TCCT
Đời làm thợ có ai không vất vả. Nhưng mỗi người thợ lại có những nỗi vất vả khác nhau. Và có lẽ, những người thợ mà tôi sắp kể ra đây có nỗi vất vả thật đặc biệt, nó rất đặc thù cho nghề nghiệp của họ