Theo nhận định của các chuyên gia, XK gạo của Việt Nam hiện bị cạnh tranh gay gắt từ các nước XK gạo lớn trên thế giới, như: Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào XK gạo như Campuchia, Myanmar. Các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đã có những định hướng riêng, như: đa dạng nguồn cung cấp; tự cung tự cấp; thậm chí sẽ tham gia XK gạo. Trước thực tế đó, chọn hướng đi mới để phát triển thị trường XK là chiến lược giúp hạt gạo Việt Nam củng cố, phát triển vị thế trên thị trường thế giới.
Đến năm 2030, thặng dư gạo ở Việt Nam có thể đạt từ 6,91-6,97 triệu tấn (ở ĐBSCL khoảng 5,84-6,4 triệu tấn). Theo dự báo của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), gạo được dùng chủ yếu làm thức ăn cho người sẽ có mức cầu tăng rất chậm với tổng mức giao dịch thương mại về gạo toàn cầu chỉ tăng khoảng 1,5% trong giai đoạn 2016-2024. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo của Việt Nam sẽ giảm 10% từ 423 USD/tấn vào năm 2014 xuống còn 380 USD/tấn vào năm 2025.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, khối lượng gạo XK toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 48,1 triệu tấn, tăng 0,21% so với năm 2018. Trong khi đó, khối lượng gạo nhập khẩu toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 45,2 triệu tấn, giảm 1,53% so với năm 2018. Đây là bài toán khó cho các quốc gia XK gạo, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công thương), gạo là mặt hàng có sự biến động rất lớn về giá cả thị trường. Năm 2018, giá trung bình hơn 500 USD/tấn; sang năm 2019 thì giá trung bình giảm xuống đáng kể. Thị trường Trung Quốc siết chất lượng, kiểm tra truy xuất nguồn gốc chính ngạch đã làm sụt giảm mạnh sản lượng và giá trị (giảm 65% về lượng, 67% giá trị trong 8 tháng năm 2019). Hạn ngạch năm nay của Trung Quốc khoảng 5 triệu tấn, nhưng cũng có thể chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn.
“Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. Vì vậy, không còn cách nào khác doanh nghiệp (DN) phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn, truy xuất nguồn gốc. DN trước đây chỉ thu mua mà không xác định lúa ở địa phương nào, nay cần phải quản lý lại để truy xuất nguồn gốc trên từng cánh đồng, đảm bảo an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hải cho biết.
Thị trường XK gạo của Việt Nam dự báo đến năm 2020, châu Á chiếm 60%, châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5%; đến năm 2030, con số tương ứng là 50% - 25% -10% và 6%. Sự chuyển dịch về chủng loại gạo XK cũng được các ngành chức năng và DN chú trọng. Chẳng hạn, năm 2015, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 27,8%; gạo trắng cấp thấp và trung bình chiếm 30,8%; gạo thơm 22,7% trong tổng lượng gạo XK thì đến năm 2019, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 40%; gạo thơm, đặc sản tăng lên mức 30% và không còn XK gạo trắng cấp thấp và trung bình.
Dù vậy, giá trị XK gạo của Việt Nam vẫn không tăng, dù sản lượng XK liên tục tăng trong cả giai đoạn 2016-2018. Gạo Việt đã XK đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn khó đi vào các phân khúc cấp cao, nhất là các sản phẩm chế biến sau gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Để có 1 triệu ha trồng lúa theo mô hình liên kết chuỗi giá trị cánh đồng lớn tại ĐBSCL cần vốn đầu tư khoảng 70.000 tỉ đồng. DN và nông dân không đủ lực để đầu tư, nhưng chúng tôi không cần ưu đãi, chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện để nông dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng”.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, XK gạo có nhiều yếu tố tác động, như: công nghệ, tín dụng, thị trường. Trách nhiệm của Bộ Công thương là hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ cũng đưa người mua đến với thị trường Việt Nam, để tạo niềm tin cho người mua về quy trình sản xuất gạo của Việt Nam. Nhưng để đi vào chuỗi toàn cầu cần sự thay đổi về tư duy sản xuất, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan”.
Thực tế, đầu tư công nghệ cho chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng rất lớn, nhưng tỷ suất đầu tư cao. Để làm được điều này Nhà nước cần hoạch định chính sách vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích DN trong và ngoài nước có tiềm lực lớn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam có thuận lợi lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo bởi các công ty XK công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều nằm trong các nước tham gia các Hiệp định thương mại, như: Mỹ, Nhật Bản, Đức… Ngoài ra, Canada, Australia, Hàn Quốc là nhóm những quốc gia nhập, tiêu thụ dầu gạo hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi gần 15% trong nhiều năm qua đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% lượng cám khô dầu từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất. Vì vậy, chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới không chỉ có hạt gạo, mà cám gạo cũng phải được xem là “chính phẩm” trong chiến lược phát triển của quốc gia, đặc biệt đối với vùng ĐBSCL…
Hơn 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 (gọi tắt là Chiến lược).
Theo đó, Việt Nam sẽ giảm dần XK gạo về số lượng nhưng tăng giá trị XK; chuyển dịch cơ cấu thị trường XK theo hướng bền vững. Theo đó tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ không vượt quá 20% (đến năm 2020) và 10% (đến năm 2030) trong tổng lượng gạo XK. Tỷ lệ gạo XK trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam phấn đấu đạt 20% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2030) trong tổng sản lượng gạo XK.
Về thị trường XK sẽ khai thác khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo thông dụng của các thị trường trọngđiểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo; các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại, đầu tư; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.
Với chiến lược trên cùng với việc triển khai thực hiện chiến lược đồng bộ hiệu quả, ngành lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vững chắc hơn trên thị trường quốc tế.