Theo đó, nhằm thực hiện Đề án số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và Kế hoạch số 339 ngày 10/10/2020 của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc các Bộ: Công Thương, Tài Chính, Thông tin và Truyền thông, Công an tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 của 15 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước tăng tốc mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn chúng ta thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu mới nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỷ USD; năm 2022 thị phần bán lẻ trực tuyến là trên 16 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỷ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, như: Một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. nguồn lực con người, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế.
Tại Hội nghị tập huấn, các chuyên gia đến từ các bộ, ngành trong thực thi pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử như: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã trình bày, chia sẻ một số thông tin trọng tâm như: Tổng quan về thương mại điện tử và xử lý vi phạm liên quan đến thương mại điện tử; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính và Intenert; Các quy định pháp luật và biện pháp phòng, chống hàng xâm phạm Sở hữu trí tuệ trong môi trường số; Quản lý mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong thương mại điện tử (thuốc lá, rượu bia...); Quản lý Thuế và các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử; Thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng.
Hội nghị đã góp phần nâng cao kiến thức về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Từ đó, vận dụng trong công tác chuyên môn, đấu tranh hiệu quả đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.