6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 316 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng hơn 28%, nhập khẩu tăng hơn 36%.
Mức tăng trưởng 2 con số này được đánh giá là rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Hai nhóm hàng xuất khẩu chính là công nghiệp và nông sản đều tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép đã phục hồi rõ nét.
Mới đây, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm cũng như đưa ra những dự báo về hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm.
Xuất nhập khẩu nửa đầu năm tăng trưởng khá
Phóng viên: 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 316 tỷ USD. Theo ông đây có phải là số liệu lạc quan trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả ở trong và ngoài nước?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 316 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng hơn 28%, nhập khẩu tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Hai nhóm hàng xuất khẩu chính là công nghiệp và nông sản đều tăng trưởng cao, đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng này.
Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, phục vụ cho xuất khẩu cũng gia tăng trong thời gian qua.
Phóng viên: Trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là trong tháng 6, nhóm hàng dệt may, da giày được đánh giá là có sự phục hồi rõ nét, khi có nhiều đơn hàng đến hết năm, ông nhận định như nào về vấn đề này?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Trong năm 2020, ngành dệt may, da giày phải chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi nguồn cung bị đứt gãy trong giai đoạn đầu dịch bùng phát và sau đó là khó khăn về thị trường tiêu thụ, tiếp đến là chịu tác động bởi giá thành vận chuyển.
Bước sang năm 2021, với đà phục hồi của thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực Hoa Kỳ và châu Âu, hiện nay các ngành dệt may, da giày đang phục hồi rõ nét. Theo thông tin từ các Hiệp hội, hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng đến Quý III/2021, thậm chí đủ đơn hàng cho cả năm 2021.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi, dệt may, da giày là những ngành đóng góp tỷ trọng rất lớn vào hoạt động xuất khẩu của cả nước và đặc biệt đây cũng là ngành đang sử dụng rất nhiều lao động, góp phần giải quyết về vấn đề lao động cũng việc nâng cao đời sống kinh tế xã hội của nhiều khu vực, địa phương.
Sẽ sớm xuất siêu trở lại?
Phóng viên: Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá là vậy, thế nhưng nửa đầu năm nay, cả nước lại nhập siêu 1,47 tỷ USD, lần đâu tiên sau thời gian dài luôn duy trì xuất siêu. Con số này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Sau một thời gian dài xuất siêu, ba tháng trở lại đây, chúng ta thấy cán cân thương mại có dấu hiệu nhập siêu nhẹ. Nửa đầu năm, cả nước lại nhập siêu 1,47 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu, con số này chỉ chiếm 1%.
Đây là con số hết sức bình thường, chưa đáng lo ngại, đặc biệt khi nhìn vào các yếu tố để tạo nên mức nhập siêu này.
Cụ thể, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và làm cho xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng.
Thứ hai, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ cũng đang tích cực nhập nguyên liệu về để phục vụ cho những kế hoạch sản xuất từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng.
Thứ ba, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.
Chính những yếu tố này đã góp phần tạo ra sự chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Vì chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố như giá hay việc tăng nhập khẩu nguyên liệu có tính chất là tạm thời trong một giai đoạn nhất định. Qua giai đoạn này, chúng ta có thể duy trì được cán cân thuơng mại và có thể trở lại xuất siêu.
Phóng viên: Theo ông, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có những triển vọng nào?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: 6 tháng đầu năm, cả nước chịu tác động bởi hai làn sóng Covid-19. Đầu tiên là ở phía Bắc, Hải Dương là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, và hiện nay, dịch đang bùng phát mạnh tại miền Nam, ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Dịch bệnh đều tác động mạnh vào các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, chúng ta hãy tin, đợt dịch này có thể sẽ được khống chế sau khoảng một, hai tháng nữa.
Điều đáng mừng nhất, qua các làn sóng Covid-19, mặc dù bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua.
Cũng qua các làn sóng Covid-19, khả năng thích ứng cũng như khả năng dự báo được tình hình là yếu tố quan trọng cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho giai đoạn mới, thời kỳ phát triển mới thì cả doanh nghiệp, cả các hiệp hội, những cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có những thay đổi tương ứng để chúng ta lường trước được những vấn đề có thể phát sinh, những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế, đối với từng doanh nghiệp. Qua đó đề xuất phương án và kịch bản cụ thể.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu luôn luôn phải song hành gắn với mục tiêu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa không để dịch bệnh lây lan nhưng vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, trong đó có hoạt động xuất khẩu.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, trước hết, cần đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin; đẩy mạnh công tác khoanh vùng, truy vết, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đây là điều kiện tiên quyết, hàng đầu để giữ môi trường sản xuất ổn định, tạo điều kiện cho các nhà máy có thể duy trì sản xuất.
Thứ hai, cần tạo thuận lợi cho thương mại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng, bởi, trong điều kiện dịch bệnh phải hạn chế về giao lưu, hạn chế tiếp xúc thì hoạt động xúc tiến thương trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!.