Với việc đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa bền vững SRP, Lộc Trời hiện là doanh nghiệp đầu tiên tạo được tín chỉ carbon cho cây lúa tại Việt Nam.
Cơ hội của ngành nông nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon
Thị trường tín chỉ carbon được đánh giá rất tiềm năng và là xu hướng tất yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp có khả năng tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon, với con số này, doanh thu thu về từ tín chỉ carbon dự kiến đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Năm 2023, ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10.3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51.5 triệu USD. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng thị trường tín chỉ carbon, “bán không khí - thu tiền thật” để chúng ta tiếp tục vững vàng theo đuổi mục tiêu này.
Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", trong đó có đề ra mục tiêu đến năm 2025, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% và đến năm 2030 là trên 40%.
Quá trình tạo tín chỉ carbon của Lộc Trời
Về mặt kỹ thuật, quá trình tạo tín chỉ carbon của Tập đoàn Lộc Trời không khác biệt gì so với các doanh nghiệp khác. Cơ bản, tín chỉ carbon từ quá trình canh tác lúa được tạo ra trên cơ sở giảm sử dụng nước, tăng số lần mặt ruộng khô trong suốt vụ, giảm phân đạm, xử lý rơm rạ đúng cách.
Về nhân lực, Tập đoàn Lộc Trời có đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp (đội ngũ “3 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm), được đào tạo bài bản về kỹ thuật nông nghiệp và bảo vệ thực vật, có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn đồng ruộng, có mối liên kết chặt chẽ với nông dân vùng nguyên liệu, sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn tiên tiến trong canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Về quy mô triển khai, Tập đoàn Lộc Trời có lợi thế về vùng nguyên liệu rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), liên kết sản xuất và tổ chức thu mua lúa cho nông dân hơn 15 năm. Việc liên kết này đã hình thành khả năng tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc áp dụng công nghệ để giảm ảnh hưởng của canh tác lúa gạo đến môi trường và sức khỏe người lao động.
Cam kết chia sẻ lợi nhuận với nông dân khi tham gia thị trường tín chỉ carbon
Tháng 9/2023, HĐQT Tập đoàn Lộc Trời đã thông qua nghị quyết về chia sẻ lợi nhuận cho nông dân khi gia nhập vào thị trường tín chỉ carbon. Cụ thể, Lộc Trời cam kết toàn bộ nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon, sau khi trừ chi phí đầu tư và chi phí chứng nhận, sẽ thuộc về bà con nông dân. Ngoài ra, Lộc Trời cũng cam kết đóng góp cho nhà nước 30% tín chỉ và chỉ bán 70% số tín chỉ do mình tạo ra.
Nông dân liên kết sản xuất lúa với Lộc Trời đều đạt lợi nhuận cao nhờ vào quy trình canh tác khoa học, các bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng toàn diện, nguồn giống chất lượng cao và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng... Vì vậy, nông dân liên kết sản xuất cùng Lộc Trời luôn có lợi nhuận từ 30 - 50% mỗi vụ; năm 2023 ghi nhận giá lúa đạt kỷ lục, điều này đồng nghĩa lợi nhuận của nông dân cũng đạt kỷ lục. Chính vì vậy, mục tiêu lợi nhuận người trồng lúa đạt 35% năm 2025 và 40% năm 2030 của đề án 1 triệu ha là hoàn toàn khả thi và tối ưu lợi nhuận cho nông dân là một trong những sứ mệnh mà Lộc Trời theo đuổi.
Đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon
Lộc Trời đã thành lập Ban Phát triển bền vững và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu xây dựng các cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải, cũng như thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp “3 cùng”, nghiên cứu/ứng dụng các mô hình canh tác khoa học, phát thải thấp… bởi Lộc Trời hiểu rằng con người là yếu tố then chốt để thay đổi và phát triển, hướng đến mục tiêu chung và sẵn sàng gia nhập thị trường tín chỉ carbon trong tương lai.
Hiện tại, Lộc Trời đủ khả năng tạo ra tín chỉ carbon trên cây lúa. Tập đoàn cũng tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các mô hình canh tác lúa bền vững, bám vào mục tiêu giảm phát thải.
Khi thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam chính thức khởi động và gia nhập với thế giới, năng lực cạnh tranh của Lộc Trời sẽ tăng mạnh. Các đối tác nước ngoài khi đó sẽ đánh giá thông qua nhiều yếu tố, trong đó có khả năng trung hòa carbon của Lộc Trời trước khi bắt tay hợp tác/xuất khẩu.
Song song việc xác lập tín chỉ carbon, Tập đoàn Lộc Trời cũng thực hiện xác nhận nhãn “gạo phát thải thấp” cho các dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ, tạo lợi thế cạnh tranh và đón đầu xu thế đánh thuế carbon đối với mặt hàng nhập khẩu vào các quốc gia này. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất xanh cũng đóng góp đáng kể vào hồ sơ phát triển bền vững của doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc tế.