Công nghiệp Lạng Sơn trong tiến trình hội nhập

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII đề ra cho giai đoạn 5 năm 2001 - 2005, ngành Công nghiệp Lạng Sơn đã có những bước phát triển đáng kể cả về quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu

 

 Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự tăng giá của nhiều loại vật tư, nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của nhiều doanh nghiệp, song được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh và sự giúp đỡ của các cấp, ngành, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục ổn định và có tăng trưởng khá: Giá trị SXCN năm 2004 đạt 546,034 tỷ đồng, bằng 111,57% kế hoạch và tăng 28,83% so cùng kỳ năm 2003. Trong đó, khu vực QDTW đạt 108,337 tỷ đồng, đạt 79,9% kế hoạch và tăng 16,86% so cùng kỳ năm 2003. Khu vực QDĐP ước đạt 103,882 tỷ đồng, bằng 85,55% kế hoạch và 93,53% so cùng kỳ. Khu vực này không đạt kế hoạch là do một số sản phẩm ngành hàng có tỷ trọng lớn như xi măng đã khai thác hết khả năng công suất, một số sản phẩm như gạch nung, giấy, ván sàn... tiêu thụ chậm. Giá trị SXCN khu vực NQD chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 333,815 tỷ đồng, bằng 141,972% kế hoạch và tăng 55% so cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36.920 triệu đồng, tăng 386,04% so cùng kỳ.
Khai thác mỏ được xem là thế mạnh để phát triển công nghiệp Lạng Sơn. Trong những năm qua, ngành khai thác mỏ sản xuất tương đối ổn định, một số đơn vị có sự tăng trưởng khá. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu như: Than sạch đạt 131.784 tấn, vượt 26,4% kế hoạch, tăng 403,8% so cùng kỳ năm 2003; Đá các loại: 717.267m3; Quặng bôxít: 45.671 m3, tăng 38,4% so với năm 2003.
Các đơn vị chế biến nông lâm sản hoạt động kém ổn định, hiệu quả thấp. Các sản phẩm giấy và bột giấy, ván sàn tre vẫn tiếp tục khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị chế biến gỗ, nhựa thông... bị thu hẹp sản xuất. Một số đơn vị ở khu vực dân doanh, hộ cá thể, sản xuất, chế biến lương thực, nông sản vẫn ổn định sản xuất và có tăng trưởng. Các đơn vị thuộc nhóm sản xuất cơ khí, lắp ráp điện, điện tử, linh kiện phụ tùng xe máy, hàng tiêu dùng chủ yếu là các đơn vị ngoài quốc doanh có xu hướng phát triển khá, do phù hợp về tính chất và trình độ tổ chức quản lý sản xuất, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến hết năm 2004, toàn Tỉnh đã có 206/226 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Năng lực truyền tải và phân phối điện đạt 144.801.306 kWh điện, tăng so với cùng kỳ năm 2003 là 16,22%. Các trạm cấp nước ở các thị trấn, thành phố đều đảm bảo được công suất hoạt động. Sản xuất nước máy đạt 2,8 triệu m3, tăng 2% so với năm 2003.
Sản xuất thủ công nghiệp ở các huyện, thành phố nhìn chung vẫn giữ ở nhịp độ phát triển ổn định. Một số huyện đã khai thác được thế mạnh trên địa bàn để tổ chức sản xuất như: khai thác đá, sản xuất xi măng ở Hữu Lũng, khai thác quặng sắt, bô xít ở Chi Lăng, Văn Quang, Cao Lộc. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố luôn được quan tâm, tại các phòng CN - TTCN đã có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo dõi về hoạt động công nghiệp.
Cùng với việc hoàn thành chức năng quản lý nhà nước, công tác thanh tra cũng được chú ý làm nghiêm túc, với các hình thức khác nhau. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, Sở đã giữ mối quan hệ thường xuyên với các đơn vị, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động thông qua các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo chuyên đề... Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ các doanh nghiệp trên địa bàn trong công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác quản lý điện năng tiếp tục đi vào nề nếp, thường xuyên tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về hoạt động điện lực, về an toàn hành lang lưới điện cao áp, tích cực phối kết hợp với các huyện triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn. Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và an toàn vệ sinh công nghiệp được duy trì thực hiện nghiêm túc.
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp Lạng Sơn đã đạt được những kết quả rất khả quan. Song, cũng còn tồn tại một số yếu kém cần khắc phục. Đó là, về công tác quản lý nhà nước của Sở và các phòng CN - TTCN huyện tuy đã có tiến bộ, đã đi sát cơ sở nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, song chưa thường xuyên, sự phối kết hợp đôi khi thiếu chặt chẽ; Một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ cũng như nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Trình độ quản lý và tay nghề của CBCNV và người lao động chưa đáp ứng yêu cầu; Khu vực ngoài quốc doanh là khu vực có xu hướng phát triển nhanh, song, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ở khu vực này lại rất khó khăn, bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị phải tự lo mặt bằng sản xuất, do đó ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như của Ngành.
Bước sang năm 2005, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, Sở Công nghiệp Lạng Sơn đã đặt mục tiêu: Phấn đấu giá trị SXCN năm 2005 là 742 tỷ đồng, tăng 35,89% so với năm 2004. Trong đó, công nghiệp QDTW đạt 250 tỷ, bằng 230,76% năm 2004; Công nghiệp QDĐP đạt 100 tỷ, bằng 96,26% năm 2004; Công nghiệp NQD đạt 392 tỷ, tăng 17,43% so với năm 2004. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu như: xi măng: 197.000 tấn; gạch nung: 153 triệu viên; than sạch: 450.000 tấn; điện thương phẩm: 600 triệu kWh; linh kiện phụ tùng xe máy: trên 2 triệu chiếc.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Công nghiệp Lạng Sơn đã chủ trương thực hiện các giải pháp chính là: Cải thiện môi trường đầu tư, ban hành các chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh huy động vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp; Hoàn chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Duy trì thực hiện một số chính sách hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn đối với một số đơn vị có sản phẩm trọng yếu, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, từng bước đứng vững trong cơ chế thị trường; Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, tích cực đi sâu, đi sát các đơn vị sản xuất, thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn và hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Với những tiềm năng và thành tựu đã đạt được, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành trong Tỉnh, Công nghiệp Lạng Sơn sẽ thực hiện thành công chiến lược phát triển của Ngành, khai thác được lợi thế, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn trong tiến trình hội nhập và phát triển.

  • Tags: