Tăng cường liên kết xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vai trò quan trọng và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng của Vùng Đồng bằng sông Hồng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đây là Hội nghị thứ 3 nằm trong chuỗi 06 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.

Hội nghị có khoảng 200 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Xúc tiến thương mại phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.

Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hoá chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm... Những nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của vùng phải kể đến là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.

Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể) còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.

Xúc tiến thương mại phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự 

Ngày 04/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

"Muốn vậy, vùng đồng bằng sông Hồng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá." - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Xúc tiến thương mại phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng
Đại biểu tham quan không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan đã cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.

Về phía Bộ Công Thương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đã trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ một số vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại. 

Xúc tiến thương mại phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng

Bên lề Hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế.

Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới. Vùng có hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là vùng đi đầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.

Trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD). Quý I/2024, GRDP bình quân của Vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%).

Huyền My - Thùy Dương