Ngày 21/6/2023, Bộ Tài chính đã chính thức có Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự thảo Luật nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia.
Tuy nhiên, còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến phương pháp tính thuế, thuế suất đối với các sản phẩm rượu, bia, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thức uống đại mạch, nước giải khát có đường và nước giải khát không cồn...
Cần đảm bảo tính công bằng của chính sách cho xã hội và doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, ngành rượu bia chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách pháp luật như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Luật Đầu tư, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.
Thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm khoảng 20% so với trước đây, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành. Có khoảng 50% số doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, hơn 70% doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp giảm chi phí, giảm lao động, thu nhập lao động giảm đến 10%.
Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.
"Theo tôi, dù sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì niềm đam mê đồ uống có cồn vẫn sẽ không thay đổi nhiều, vấn đề là phải có giải pháp tổng thể đi kèm để giúp ngành rượu bia phát triển công bằng, bình đẳng, đảm bảo nguồn thu ngân sách và sức khỏe người dân", luật sư Quỳnh Anh nói.
Đồng quan điểm với Luật sư Quỳnh Anh, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, trong 30 năm qua, đây là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam khó khăn nhất và chịu nhiều mất mát thiệt thòi nhất. Chính sách tài khóa không tập trung vào thu mà là về phía chi. Nghĩa là chi thế nào cho hiệu quả, chứ không phải tăng thu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mong muốn cơ quan tham mưu soạn thảo nên đánh giá sự cần thiết một cách kỹ lưỡng đến từng loại sản phẩm, không thể đánh giá chung chung. Phải có thời gian cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh nếu như có sự thay đổi luật.
“Thuế là một biện pháp quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chính sách chứ không yếu tố quyết định tất cả, khi ban hành một văn bản pháp luật cần lưu ý việc không làm ảnh hưởng đến việc cạnh tranh lành mạnh của các nhóm doanh nghiệp khác nhau, không được đưa ra sự bất lợi trong việc cạnh tranh giữ các doanh nghiệp”, Ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.
Đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ nay đến 2025
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, ngành đồ uống Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, và gắn liền với những văn hóa; phát triển cùng hội nhập kinh tế, mức sống nâng cao, và du lịch, thương mại.
"Ngành bia đã có đóng góp ngân sách đáng kể. Các doanh nghiệp bia rượu nộp ngân sách khoảng 60 ngàn tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy lùi vấn nạn hàng lậu, hàng giả...", ông Việt nhấn mạnh.
Việc cải cách chính sách thuế cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam đảm bảo phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam, minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi. Đặc biệt, cần hài hòa các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và nên ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi”, Chủ tịch Nguyễn Văn Việt đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ý kiến, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất - tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu, song khi điều chỉnh tăng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu.
Đó là: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; Đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.
“Chúng tôi cho rằng việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ như hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời, Chính phủ đã có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, thì một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam”, Luật sư Quỳnh Anh nói.
Cân nhắc giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu tìm giải pháp cân bằng đối với cung - cầu rượu bia nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế; hiệu quả xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực); nguồn thu ngân sách.
Theo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, hiện nay, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Song, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp mức thuế và phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu ở Việt Nam.
Nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thưc hiện mục tiêu phát triển đất nước đến 2030 và 2045, và các kich bản khác nhau áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối, TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng đến năm 2030, có thể áp dụng phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với bia rượu. Bước đầu ở đây có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc tùy sản phẩm phổ thông hay cao cấp cùng điều chỉnh thuế suất thuế tương đối.
Tương tự, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cũng cho rằng, lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình. Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu ngân sách nhà nước và chi phí quản lý thuế.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống đề xuất cần nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp sau thời gian khoảng 5 năm, trước mắt chưa tăng thuế suất với ngành bia và chưa đưa thức uống đại mạch vào diện chịu đánh thuế.
Tăng cường công tác thực thi pháp luật
Song song với việc ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi phù hợp, để tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ các sản phẩm bia chính thống, các nhà hoạch định chính sách cũng cần rà soát lại các chính sách liên quan cũng như tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với các sản phẩm rượu, bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu, bia giả/nhái, rượu, bia không nhãn mác và nhập lậu. Thực tế trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với nhóm các sản phẩm này tại các địa phương còn lỏng lẻo, mất kiểm soát.
Rượu thủ công dù lưu thông trên thị trường chiếm tới 63% tổng lượng tiêu thụ song nhiều cơ sở chưa tự giác chấp hành thực hiện việc kê khai hoặc đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, không đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, không dán tem mác theo quy định. Rượu, bia giả và nhập lậu qua biên giới vẫn luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà quản lý.
Đây là nhưng vấn đề mà các nhà chính sách, Chính phủ cần tập trung nghiên cứu đồng thời để quản lý hiệu quả hơn nhóm sản phẩm không chính thức này, qua đó góp phần đạt mục tiêu đề ra của chính sách pháp luật đối với ngành đồ uống có cồn, chống thất thu ngân sách, cải thiện được sức khỏe của người dân và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tránh thiệt thòi cho các sản phẩm bia rượu chính thống.
Do vậy, ngoài việc xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thiết nghĩ việc đầu tư vào tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức sử dụng rượu, bia có điều độ; gia tăng mức xử phạt đối với hành vi tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia cũng là những phương án hợp lý cần tính tới. Như vậy sẽ vừa đảm bảo chủ trương nâng cao sức khỏe ngươi dân, vừa đảm Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không tác động quá tiêu cực vào sự phục hồi, hướng tới phát triển của ngành đồ uống có cồn.
Bên cạnh việc xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Quỳnh Anh cũng đề xuất, các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức sử dụng rượu bia, sử dụng có điều độ; gia tăng mức xử phạt đối với hành vi tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia cũng là những phương án hợp lý cần tính tới.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, trong mọi trường hợp, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách khác như hỗ trợ đào tạo, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm giải trình... là có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách, và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực của bia rượu đối với đời sống.