Có điều chỉnh mức thuế, mới hy vọng có ngành sản xuất ôtô Việt Nam?

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh và áp dụng mức thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất- lắp ráp ôtô trong nước của Bộ Tài chính, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi và đóng góp, thậm chí là trái ngược từ p

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về chính sách thuế của chúng ta đối với các doanh nghiệp sản xuất- lắp ráp ôtô thời gian qua, cũng như quá trình thực hiện những cam kết về tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp này? 

Bà Đặng Thị Bình An: Đối với Việt Nam, ngành Công nghiệp ôtô bắt đầu ra đời và đi vào hoạt động từ những năm 1995-1996. Khi đó, trong giấy phép hoạt động, đã có những điều khoản quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mỗi năm phải tăng dần tỷ lệ nội địa hoá (NĐH) lên, để ít nhất trong vòng 10 năm, kể từ ngày đi vào hoạt động, mỗi doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ này lên được được khỏang 30%. Thế nhưng đến nay, theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, thì tỷ lệ NĐH cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, khoảng 10%. Trong khi đó, ngày 3/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175- QĐ/TTg về chiến lược phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Theo đó, về cơ bản đến năm 2005, đối với các loại xe sang trọng, phải nâng tỷ lệ NĐH lên từ 20-25% và các loại xe thông dụng là 40%. Để thực hiện quyết định trên của Thủ tướng cũng như nhằm tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, trong suốt những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp trên; đặc biệt là những chính sách về thuế. Chẳng hạn, đối với các loại linh kiện nhập khẩu dùng cho việc lắp ráp ôtô, nhà nước áp dụng mức thuế nhập khẩu rất thấp; còn ngược lại đối với các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc thì áp dụng mức thuế nhập khẩu rất cao. Đồng thời, khuyến khích và bảo hộ các doanh nghiệp lắp ráp- sản xuất ôtô trong nước đến mức quy định đối với những ngành, cơ quan hay doanh nghiệp dùng ngân sách để mua xe thì chỉ được mua các loại xe sản xuất trong nước. Song rất tiếc, mặc dù đã được bảo hộ và ưu đãi như vậy, nhưng đến nay, tất cả các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được tỷ lệ NĐH đúng theo cam kết của mình...

PV: Để các doanh nghiệp trên thực thi đầy đủ những cam kết về nâng cao tỷ lệ NĐH theo đúng lộ trình như trong giấy phép đã cấp, sớm hình thành lên một nền công nghiệp sản xuất ôtô trong nước... có lẽ không còn cách nào khác phải dùng đến công cụ thuế. Thế nhưng, với những chính sách thuế hiện hành và những quyết định đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính, thì các doanh nghiệp lại đồng thanh kêu cứu và cho rằng nếu thực hiện theo quyết định mà Bộ Tài chính đang chuẩn bị sẽ ban hành vào đầu tháng 4.2003 thì không có lãi, tại sao?

Bà Đặng Thị Bình An: Đối với các doanh nghiệp, thời gian bảo hộ đã dài. Bây giờ, chính là thời điểm thích hợp mà  chúng ta phải khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các cam kết trong việc nâng cao tỷ lệ NĐH... Do vậy, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế là cơ quan tham mưu ) với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, xét thấy đã đến lúc phải dùng các công cụ về thuế để không những biến mục tiêu của Chính phủ về xây dựng ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam thành hiện thực, mà còn phù hợp với những cam kết quốc tế khi chúng ta chuẩn bị tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và như thế, trong lộ trình của mình, chúng tôi đã và đang tính đến chuyện phải nâng mức thuế nhập khẩu đối với các linh kiện nhập về dùng cho rắp ráp... buộc những doanh nghiệp này phải chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng trong nước để thay thế. Còn đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần. Với những quyết định và lộ trình để áp dụng các mức thuế cụ thể trên, thời gian qua đã làm rất nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào sản xuất - lắp ráp ôtô ở trong nước phản ứng; thậm chí trên một số phương tiện thông tin đại chúng có không ít doanh nghiệp còn nói là sẽ bị lỗ... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ người ta kêu, vì đã quen được Nhà nước bảo hộ trong một thời gian dài . Song với ngành Thuế, không còn cách nào khác, buộc doanh nghiệp phải chấp nhận để làm quen dần với quá trình hội nhập. Riêng về góc độ lỗ hay lãi, thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, như chi phí sản xuất... mà thuế nhập khẩu chỉ là một trong những nguyên nhân. Muốn có lãi, thì buộc các doanh nghiệp phải tự tính lại chi phí sản xuất một cách hợp lý, cũng như cách thức tiếp cận và làm ăn với đối tác thế nào.

PV: Nhưng thưa bà, có một thực tế hiện nay là khi các văn bản ra đời, nếu bị giới doanh nghiệp phản ứng thì các cơ quan quản lý nhiều khi lại phải trình và tiến hành sửa lại để cho hợp với những lợi ích của họ. Vậy, đối với “tiếng kêu”  “của các doanh nghiệp sản xuất- lắp ráp ôtô trong việc giảm dần sự bảo hộ của Nhà nước lần này, quan điểm của Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng ra sao?

Bà Đặng Thị Bình An: Quan điểm của chúng tôi trước sau như một là phải điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với các loại phụ tùng và linh kiện theo hướng tăng lên để có một ngành sản xuất ôtô trong nước đính thực... đúng như những gì mà Quyết định 175 QĐ-TTg ngày 3-12-2002 của Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ôtô đề ra. Còn nếu cứ giữ mãi tình trạng bảo hộ này, thì Việt Nam  chẳng bao giờ có được ngành công nghiệp sản xuất ôtô cả!

Xin cảm ơn bà!

  • Tags: