Xuất khẩu sang Chile, Peru tăng mạnh
Thủy sản là một trong những ngành hàng điển hình tận dụng tương đối tốt CPTPP để thúc đẩy XK. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam.
Nhiều nước thành viên trong khối CPTPP đang là các thị trường XK thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia và Mexico. Trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường XK thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay. Trên thực tế, từ năm 2008, Nhật Bản đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan XK sang thị trường này chưa được nhiều. Sau khi CPTPP có hiệu lực, XK sang thị trường Nhật Bản đã có thêm động lực và lợi thế để gia tăng.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP) cho biết, 3 năm qua, điểm rất đáng ghi nhận là XK sang một số thị trường trong khối CPTPP đã có sự bứt phá rất mạnh mẽ, điển hình như Canada, Australia, Chile, Peru.
Nếu như năm 2020, dịch Covid-19 khiến cho XK thủy sản của Việt Nam sang đa số thị trường đều bị sụt giảm, nhất là những thị trường lớn thì XK sang Canada, Chile, Peru, Australia đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Trong đó, XK sang Australia tăng 9%, sang Canada tăng 14%, sang Chile tăng 14% và sang Peru tăng 8%.
Tiếp đó, năm 2021, XK thủy sản sang Australia tăng 17%, sang Canada tăng 15%, sang Mexico tăng tới 54%... Ở góc độ mặt hàng, CPTPP hiện là thị trường XK tôm lớn thứ hai của Việt Nam… “Những kết quả này cho thấy rõ tác động tích cực của Hiệp định CPTPP đối với XK thủy sản sang các nước mà lần đầu tiên có FTA với Việt Nam”, bà Hằng đánh giá.
Về tổng thể tận dụng CPTPP 3 năm qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng rất ấn tượng.
“Khác với khu vực EU là thị trường XK tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là những nước phía châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới và XK của Việt Nam trong thời gian trước khi CPTPP có hiệu lực còn khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi có CPTPP, XK của Việt Nam sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Điều này phản ánh việc các DN đã dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới”, ông Trần Thanh Hải nói.
Đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ
Các FTA, nhất là FTA thế hệ mới như CPTPP được nhận định sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, thúc đẩy XK của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới. Tuy nhiên, trong tận dụng CPTPP vẫn còn không ít thách thức đặt ra.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề: “Vừa qua dù Bộ Công Thương và các hiệp hội đã tuyên truyền rất nhiều về các FTA, song nhận thức của DN về FTA còn hạn chế nhất định. Một cuộc điều tra vừa công bố năm 2021 về Hiệp định CPTPP cho thấy, có tới 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định về CPTPP. Có hiểu biết nhất định có thể hiểu là từ cơ hội đến thực tiễn, từ nhận thức đến hành động còn rất xa, rất thách thức.
Tập trung phân tích sâu vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ trong CPTPP trong 3 năm qua, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, quy tắc xuất xứ của CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi DN có thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất. Do đó, thời gian qua, DN Việt Nam bắt nhịp chưa nhanh. Sự hỗ trợ của cơ quan chức năng còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, việc thể chế “nội luật” quy định CPTPP còn chậm, ảnh hưởng đến cơ hội tham gia thị trường của DN.
“Tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong XK của Việt Nam vào thị trường các nước tham gia CPTPP chưa cao, do DN chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cấu thành sản phẩm để đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan. Điển hình như hàng dệt may, da giày còn hạn chế về công nghiệp phụ trợ. Hàng nông sản, thủy sản đã có cải thiện về chất lượng và an toàn thực phẩm nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng tiêu chuẩn do nước NK đặt ra”, bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả tận dụng CPTPP, giúp hàng Việt thâm nhập tốt hơn thị trường, bà Nguyễn Cẩm Trang đề xuất cần rà soát văn bản liên quan, tạo môi trường thuận lợi cho DN; tăng cường truyền thông xúc tiến thương mại thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không ít chuyên gia kinh tế đáng giá, các DN cần chủ động hơn tìm hiểu cơ hội, cam kết trong CPTPP, đáp ứng tốt quy định về quy tắc xuất xứ, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản. Nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt đầu tư năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên mà còn là “chìa khóa” để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập.
Theo ông Lê Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khác với nhiều FTA khác, CPTPP bao gồm những lĩnh vực cam kết rất mạnh cả về thương mại điện tử, hải quan, các hàng rào kỹ thuật… Việt Nam tham gia CPTPP theo sự đánh giá lợi ích nhiều nhất lại là những lợi ích về cải cách thể chế. Do đó, trong dài hạn với thực thi CPTPP, cần làm thế nào để chuyển được những áp lực từ CPTPP thành quá trình cải cách về thể chế.