EU, đối tác quan trọng của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA luôn khuyến khích và sẵn sàng “cộng điểm” cho quy trình sản xuất "có trách nhiệm", thân thiện với môi trường.
Thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường. Tương tự, Nga và Australia cũng đặt ra nhiều quy định liên quan đến môi trường khắt khe đối với hàng nông lâm thủy sản.
Cụ thể, nông sản nhập khẩu vào thị trường châu Âu buộc phải thỏa mãn các quy định về giới hạn tồn dư tối đa thuốc trừ sâu (MRLs).
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ cũng đòi hỏi chất lượng rau quả nhập khẩu từ các nước (trong đó có Việt Nam) phải vượt qua những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Chương trình Bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ) hay Đạo luật Bảo vệ thực vật (PPA).
Nhật Bản là một trong những nước đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn “xanh” đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.
Các tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Tuy nhiên các tiêu chuẩn chất lượng này được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới WTO, tức là không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước hay nhập khẩu.
Với Thái Lan, một số loại quả như thanh long, nhãn, vải, xoài khi xuất khẩu vào nước này cần phải có giấy chứng nhận về quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh (Pets Risk Analysis - PRA).
Giấy chứng nhận này do Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan) cấp sau khi đã thực hiện việc đánh giá nguy cơ dịch hại theo một quy trình nghiêm ngặt với các tiêu chí về nơi sản xuất, chế biến, hóa chất sử dụng, quá trình xử lý dịch bệnh...
Còn Trung Quốc, trước đây vẫn được coi là thị trường “dễ tính” thì từ 2017 cũng mạnh tay áp dụng tiêu chuẩn “xanh”. Cụ thể, nhóm hàng gây tổn hại tầng ô-zôn gồm 46 dòng thuế đa phần là các hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, hóa chất dùng trong sinh học được quản lý bằng giấy phép nhập khẩu.
Tại Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19", được tổ chức ở Việt Nam, ông Frederick R. Burke - chuyên gia kinh tế, giám đốc Công ty Baker & Mckenzie Việt Nam - cho biết đang có sự thay đổi lớn trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng thế giới hậu dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mô hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp vì thế phải tập trung vào những xu hướng, mô hình kinh doanh mới đang nổi lên như cách làm việc online, dịch chuyển chuỗi cung ứng theo hướng “xanh” hơn.
Trong xu hướng mới này, người dùng đòi hỏi nhiều hơn về trách nhiệm xã hội, sản phẩm thân thiện môi trường.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến nhằm thiết thực bảo vệ môi trường.
Nhưng để làm được điều này, cần có những bộ tiêu chuẩn để doanh nghiệp căn cứ vào đó mà chủ động đầu tư công nghệ sản xuất. Nói cách khác, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải; tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041;
Các nhóm tiêu chuẩn về đô thị thông minh, lưới điện thông minh phục vụ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030…
Trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường, bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp sản phẩm hàng hóa Việt Nam vượt qua các hàng rào kỹ thuật mới của nước ngoài.
Do đó, Việt Nam đặt ra hướng ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến nguyên, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học…