Tài chính vi mô tại Việt Nam: Thực trạng hoạt động và các hàm ý chính sách

TRƯƠNG QUANG THÔNG (Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và VŨ ĐỨC CẦN (Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sử dụng phương pháp thống kê mô tả từ bộ dữ liệu của Danh bạ Tài chính vi mô Việt Nam 2013-2016, các kết quả phân tích của bài viết đã cho thấy, các tổ chức tài chính vi mô chính thức ở Việt Nam, tuy chiếm số lượng ít, nhưng do lợi thế về thể chế và địa bàn hoạt động trải rộng khắp cả nước, gần như đã chiếm thị phần tuyệt đối về cho vay và huy động tiết kiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, chi phí cho các khoản cho vay của các tổ chức tài chính vi mô chính thức lại cao hơn khá nhiều so với các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức, cho dù chi phí trung bình cho 1 đồng vốn cho vay của các tổ chức tài chính vi mô chính thức lại thấp hơn các tổ chức phí chính thức. Điều đó đã dẫn đến các chỉ tiêu về lợi nhuận và bền vững của các tổ chức tài chính vi mô chính thức luôn có xu hướng thấp hơn các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức. Các khám phá trên cũng là cơ sở cho các hàm ý chính sách và định hướng hoạt động tài chính vi mô ở phần cuối của bài viết.

Từ khóa: Tài chính vi mô, tổ chức tài chính, hiệu quả, bền vững.

1. Giới thiệu chung

1.1. Đặt vấn đề

Cho đến nay sau nhiều thập kỷ phát triển, tài chính vi mô (TCVM) đã khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo vì sự phát triển cộng đồng tại các quốc gia trên thế giới. Giống như những quốc gia đang phát triển khác, các tổ chức TCVM ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện kinh tế của những hộ lao động nghèo, những người không thể nào tiếp cận được với những khoản vay từ các nguồn tín dụng chính thức. Trong Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, thì lần đầu tiên tổ chức TCVM được xem là một loại hình tổ chức tín dụng chính thức. Theo thời gian, cơ chế hoạt động của các tổ chức TCVM ở Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đó là những sự phát triển và giá trị được tạo ra cho xã hội không thể bàn cãi được mang lại từ hoạt động của các tổ chức TCVM. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các tổ chức TCVM vẫn phát sinh các vấn đề mà các cơ quan nhà nước cần đánh giá lại và cải thiện để có thể tối đa hóa giá trị tạo ra cho cộng đồng. Mục tiêu chính của các tổ chức TCVM là nhằm mục tiêu tương trợ là chủ yếu thay vì mục tiêu lợi nhuận, đặc biệt là những tổ chức TCVM được tài trợ từ vốn nhà nước. Mục tiêu tạo ra nhiều lợi nhuận hoặc huy động thêm nhiều nguồn vốn từ xã hội để gia tăng quy mô vốn của tổ chức để có thể hỗ trợ được cho nhiều người nghèo hơn là một mục tiêu chính đáng cần được phát triển.

Do vậy, muốn phát triển tốt khu vực này cần phải có những giải pháp thích hợp, kịp thời kể cả về vĩ mô và vi mô để TCVM phát huy hết tiềm năng, cải thiện đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

Với vấn đề đặt ra như trên, mục tiêu nghiên cứu của bài này là phân tích thực trạng hoạt động TCVM tại Việt Nam về các phương diện tín dụng, quản lý tài chính, lợi nhuận và tính bền vững để từ đó đề ra các hàm ý chính sách và giải pháp phù hợp.

1.3. Dữ liệu và phương pháp

Bộ dữ liệu được thu thập và xử lý lại dựa vào các quyển Danh bạ TCVM Việt Nam 2013-2016. Do phương pháp thu thập dữ liệu và chế độ báo cáo chưa thống nhất, nên một số chỉ tiêu thống kê chưa được đầy đủ, đặc biệt là từ năm 2013 trở về trước. Các tác giả viết chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê mô tả trong bài viết này.

