Năm 1999, tiêu thụ dầu thực vật bình quân thế giới đã đạt 13,3 kg/người. Ngành Dầu thực vật Việt Nam từ một vài cơ sở sản xuất nhỏ năm 1980 đến nay đã phát triển với quy mô khá lớn, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Về mặt xã hội, ngành Dầu thực vật còn tạo nhiều việc làm, bao gồm trồng cây nguyên liệu, sản xuất chế biến và dịch vụ liên quan, trong đó chiếm số lượng đông nhất là lao động sản xuất nông nghiệp trong việc trồng cây nguyên liệu; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xoá đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập, mà trước hết là thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA, sản phẩm dầu thực vật đang đứng trước một thách thức là khả năng cạnh tranh chưa cao, do vậy cần có giải pháp hiệu quả để vượt qua.
I. Đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật
Mặc dù trong những năm qua, ngành chế biến dầu thực vật đã có những bước phát triển khả quan nhưng qua phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật cho thấy, sản phẩm này chưa có sức cạnh tranh cao. Thể hiện ở một số mặt chủ yếu sau:
1.1. Thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế khi hội nhập AFTA sẽ xuất hiện nguy cơ dầu thực vật của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam:
Thực tế, trong những năm vừa qua, sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phầm dầu thực vật tương đối mạnh (thuế suất thuế nhập khẩu 40% cho đến nay, trong khi đó, dầu thô nguyên liệu lại chỉ chịu thuế suất 5%). Do vậy bắt đầu từ giữa năm 2003, khi lộ trình cắt giảm thuế theo CEPT/AFTA có hiệu lực (thuế suất thuế nhập khẩu dầu thực vật giảm dần từ 20% năm 2003-2004 đến 10% năm 2005 và chỉ còn 5% năm 2006), trong khi đó trong khu vực ASEAN lại có Malaixia và Inđônêxia là hai nước sản xuất dầu cọ đứng hàng thứ nhất và thứ hai của thế giới, có sản lượng dầu cọ gấp hàng chục lần so với Việt Nam (Bảng), nên sản phẩm dầu thực vật của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất mạnh trong khu vực.
1.2. Nguồn nguyên liệu vừa thiếu, vừa phân tán với nhiều chủng loại khác nhau trong khi nhiều loại nguyên liệu lại có thể sử dụng đa mục đích:
Nguyên liệu chiếm gần 90% giá thành sản phẩm dầu thực vật, nhưng hiện nay hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu, nguyên liệu trong nước chỉ chiếm khoảng 6,8% (năm 2001). Vùng trồng nguyên liệu phân tán khắp cả nước với nhiều giống cây khác nhau và có hàm lượng dầu trong hạt thấp. Nếu xét về diện tích trồng thì đạt khá lớn (năm 2001 tổng diện tích gieo trồng cây có dầu khoảng 760 nghìn ha, chiếm 8,1% tổng diện tích đất nông nghiệp), nhưng để khai thác và đưa vào sản xuất công nghiệp thì rất khó khăn. Các loại cây lạc, đậu nành, vừng, dừa, ngoài việc ép dầu còn có thể sử dụng để làm thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, do vậy vẫn thường xảy ra tình trạng người nông dân chỉ bán cho các cơ sở chế biến dầu khi giá mua của các cơ sở này cao hơn so với giá bán cho các mục đích sử dụng khác, do vậy đã buộc các nhà sản xuất phải tìm nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Mặt khác, trong thời gian qua, do thuế suất thuế nhập khẩu dầu thô nguyên liệu thấp (5%) nên các nhà đầu tư chưa chú ý công tác phát triển nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng cho cây có dầu. Những khó khăn trên đã khiến cho nguồn nguyên liệu trong nước chưa phát triển, buộc ngành phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, khi giá thị trường quốc tế biến động, sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động của ngành.
1.3. Một số chỉ tiêu định lượng về khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật Việt Nam:
Theo kết quả tính toán của Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hệ số bảo hộ hiệu dụng (ERP) và hệ số chi phí các nguồn lực trong nước (DRC) đều rất cao. ERP = 3,85 là quá cao, thể hiện sản phẩm dầu thực vật được bảo hộ rất mạnh, thông qua mức thuế nhập khẩu đầu vào và đầu ra. Bình quân gia quyền trong 3 năm 1998 - 2000 đánh vào các yếu tố đầu vào là 11,4% trong khi đó đánh vào đầu ra lại cao (35%). DRC = 4,85 có nghĩa là để tạo ra 1 đơn vị giá trị gia tăng theo giá quốc tế thì cần 4,85 đơn vị nguồn lực trong nước. Từ đó cho thấy, sản phẩm dầu thực vật của nước ta hiện nay chưa có khả năng cạnh tranh (ngay cả đối với Philippin, không phải là nước có thế mạnh về sản xuất dầu thực vật).
Về chi phí giá thành, sản phẩm dầu thực vật của Việt Nam cao hơn sản phẩm dầu thực vật của Philippin từ 3,78% đến 34,27%, chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào, trong đó, riêng chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2000, chi phí nguyên liệu của Philippin 368,2 USD/tấn, chiếm 88,2% tổng chi phí giá thành, của Việt Nam là 501,1 USD/tấn chiếm 88,37% tổng chi phí giá thành, các chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác trong giá thành sản phẩm của Việt Nam cũng cao hơn.
II. Đề xuất giải pháp
Với tiềm năng phát triển còn lớn, trong khi khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật chưa cao, cần thiết phải có một nhóm các giải pháp đồng bộ để khắc phục những khó khăn, tận dụng triệt để những lợi thế đã có nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt cần tập trung nguồn lực để giải quyết khâu chủ yếu nhất là phát triển vùng nguyên liệu, yếu tố quyết định đến gần 90% chi phí giá thành. Muốn vậy, cần:
1. Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu:
Thứ nhất, giống cây trồng là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Do đó, ngoài việc đầu tư nghiên cứu tuyển chọn và phục tráng một số giống cây có dầu ở địa phương, Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu cần tập trung nghiên cứu lai tạo và nhập nội các giống cây có dầu mới, đặc biệt với các loại cây trồng ngắn ngày như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương ở các vùng khác nhau để có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng kháng sâu bệnh cao. Đồng thời, triển khai đưa giống cây có dầu mới đã qua khảo nghiệm vào sản xuất đại trà ở các hộ dân, từng bước thay thế các giống cũ của địa phương.
Thứ hai là phải tăng cường công tác đầu tư vào việc thâm canh tăng vụ, đặc biệt là tăng mức đầu tư phân bón và vật tư nông nghiệp, tăng cường áp dụng các kỹ thuật tiến bộ, các quy trình thâm canh tiên tiến vào sản xuất đại trà trong dân.
Thứ ba, phải tiến hành nâng cao trình độ dân trí cho người nông dân để họ tiếp thu các hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến.
Thứ tư, vai trò của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc chỉ đạo sản xuất, khuyến nông, nghiên cứu khoa học, thông tin thị trường, tư vấn đầu tư, cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi...
2. Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.
- Về phân bố một số cây chủ lực: Cây trẩu, cây sở trồng kết hợp với chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống đồi trọc của Chính phủ, vốn đầu tư sẽ được lấy theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Cây đậu tương, lạc, vừng cần khuyến khích nhân dân đưa các giống mới vào áp dụng đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các địa phương tiến hành tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật và phổ biến kinh nghiệm cho bà con nông dân về gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
- Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý về hợp đồng đầu tư, thu mua sản phẩm giữa các doanh nghiệp và các hộ nông dân (theo tinh thần Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng) để các doanh nghiệp có thể đầu tư vốn cho nông dân trồng nguyên liệu cho nhà máy. Có như vậy, các nhà sản xuất, chế biến dầu thực vật sẽ giảm được những bấp bênh về cung nguyên liệu và người nông dân cũng thấy yên tâm khi sản xuất. Ngoài ra, Nhà nước nên hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, xây dựng các mô hình kiểu mẫu về phát triển thâm canh cây có dầu cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng ra.
- Để các vùng nguyên liệu có điều kiện tái sản xuất mở rộng, các nhà máy ép, trích ly dầu thô cần đi trước một bước. Giai đoạn đầu có thể sử dụng nguyên liệu nhập và sử dụng một phần nguyên liệu trong nước như hiện nay đang làm, sau đó từng bước thay thế bằng nguyên liệu trong nước theo từng thời kỳ phát triển vùng nguyên liệu cây có dầu. Có thể bố trí các cơ sở ép, trích ly dầu thô ở gần vùng trồng cây nguyên liệu tập trung lớn như dừa, đậu tương, vừng, lạc hoặc trẩu, sở. Đối với những xưởng ép, trích ly đầu tư mới quy mô lớn, bố trí vệ tinh gần các nhà máy chế biến, tinh luyện gần cảng biển, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, giảm bớt chi phí ban đầu, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh đối với dầu thô nhập ngoại, đặc biệt có thể kết hợp nguyên liệu trong nước lẫn nguyên liệu nhập khẩu.
3. Nhà nước cần có một số chính sách hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện các chính sách này một cách kiên quyết, dứt điểm, tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu dầu thực vật một cách bền vững. Trong đó lưu ý một số vấn đề sau:
- Thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành kinh tế, giữa các tổ chức Nhà nước, giữa các doanh nghiệp với chính quyền và giới khoa học trong việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, xúc tiến phát triển cây có dầu đồng bộ từ nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng giống mới đại trà, áp dụng các phương pháp thâm canh khoa học, tổ chức thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
- Nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học thông qua hiệu quả sản xuất và thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo mối liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
- Thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu sản xuất giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt để giúp nông dân tăng năng suất, tăng thu nhập và hạ giá thành sản phẩm.
- Có chương trình xúc tiến, hỗ trợ nông dân sử dụng giống cây có dầu mới thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân.