Nhiều khuyến nghị đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo: “Hiệp định EVFTA - Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức tại Hà Nội.
Lo gỡ “thẻ vàng” thủy sản, lo doanh nghiệp chưa lớn
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, quá trình từ ký kết đến thực thi EVFTA còn phải trải qua một chặng đường khi phải chờ Nghị viện châu Âu (EP) và Nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua, đồng thời phải được Quốc hội phê chuẩn.
Dù vậy, theo ông Long, từ nay đến giữa năm 2020, một trong những vấn đề mà Việt Nam phải đặc biệt chú ý.
EU là thị trường quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng từ năm 2017, Việt Nam bị áp dụng thẻ vàng, điều này đã gây trở ngại cho tất cả các mặt hàng thủy hải sản của nước ta xuất khẩu sang EU kiểm soát 100%, trong khi trước đó kiểm soát có xác suất. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mất quá nhiều thời gian và trải qua nhiều thủ tục hành chính nhằm chứng minh nguồn gốc khai thác thủy sản đảm bảo tính hợp pháp.
“Nhanh chóng gỡ thẻ vàng thủy sản là nhiệm vụ chính yếu để EVFTA đi vào thực thi, ngành thủy sản có thể tận dụng được hiệu quả nhất cơ hội tăng xuất khẩu và ưu đãi thuế quan”, ông Ngô Trí Long nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ khi bị thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm nhiều. Từ vị trí xuất khẩu thứ 2 hiện đã tụt xuống thứ 5, tỷ trọng của thị trường này cũng giảm từ 18% xuống còn 13%.
Trong suốt 2 năm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng chưa thành, nếu không tuân thủ, qua giai đoạn “thẻ vàng” sẽ bị áp dụng “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc EU sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, kinh tế Việt Nam 2019 đã có mức tăng trưởng nhanh, đạt 7,02%, lọt top các nước có tăng trưởng cao. Có được kết quả tăng trưởng này là do Việt Nam đã chủ động hội nhập. Hiện Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, ký được 13 FTA.
Theo ông Hùng, EVFTA được ký kết hồi tháng 6/2019 đã mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khẳng định vị thế Việt Nam, nhưng để tận dụng cơ hội thì cần xem thế và lực của Việt Nam ở đâu, mạnh hay yếu ở chỗ nào để vượt qua những trở ngại trong quá trình thực thi hiệp định sau này.
Cơ hội là nhiều ngành hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vốn không bị cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung nhiều hơn. "Những bạn hàng khác nhìn mình đã chơi với các "ông lớn" thì cũng ngầm hiểu, Việt Nam cũng phải đạt đến một đẳng cấp nào đó.
Lo lắng của các chuyên gia tại Hội thảo là thực lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Trình độ công nghệ của nhiều DN còn lạc hậu. Việt Nam đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa.
Công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yế từ các nước đang phát triển, chiếm khoảng 65%, trong đó có hơn 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Xem xét lại các ngành xuất khẩu mũi nhọn, liệu rằng đã phù hợp với thị trường EU chưa? Cần phá bỏ tư duy mạnh ai nấy làm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức tăng trưởng bền vững
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa khoảng 18.000 tỷ USD của Liên minh châu Âu.
Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra, việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Ông Ngô Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), một trong những nội dung rất quan trọng là đề cao yếu tố bền vững. EVFTA có hẳn 1 chương phát triển bền vững. Đây sẽ là khuôn khổ, định hướng quan trọng để các ngành sản xuất của Việt Nam hướng đến đầu tư, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong tương lai.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, dù FTA có sự phù hợp cao nhất đi chăng nữa thì vẫn còn đầy rẫy rào cản như rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ… Tóm lại là một hệ thống luật pháp lại quá đồ sộ và phức tạp.
Doanh nghiệp Việt là nhân vật trung tâm trong cuộc chơi trong các FTA, cụ thể là EVFTA. Quá trình chuẩn bị của doanh nghiệp có tốt, khi EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn. Doanh nghiệp muốn thắng thì phải đảm bảo tính tuân thủ cao
Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, doanh nghiệp của ông hiện đang thực hiện nhiều dự án với các đối tác nước ngoài, nhưng doanh nghiệp cơ khí vẫn cần điều kiện hỗ trợ, đặc biệt về vốn để hội nhập tốt hơn.
"Việc phát triển ngành cơ khí chế tạo là chủ trương lớn, ngành cơ khí dù chủ chốt, tác động đến nền sản xuất nhưng Việt Nam còn yếu, phụ thuộc nhập khẩu, nên rất cần những doanh nghiệp như Cơ khí chính xác Thăng Long hội nhập chuyên nghiệp thông qua các dự án với các đối tác châu Âu", ông Tô Hoài Nam nói.
Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu:
Ngay cả khi không có Hiệp định này thì doanh nghiệp Việt vẫn có thể sản xuất sản phẩm tốt, hãy tiếp cận từ góc độ như vậy để các doanh nghiệp Việt cùng trưởng thành, lớn mạnh.
“Nếu ta nâng cấp được sản phẩm để bán ngay tại thị trường nội địa thì chẳng phải là tốt hơn hay sao?”
Kể cả FTA này chưa được các bên phê chuẩn thì vẫn không làm ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta cứ nói về cơ hội nhiều quá nhưng ta còn thiếu thông tin đưa đến doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội.