Nhà mạng không bắt tay tăng cước
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 10697/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã công bố kết quả xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của 3 doanh nghiệp viễn thông trong đợt điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G vừa qua.
Về dấu hiệu cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh về thỏa thuận ấn định giá hang hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Kết quả xác minh quá trình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp gồm Công ty Thông tin Di động VMS (MobiFone), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty dịch vụ viễn thông (VinaPhone) cho thấy:
Đợt điều chỉnh giá từ ngày 16/10/2013 của Viettel, MobiFone và VinaPhone là thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông nêu tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 ngày 27/7/2012 (Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg) và theo yêu cầu tuân thủ pháp luật về giá cước dịch vụ viễn thông của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông. Trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giác cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký giá cước là có sự khác biệt.
Sau khi Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp vào cùng ngày 04/10/2013, từng doanh nghiệp đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau.
Phương án điều chỉnh giá các gói cước (tăng, giảm hoặc giữ nguyên), phương án cung cấp các gói cước (ngừng cung cấp một số gói cước hoặc đưa ra các gói cước mới) của 3 doanh nghiệp lien quan cũng có nhiều điểm khác biệt.
Về việc 3 doanh nghiệp cùng điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013, kết quả xác minh cho thấy chu kỳ tính cước và vận hành hệ thống kỹ thuật thường tính vào ngày đầu tháng hoặc giữa tháng. Do văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 04/10/2013 (sau ngày 01/10/2013), nên để phù hợp với chu kỳ tính cước, các doanh nghiệp đã quyết định điều chỉnh cước để áp dụng vào chu kỳ giữa tháng (từ ngày 16/10/2013).
Về việc 3 doanh nghiệp điều chỉnh một số gói cước với cùng mức tăng, theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, các gói cước được điều chỉnh giống nhau đều là các gói cước thông dụng và phương án điều chỉnh giá cước đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Ngoài các gói cước thông dụng, các doanh nghiệp đều có nhiều gói cước khác với mức giá cước, tính năng kỹ thuật khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Từ kết quả xác minh trên, căn cứ các thông tin tài liệu có được trong phạm vi quyền hạn được luật pháp cho phép, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và VinaPhone trong đợt điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013 vừa qua.
Không áp đặt giá gây thiệt hại cho khách hàng
Về dấu hiệu 3 doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, vi phạm khoản 2 Điều 13, Luật Cạnh tranh, kết quả xác minh các thông tin, tài liệu liên quan cho thấy:
Về vị trí thống lĩnh của nhóm 3 doanh nghiệp gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone, trên cơ sở thông tin về thị trường và thị phần thu thập được, căn cứ quy định tại điểm B, Khoản 2, Điều 11 Luật Cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương xác định có dấu hiệu cho thấy nhóm 3 doanh nghiệp nêu trên là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ dữ liệu 3G.
Về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hang, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 27, Nghị định của Chính phủ số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định 116/2005/NĐ-CP), Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã xem xét 3 yếu tố để xác định dấu hiệu về hành vi áp đặt giá bán hang hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hang. Cụ thể:
Về mức độ tăng giá cước, việc điều chỉnh giá vừa qua là thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông nêu tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu và được sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông. Xét mức độ tăng giá cước, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng mức điều chỉnh trung bình của đợt điều chỉnh giá cước vừa qua khoảng 20% so với mức giá trước đó, vượt quá mức 5% theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
Về biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dữ liệu 3G, theo báo cáo giá thành của Viettel, MobiFone, VinaPhone đã được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận, đối với dịch vụ dữ liệu 3G của cả 3 doanh nghiệp nêu trên, giá thành kế hoạch năm 2013 giảm hơn so với giá thành thực tế của năm 2012. Xác nhận này cho thấy không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dữ liệu 3G vượt quá mức 5% quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
Về quan hệ cung cầu trên thị trường, căn cứ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu thông tin di động 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông tại công văn số 3304/BTTTT-CVT ngày 06/11/2013, tính đến tháng 9/2013, số thuê bao dịch vụ dữ liệu đã tăng mạnh với tổng số thuê bao của 3 doanh nghiệp liên quan đạt 18,9 triệu thuê bao, đồng thời dung lượng cũng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới.
Từ kết quả xác minh nêu trên, do việc tăng giá cước của 3 doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh số lượng thuê bao, nhu cầu về dung lượng tăng mạnh quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới nên căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, chưa đủ cơ sở coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Trong thập kỷ qua, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông đã mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế và người tiêu dung. Để tiếp tục duy trì, bảo vệ kết quả đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại công văn số 10697/VPCP-KTTH ngày 18/12/2013 của Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc giám sát hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung Việt Nam.