Trong cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng mới đây, Chủ tịch Tập đoàn CJ Việt Nam Chang Bok Sang nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng sản xuất và xuất khẩu gạo, luôn đứng top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, tiềm năng hạt gạo Việt Nam chưa được khai thác đầy đủ, tối đa hóa giá trị gia tăng cho hạt gạo.
Để khai thác tối đa tiềm năng của hạt gạo Việt Nam cũng như giảm thiểu rủi ro khi việc gia tăng xuất khẩu gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các nước nhập khẩu thì việc tăng giá trị gia tăng của gạo bằng cách chế biến thành các sản phẩm như ngũ cốc, bánh kẹo... hứa hẹn là một bước đi mới mẻ đầy triển vọng.
Trong thời gian qua, Tập đoàn CJ đã có nghiên cứu về chủng loại gạo hạt tròn của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chưa có nghiên cứu nào về chủng loại gạo hạt dài của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Tập đoàn CJ đề xuất ý tưởng hợp tác với Viện Nghiên cứu thực phẩm - Bộ Công Thương tiến hành các nghiên cứu chung nhằm áp dụng công nghệ vào chế biến các sản phẩm từ gạo, tiến tới thành lập một trung tâm nghiên cứu gạo tại Việt Nam.
Việc này nhằm nhanh chóng đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa, có vị thế vững chãi hơn trên thị trường quốc tế trên cơ sở tận dụng kết quả nghiên cứu, áp dụng công nghệ chung của Việt Nam, Hàn Quốc và các hoạt động quảng bá thương hiệu của Tập đoàn CJ.
Bình luận về đề xuất trên của Tập đoàn CJ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao sự chủ động đề xuất giữa Viện Công nghệ thực phẩm và Tập đoàn CJ về định hướng nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm thực phẩm chế biến từ gạo cũng như ý tưởng thành lập trung tâm nghiên cứu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, hạt gạo Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng cao, an toàn và đã xuất khẩu ổn định vào nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Hàng năm, Việt Nam thường xuyên đứng trong top 2 hoặc top 3 các nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới với tổng lượng gạo xuất khẩu lên tới 6-7 triệu tấn. Vì vậy, tiềm năng hạt gạo Việt Nam là rất lớn và ý tưởng của CJ mở ra một hướng hợp tác có ý nghĩa mà Bộ Công Thương rất quan tâm vì nó có thể giúp nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người nông dân.
Do vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi, thống nhất để triển khai cụ thể hơn việc đánh giá tính khả thi của các đề xuất (làm rõ mục tiêu, sự cần thiết, lộ trình, nguồn nhân lực để vận hành, quản lý cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu…) để chuẩn bị bước đầu, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi để trao đổi thông tin, kinh nghiệm từ các dự án hợp tác liên quan trước đó nhằm triển khai việc hợp tác thuận lợi và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng, sẽ sớm thấy các sản phẩm từ gạo Việt Nam có mặt trên toàn thế giới. "Thông qua hợp tác giữa Viện Công nghệ thực phẩm và Tập đoàn CJ, quan hệ hợp tác kinh tế - giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kỳ vọng.
Tập đoàn CJ vào Việt Nam từ năm 1999, với lĩnh vực kinh doanh chính yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi. CJ hiện đã mở rộng danh mục ngành nghề kinh doanh sang mảng chế biến thực phẩm, nông nghiệp, giải trí.
CJ Việt Nam đang nắm vốn tại nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam, trong đó có Cầu Tre, và Minh Đạt....cùng nhiều thương vụ mua bán doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.
CJ còn đầu tư tổ hợp chế biến thực phẩm, gồm một trung tâm nghiên cứu tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) và là chủ đầu tư hệ thống cửa hàng bánh Tour Les Jour tại TP.HCM cũng như xây dựng các nhà máy sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, sản xuất bột mì...