Xuất khẩu đang có xu hướng suy giảm khi doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, cần cấp bách thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu đạt 8% năm 2021. Làm rõ hơn về vấn đề này, mới đây, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Phóng viên: Thưa ông, các tỉnh, thành phố phía Nam là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tỷ USD, việc giãn cách xã hội tại các địa phương này đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất khẩu?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Hiện nay 19 tỉnh, thành phố của vực phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang.
Mặc dù chỉ chiếm 8% diện tích của đất nước và 17% dân số nhưng 8 tỉnh, thành phố này đã đóng góp đến 40% vào giá trị xuất khẩu của cả nước, riêng TP. Hồ Chí Minh là 17%.
Tính trên quy mô 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành này đã đóng góp 45% vào trị giá xuất khẩu cả nước với 79 tỷ USD. Trung bình mỗi ngày kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành phố này tương đương với 9.000 tỷ đồng.
Hiện các tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng nghiêm ngặt Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất để đảm bảo phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp chỉ được phép duy trì hoạt động khi đảm bảo quy tắc “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.
Tuy nhiên, qua thực tế, trong một tháng vừa qua, số lượng các doanh nghiệp có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên là rất ít và số lượng doanh nghiệp dừng áp dụng các biện pháp trên ngày càng giảm do không đủ nguồn lực, kinh phí để duy trì.
Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất trong TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp của thành phố duy trì được sản xuất nhờ áp dụng chế độ này, một con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của thành phố.
Doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu, nguy cơ mất đơn hàng là rất lớn. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong thời gian tới.
Không những vậy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lao động của các doanh nghiệp khi hiện nay, nhiều lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở về địa phương, hoặc do giãn cách xã hội, họ không thể di chuyển. Ngoài thách thức về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp hiện nay còn đang phải đối mặt với sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng, chi phí logistics và chi phí vận tải đường bộ đều tăng…
Phóng viên: Vậy còn ở ngoài Bắc, nhiều doanh nghiệp ở những địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đang trên đà phục hồi, đẩy mạnh sản xuất. Ông đánh giá như nào về khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Và những vướng mắc các doanh nghiệp cần tháo gỡ là gì?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Đối với Bắc Ninh, khi dịch bùng phát mạnh và lan rộng trên địa bàn tỉnh, hoạt động xuất khẩu đã giảm 19% trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, sang tháng 7 khi dịch được kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu so với tháng 6 tăng 53%.
Tương tự, đối với Bắc Giang, hoạt động xuất khẩu sụt giảm 31% khi có dịch và tăng trưởng trở lại trên 90% khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đây là kết quả, là thành quả của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giúp các doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước phục hồi và duy trì đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêm vaccine cho người lao động đang là một khó khăn với rất nhiều các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố. Bởi, trong một môi trường sản xuất, tập trung đông nhân công như vậy tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là khi biến chủng Delta lây lan rất nhanh.
Vì vậy yêu cầu hàng đầu hiện nay là phải triển khai nhanh chóng việc tiêm vaccine cho người lao động, lực lượng vận chuyển và những khâu khác trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Phóng viên: Trong bối cảnh khó khăn này, Bộ Công Thương đã có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng ở phía Nam, Bộ Công Thương đã thành lập "Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp", sau này đổi tên thành "Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp".
Ngay sau đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ liên tục làm việc với các doanh nghiệp, Sở ngành phía Nam để nắm bắt khó khăn và tham mưu cho Bộ cũng như tham mưu với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Vận chuyển hàng hóa thiết yếu; đề xuất tiêm vaccine cho đội ngũ vận chuyển, logistics; đề xuất tạo “luồng xanh” đường thủy trong vận chuyển gạo
Từ Tổ công tác đặc biệt miền Nam, hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung. Các Tổ công tác đang tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, qua đó giúp lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất, đóng góp cho hoạt động xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, tích cực đưa hàng hóa tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Các hoạt động này đã giúp tiêu thụ rất tốt nông sản cho các địa phương: Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La; các tỉnh, thành phố phía Nam…
Phóng viên: Với những thuận lợi và thách thức đan xen, theo ông, kết quả xuất khẩu năm 2021 có thể dự báo theo hướng nào?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Để dự báo về kết quả xuất khẩu của nước ta trong năm 2021 sẽ rất khó bởi phụ thuộc rất lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh. Có thể thấy, hoạt động xuất khẩu của năm 2021 sẽ đứng trước bối cảnh khó khăn khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam đang phải tạm dừng sản xuất, sản lượng xuất khẩu sụt giảm, tác động đến kết quả xuất khẩu nói chung.
Tuy nhiên, tôi tin rằng với tiềm lực, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian vừa qua, cộng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do và uy tín mà doanh nghiệp đã thiết lập được với các bạn hàng, khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi xuất khẩu trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!