2. Khái niệm, thể chế và các chủ thể tham gia hoạt động TCVM

2.1. Khái niệm

Khái niệm về TCVM được rất nhiều nhà kinh tế và các tổ chức đưa ra. Theo nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (Consultive Group to Assist the Poor - CGAP), thì “TCVM là việc cung cấp các dịch vụ tài chính (DVTC) cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghèo bao gồm: dịch vụ gửi tiết kiệm, tín dụng, lương hưu, chuyển tiền, bảo hiểm...”. Theo Ledgerwood. J (1999) thì “TCVM là một phương pháp phát triển kinh tế thông qua các DVTC nhằm mang lại lợi ích cho dân cư có thu nhập thấp… thường bao gồm cả hai yếu tố: trung gian tài chính và trung gian xã hội”. Theo Quỹ Đầu tư và Phát triển Liên hiệp quốc (United Nations Capital Development Fund-UNCF): “TCVM là việc cung cấp DVTC cho những người không tiếp cận được với hệ thống tài chính chính thức”.

Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB 2000) thì TCVM “là việc cung cấp các DVTC như tiền gửi, cho vay, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo hiểm cho người nghèo và hộ gia đình có thu nhập thấp hoạt động kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp nhỏ của họ”.

Trong khi đó, dưới góc độ thể chế trong nước, theo Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam, thì: “TCVM được hiểu là tài chính quy mô nhỏ đó là hoạt động cung cấp một số DVTC quy mô nhỏ, nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện, một số dịch vụ thanh toán cho các hộ gia đình cá nhân có thu nhập thấp đặc biệt là hộ gia đình nghèo và người nghèo”.

Tổng hợp những khái niệm trên ta có thể hiểu TCVM là một trong những cách thức phát triển kinh tế nhằm cung cấp các DVTC, dịch vụ khác cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư.

2.2. Các nhà cung ứng TCVM

Các đơn vị cung cấp dịch vụ TCVM gồm 3 nhóm chính: Chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Theo Nguyễn Kim Anh (2013), Việt Nam hiện có 3 quan điểm khác nhau về tổ chức TCVM: Quan điểm thứ nhất cho rằng, tổ chức TCVM bao gồm tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM, kể cả ngân hàng, hợp tác xã tài chính, tổ chức tài chính (TCTC) quy mô nhỏ bán chính thức và chính thức; quan điểm thứ hai chỉ tập trung vào các TCTC quy mô nhỏ, kể cả chính thức và bán chính thức; quan điểm thứ ba cho rằng tổ chức TCVM “là loại hình TCTD chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ” (Luật TCTD, 2010, điều 4 khoản 5). Cũng theo Nguyễn Kim Anh (2011), mạng lưới cung ứng dịch vụ TCVM tại Việt Nam gồm 3 khu vực: Khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực phi chính thức. Mặc dù cùng phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng, nhưng mỗi khu vực lại có mục tiêu, tính chất hoạt động riêng.

Về phân loại các tổ chức tài chính vi mô theo tư cách pháp nhân, qua Bảng 1, có thể thấy trong năm 2015, với tổng số 31 tổ chức TCVM trên cả nước, có 6 tổ chức TCVM hoạt động chính thức và 25 tổ chức TCVM hoạt động bán chính thức. Từ đó, có thể thấy rằng, hoạt động TCVM ở Việt Nam chủ yếu phát triển theo các loại hình hoạt động bán chính thức, cụ thể là thông qua các quỹ xã hội hoặc theo các chương trình, dự án.

Phân chia theo địa bàn hoạt động TCVM, Bảng 2 cho thấy số lượng tổ chức hoạt động TCVM ở miền Bắc là luôn khá lớn, tiếp đến là ở khu vực miền Nam. Số lượng tổ chức TCVM hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau là 5 - 6 tổ chức. Đây thường là các tổ chức TCVM hoạt động chính thức (được cấp giấy phép hoạt động TCVM).

2.3. Khách hàng tham gia TCVM và các sản phẩm, dịch vụ TCVM

Về khách hàng, chủ yếu TCVM dành cho người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các doanh nghiệp vi mô của họ có doanh thu hàng tháng từ 6-40 triệu đồng và có dưới 10 nhân công. Hiện nay, hoạt động tín dụng đã bắt đầu có sự đa dạng hóa về đối tượng khách hàng: Khách hàng nghèo, cận nghèo, cán bộ công nhân viên, hộ gia đình kinh doanh - doanh nghiệp siêu nhỏ… Về sản phẩm dịch vụ của TCVM thì đa dạng, bao gồm cả sản phẩm tài chính và phi tài chính.

3. Thực trạng hoạt động TCVM Việt Nam giai đoạn 2013-2015

3.1. Tổng quan về hoạt động tín dụng

Theo thống kê của danh bạ TCVM năm 2016 của nhóm công tác TCVM Việt Nam hiện có 41 tổ chức tham gia hoạt động TCVM gồm miền Bắc 20 tổ chức, miền Trung 10 tổ chức và miền Nam 11 tổ chức. Tuy nhiên, chỉ có 31 tổ chức tham gia cung cấp thông tin. Trong đó, 2 ngân hàng (NH) thuộc sở hữu nhà nước là Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) có số lượng khách hàng lớn nhất chiếm 79% tổng số khách hàng và 79% dư nợ cho vay vi mô tính đến cuối năm 2015. Các tổ chức TCVM được cấp phép và các chương trình dự án TCVM chỉ chiếm 2% tổng dư nợ.

Khách hàng của NHCSXH chiếm tỷ lệ cao nhất 70%, tuy nhiên số dư tiền gửi chỉ chiếm 12%. Các tổ chức TCVM được cấp phép sức cạnh tranh không cao do chi phí lớn.

Thống kê theo tư cách pháp nhân, Bảng 4 cho thấy mặc dù số lượng tổ chức tài chính vi mô bán chính thức khá lớn so với các tổ chức vi mô chính thức nhưng có thể thấy quy mô cung ứng TCVM và quy mô tiền gửi của các tổ chức tài chính vi mô chính thức lại rất lớn. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức vi mô hoạt động chính thức luôn chiếm trên 98% mức cung tín dụng vi mô, trong khi các tổ chức bán chính thức chỉ chiếm chưa tới 2%. Tương tự, về số dư tiết kiệm cũng cho thấy hầu hết người dân đều gửi tiền tiết kiệm vào các tổ chức vi mô chính thức, chỉ khoảng dưới 4% số tiền gửi tiết kiệm cho các tổ chức vi mô bán chính thức.

Trong khi đó, thống kê theo tư cách pháp nhân, Bảng 5 cho thấy chủ yếu các hoạt động cung cấp tín dụng và gửi tiền tiết kiệm là ở các tổ chức TCVM hoạt động ở nhiều địa bàn.

3.2. Tình hình quản lý tài chính của các tổ chức tài chính vi mô hoạt động ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015

Qua số liệu thống kê ở Bảng 6 nhận thấy, chi phí cho các khoản tín dụng của các tổ chức hoạt động chính thức cao hơn khá nhiều so với các tổ chức hoạt động bán chính thức. Trong năm 2015, trung bình tỷ lệ chi phí huy động nguồn để giải ngân của các tổ chức TCVM chính thức cao hơn của các tổ chức chính thức là khoảng 2,5 lần (tỷ lệ trung bình của các tổ chức TCVM chính thức là 5,02% tổng dư nợ, trong khi của các tổ chức bán chính thức là 2,02% tổng dư nợ). Bên cạnh đó, trung bình tỷ lệ chi phí huy động tiền gửi và tỷ lệ chi phí đi vay của các tổ chức TCVM chính thức cũng cao hơn khá nhiều so với các tổ chức bán chính thức. Trong năm 2015, trung bình chi phí huy động tiền gửi và cho vay của các tổ chức TCVM chính thức lần lượt chiếm 6,4% và 9,12% tổng dư nợ tín dụng, trong khi của các TCVM bán chính thức lần lượt chiếm 2,77% và 3,78% tổng dư nợ.

3.3. Phân tích các chỉ tiêu năng suất và hiệu quả của các tổ chức TCVM phân theo hình thức pháp lý trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015

Qua Bảng 7, nhìn chung có thể thấy tỷ lệ chi phí hoạt động của các tổ chức TCVM hoạt động chính thức cũng thấp hơn các tổ chức TCVM hoạt động bán chính thức. Trong năm 2015, trung bình chi phí hoạt động của các tổ chức TCVM hoạt động chính thức chiếm 9,12% tổng dư nợ, trong khi chi phí hoạt động của các tổ chức TCVM hoạt động bán chính thức chiếm 13,53% tổng dư nợ. Tuy nhiên, chi phí trung bình của các khoản cho vay của các tổ chức TCVM hoạt động chính thức lại cao hơn khá nhiều so với các tổ chức TCVM bán chính thức. Trong năm 2015, trung bình chi phí cho một khách hàng của các tổ chức TCVM chính thức là khoảng 1 triệu đồng, trong khi của các tổ chức TCVM bán chính thức là khoảng 730 ngàn đồng.

Đối với chi phí trung bình trên một đồng dư nợ, nhìn chung chi phí của các tổ chức bán chính thức cao hơn so với các tổ chức chính thức. Điều này có thể được giải thích là các tổ chức chính thức thường là các tổ chức lớn, có ưu thế theo quy mô nên chi phí trung bình trên 1 đồng dư nợ có xu hướng sẽ thấp hơn so với các tổ chức hoạt động chính thức.

3.4. Lợi nhuận và bền vững của các tổ chức tài chính vi mô phân theo hình thức pháp lý giai đoạn từ năm 2013 - 2015

Qua Bảng 8, có thể thấy các chỉ tiêu về lợi nhuận và sự bền vững của các tổ chức TCVM chính thức luôn có xu hướng thấp hơn các tổ chức TCVM bán chính thức. Trong năm 2015, trung bình ROA của các tổ chức TCVM chính thức đạt khoảng 1,46%, bằng khoảng gần 50% của các tổ chức TCVM bán chính thức (tỷ lệ trung bình của các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức là 3,38%). Bên cạnh đó, các khoản cho vay của các tổ chức hoạt động bán chính thức cũng có mức lợi nhuận cao hơn của các tổ chức hoạt động chính thức: Trong năm 2015, trung bình lợi nhuận từ hoạt động cho vay của các tổ chức TCVM chính thức đạt khoảng 16% tổng dư nợ, trong khi của các tổ chức TCVM bán chính thức là 18,24% tổng dư nợ.

Ở Bảng 9, có thể thấy rằng các khoản cho vay của các tổ chức TCVM chính thức có xu hướng an toàn hơn các khoản cho vay của các tổ chức TCVM bán chính thức. Điều này được thể hiện qua chỉ tiêu tỷ lệ dư nợ rủi ro trên 30 ngày của các tổ chức TCVM chính thức luôn cao hơn các khoản vay của các tổ chức TCVM bán chính thức. Ngoài ra, các tỷ số khác về tỷ lệ xóa nợ, tỷ lệ chi phí dự phòng cho các khoản vay của các tổ chức TCVM bán chính thức cũng cao hơn so với các tổ chức TCVM chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ an toàn khi rủi ro của các tổ chức tài chính vi mô chính thức cao hơn so với các tổ chức TCVM bán chính thức.

3.5. Đánh giá tổng quát và các hàm ý chính sách

Hoạt động TCVM Việt Nam hiện nay còn manh mún, sản phẩm dịch vụ chưa phong phú đa dạng, các chỉ số bền vững đều ở mức khiêm tốn. Khuôn khổ pháp lý còn nhiều bất cập, hệ thống cung cấp dịch vụ TCVM hiện nay bao gồm 3 khu vực: Chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Cùng phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng, song hoạt động TCVM ở mỗi khu vực đang được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý riêng biệt, chưa có sự thống nhất. Điều này tạo ra môi trường không bình đẳng cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TCVM.

Hơn nữa, về góc độ cạnh tranh, như trên đã phân tích, các tổ chức TCVM chính thức, tuy chiếm số lượng ít, nhưng do địa bàn trải rộng khắp cả nước, gần như đã chiếm thị phần tuyệt đối về cho vay và huy động tiết kiệm. Vị thế thống lĩnh thị trường đó có thể là nguyên nhân quan trọng hạn chế việc cạnh tranh trong việc tiếp cận, cung ứng những sản phẩm TCVM tốt nhất, với giá rẻ nhất có lợi cho người vay, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả và tính bền vững cho các hoạt động TCVM nói chung. Đây có thể là cơ sở cho các hàm ý chính sách phát triển TCVM, tuy vẫn có thể dựa vào vị thế dẫn đầu của các tổ chức TCVM mô chính thức, nhưng không thể bỏ qua vai trò của các tổ chức bán chính thức.

Vai trò của các tổ chức bán chính thức càng được khẳng định thông qua kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho các khoản cho vay của các tổ chức TCVM chính thức lại cao hơn khá nhiều so với các bán chính thức, cho dù chi phí trung bình cho 1 đồng vốn cho vay của các tổ chức TCVM chính thức lại thấp hơn các tổ chức phí chính thức. Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các chỉ tiêu về lợi nhuận và bền vững của các tổ chức TCVM chính thức luôn có xu hướng thấp hơn các tổ chức TCVM bán chính thức. Có thể thấy rằng, dù tận dụng tính kinh tế qui mô, nhưng công tác quản lý chi phí hoạt động nói chung của các tổ chức chính thức cần được xem xét, đánh giá thấu đáo hơn để có những điều chỉnh phù hợp, bên cạnh việc đúc kết những ưu điểm trong mô hình quản lý của các tổ chức TCVM bán chính thức để chúng ta có những chính sách giám sát, hỗ trợ phát triển tương ứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Đức Hải. Hoạt động tài chính vi mô: Kinh nghiệm của thế giới và bài học cho Việt Nam.

2. Nguyễn Kim Anh và cộng sự (2011). Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam: Kiểm định và so sánh. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

3. Nguyễn Kim Anh. Tài chính vi mô tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách. Hà Nội, 2014

4. Danh bạ Tài chính vi mô năm 2012 - 2016. Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam.

MICROFINANCE IN VIETNAM:

OPERATIONAL STATUS AND POLICY IMPLICATIONS

● TRUONG QUANG THONG

School of Banking - University of Economics Ho Chi Minh City

● VU DUC CAN

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Using the descriptive statistical method from the data set of the Vietnam Microfinance Directory 2013-2016, the analysis results of the article have shown that the official microfinance institutions (MFIs) in Vietnam are relavtively small in number, however, they manage to get the lions share of lending and mobilizing savings due to the institutional and operational advantages of the country.

The study also found that the cost of loans from formal MFIs was significantly higher than that of semi-formal MFIs, despite the fact that the average cost for one dollar of official microfinance loans is lower than the non-official organizations fee. This has resulted in official MFIs' tendency towards profitability and sustainability tended to be lower than that of semi-formal MFIs. These findings are also the basis for policy implications and direction of microfinance activities at the end of the article.

Keywords: Microfinance, financial institutions, efficiency, sustainability.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây