Về thành tựu phát triển các KCN, trong 15 năm qua, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu trong cả nước. Tính đến năm 2005. Đồng Nai đã có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập chiếm gần 15% KCN của cả nước. Diện tích KCN là 4.805 hecta chiếm hơn 20% diện tích KCN cả nước. Số KCN lấp đầy đến 80% diện tích đất: chiếm 24% KCN cả nước. Số dự án chiếm trên 20%, số lao động trong KCN là hơn 200.000 lao động, chiếm hơn 30% lực lượng lao động các KCN của cả nước(6).
So với 35 tỉnh, thành có KCN, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu về số lượng các KCN và diện tích quy hoạch KCN, tốc độ phát triển KCN, tỷ lệ lấp đầy, thu hút vốn đầu tư, sử dụng lực lượng lao động(7).
Sau Đồng Nai, trong khoảng 7 – 8 năm trở lại đây (1997-2005) từ khi tái lập tỉnh, một số tỉnh như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… rút kinh nghiệm từ các tỉnh thành đã đi trước nên có tốc độ phát triển các KCN khá nhanh.
Xây dựng các KCN và KCX là chủ trương đúng đắn đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa diễn ra trong xu thế hội nhập quốc tế. Những thành tựu phát triển các KCN và KCX trong thời gian qua đã được khẳng định, đó là tiền đề quan trọng cho thực tiễn tiếp theo. Song ngay trong bản thân quá trình xây dựng phát triển các KCN đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế bất cập, tồn tại nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ như: về cơ chế chính sách, về quy hoạch, về cơ sở hạ tầng, về môi trường hoạt động…
Thời gian gần đây, ở một số cuộc hội thảo khoa học, trên các phương tiện thông tin đã trích đăng những tham luận, những bài viết về KCN từ những góc độ khác nhau:
Do mục đích nghiên cứu khác nhau, vì vậy đã có những cách tiếp cận riêng để giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể. Các vướng mắc, sự bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính, về đền bù giải phóng mặt bằng… dần được tháo gỡ và tiếp tục đổi mới hoàn thiện. Song vấn đề nổi lên hiện nay gây nhiều tranh cãi và bức xúc đó là quy hoạch phát triển các KCN, theo đó là hàng loạt các vấn đề cần được làm sáng tỏ về mặt lý luận: Từ cách tiếp cận nghiên cứu KCN, đến giải quyết các mối quan hệ kinh tế kinh tế - xã hội trong quá trình CNH, HĐH. Vì vậy, nghiên cứu KCN cần có phương pháp tiếp cận hệ thống và toàn diện, gắn sự hình thành phát triển KCN với quá trình CNH, HĐH nước ta hiện nay.
2. Khái quát lịch sử hình thành các KCN, những cách tiếp cận và các quan niệm khác nhau về KCN
Trước hết, cần có sự khái quát về lịch sử hình thành và phát triển các KCN vì “Lịch sử từ đâu thì tư duy lô gíc cũng bắt đầu từ đó”. KCN đã có một quá trình hình thành và phát triển hơn 100 năm nay. Anh là nước công nghiệp đầu tiên và KCN đầu tiên được thành lập năm 1896 ở Manchester và sau đó là vùng công nghiệp Chicago (Mỹ), KCN Napoli (ý) vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Đến những năm 50, 60 của thế kỷ XX, các vùng công nghiệp và các KCN phát triển nhanh chóng và rộng khắp các nước công nghiệp như là một hiện tượng lan toả, tác động và ảnh hưởng. Vào thời kỳ này, Mỹ có 452 vùng công nghiệp và gần 1.000 KCN, Pháp có 230 vùng công nghiệp, Canada có 21 vùng công nghiệp. Tiếp theo các nước công nghiệp đi trước, vào năm 60, 70 của thế kỷ trước, hàng loạt các KCN và KCX hình thành và phát triển nhanh chóng ở các nước công nghiệp hoá thế hệ sau như: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Cũng trong thời kỳ này, ở các nước XHCN trước đây, Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc đang tiến hành xây dựng các xí nghiệp liên hợp, các cụm công nghiệp lớn, các trung tâm công nghiệp tập trung. Mặc dù có thể dưới những tên gọi khác nhau gắn với tính đặc thù của ngành sản xuất, nhưng chúng đều có những tính chất, đặc trưng chung của KCN. Trên các sách báo, ở trong các từ điển, cho đến nay đã có sự thống nhất về các khái niệm: Xí nghiệp liên hợp, cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp. Nhưng khái niệm về KCN còn đang gây nhiều tranh luận, chưa có sự thống nhất và còn những quan niệm khác nhau về KCN. Chúng tôi cho rằng, đó cũng là điều dễ hiểu, vì trong nhận thức biện chứng, sự vật đang vận động và do đó khái niệm không thể là bất biến. Nhận thức về KCN và KCX có những quan niệm khác nhau. Có thể khái quát thành những loại quan niệm sau về KCN và KCX:
Thứ nhất: KCN là thành phố công nghiệp, một cộng đồng hoàn chỉnh, được quy hoạch đầy đủ các tiện nghi đa dạng, có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn hảo, hệ thống sử lý nước thải, hệ thống thương mại, hệ thống thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học và khu chung cư…..
Quan niệm trên về KCN là của các nhà quản lý Thái Lan và của một số các nhà kinh tế học các nước công nghiệp thế hệ thứ hai ở Đông Nam á như Malaysia, Philipine… Nếu hiểu KCN đồng nhất với thàng phố công nghiệp trên giác độ quy hoạch tổng thể một không gian kinh tế với những điều kiện cần thiết cho các sinh hoạt của cộng đồng, thì khái niệm KCN chưa phản ánh nội dung kinh tế, với những mối liên hệ bên trong cùng với sự vận động và mục đích hoạt động của KCN. Tất nhiên, không thể phủ nhận đây là cách tiếp cận KCN từ giác độ quy hoạch xây dựng KCN và tổ chức đời sống xã hội, trong đó chúng cần được kế thừa.
Thứ hai: Từ một cách tiếp cận khác, Hiệp hội khu chế xuất thế giới (WEPZA) định nghĩa: KCX là khu vực tự do, do chính phủ xây dựng để xúc tiến các mục tiêu chính sách được áp dụng thí điểm đột phá. Khác với chính sách áp dụng cho khu nội địa, phần lớn các chính sách áp dụng cho khu là cởi mở hơn.
Theo cách hiểu này về KCX, một mặt nó là khu vực tự do kinh tế tức là phản ánh tính chất hoạt động kinh tế, mặt khác cũng xác định rõ chủ thể và mục tiêu xây dựng KCX là gắn liền với các quan hệ kinh tế đối ngoại. Song, định nghĩa trên về KCX chưa phản ánh đầy đủ mặt bản chất của KCX, những mối liên hệ kinh tế bên trong và tính quy luật vận động của nó.
Thứ ba: Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) cho rằng, KCX là khu vực sản xuất công nghiệp, giới hạn ở hành chính, về địa lý, được hưởng chế độ thuế quan cho phép tự do nhập trang thiết bị và sản phẩm nhằm mục đích sản xuất sản phẩm xuất khẩu, chế độ thuế quan được ban hành, cùng với những quy định về luật pháp ưu đãi, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Quan niệm của UNIDO về KCX đã đạt đến mức khá đầy đủ và hoàn thiện về các mặt, cả về tính chất hoạt động kinh tế, không gian tổ chức hoạt động kinh tế và mục tiêu hoạt động kinh tế.
Thứ tư: Quan niệm về KCN và KCX của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam trong quy chế KCN và KCX (KCN là khu tập trung, các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có danh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, do chính phủ hoặc Thủ tướng chính Phủ quyết định thành lập. Trong KCN có thể có doanh nghiệp chế xuất “KCX là KCN tập trung có các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.
Rõ ràng, định nghĩa trên về KCN và KCX là từ giác độ quản lý nhà nước đối với KCN. Nó quy định về nội dung, mục đích hoạt động kinh tế, giới hạn về không gian và thẩm quyền quản lý.
Như vậy, từ mỗi giác độ xem xét KCN, KCX có những quan niệm khác nhau về chúng. Do đó, những cuộc tranh luận về khái niệm KCN, KCX đang diễn ra sôi nổi và chưa thể chấm dứt khi chưa có sự thống nhất về cách tiếp cận vấn đề.
3. KCN là hình thức giải quyết các mối quan hệ kinh tế trong quá trình CNH, HĐH
Chúng tôi cho rằng, để có nhận thức về KCN một cách đầy đủ với tư cách là phạm trù kinh tế tổng hợp, cần có phương pháp tiếp cận hệ thống và toàn diện. Trước hết, về nhận thức phải coi sự hình thành và phát triển các KCN như là quá trình kinh tế khách quan, quá trình có tính quy luật gắn với CNH, HĐH. Thứ nữa, KCN là tổng hợp các quan hệ kinh tế: quan hệ giữa các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế, quan hệ đầu tư, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, quan hệ trao đổi và cơ chế chi phối các hình thức đó… Và cuối cùng, KCN là sản phẩm hoạt động kinh tế tự giác của Nhà nước, do Nhà nước thành lập, có quy chế riêng, quy định về ngành nghề, về ranh giới địa lý, những điều kiện về hạ tầng cơ sở và có chính sách, cơ chế, chế độ quản lý riêng nhằm mục đích xác định.
Tóm lại, tổng hợp những nội dung, tính chất những thuộc tính và các mối liên hệ kinh tế và xu hướng vận động của nó, KCN được hiểu là hình thức thực hiện quá trình CNH, HĐH, nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế, trong một không gian kinh tế xác định bao gồm: lĩnh vực hoạt động, cơ sở hạ tầng, ranh giới địa lý, phương thức quản lý… do Nhà nước thành lập, định hướng phát triển nhằm mục tiêu chiến lược của CNH, HĐH.
Theo cách tiếp cận KCN là hình thức thực hiện quá trình CNH, HĐH, một mặt, sự hình thành và phát triển các KCN là quá trình kinh tế khách quan, mặt khác, đó là sự can thiệp của Nhà nước để giải quyết các mối quan hệ kinh tế phức tạp, nhằm mục tiêu kinh tế - xã hội. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, những hạn chế bất cập trong phát triển các KCN xuất phát từ hai mặt trên. Vì vậy, giải quyết mâu thuẫn trên là giải quyết tổng hợp các mối quan hệ trong quá trình CNH, HĐH, quan hệ giữa các ngành, các thành phần, các mối quan hệ tổ chức không gian kinh tế, quan hệ kinh tế đối ngoại…