Sáng 8/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ quản lý và phát triển dịch vụ quảng cáo
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Dự án Luật có bố cục gồm 03 điều, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Dự án Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Về nội dung cơ bản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.
Trình bày nội dung thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; đồng thời cho rằng hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định.
Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với việc phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo. Đồng thời, đề nghị làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về quảng cáo đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Công an.
Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Về những quy định cụ thể, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo; đồng thời phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Bao quát hết các hoạt động quảng cáo trên mạng
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới, tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 06 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.
Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp.
Về việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn căn cứ, tác động của việc thay đổi quy định cấp giấy phép từ trên 20m2 thành 40m2; nghiên cứu bổ sung quy định cấp giấy phép cho một số loại hình quảng cáo mới (như quảng cáo dạng 3D gắn với công trình xây dựng sẵn có). Đồng thời, tiếp tục rà soát, đối chiếu với Luật Xây dựng và Luật Đường bộ để hạn chế sự mâu thuẫn, chồng chéo, đơn giản hoá thủ tục hành chính.