Mặc dù Việt Nam và Thụy Điển đã có quan hệ thương mại từ lâu, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn và chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác song phương. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến khó lường và kéo dài khiến Hiệp định EVFTA chưa phát huy được tác dụng như kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 362,1 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 270,55 triệu USD, giảm 7,5%; nhập khẩu đạt 91,55 triệu USD, tăng 8,3%; Việt Nam xuất siêu sang Thụy Điển 181,2 triệu USD, giảm so với mức 207,9 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Điển quý I/2021 giảm mạnh hơn so với mức giảm kim ngạch xuất khẩu của 5 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2020 chủ yếu do xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng gồm: hàng dệt may, giày dép, túi xách, vali, mũ, ô dù, thủy sản... sang thị trường Thụy Điển trong quý I/2021 tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy hầu hết các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa khai thác thị trường Thụy Điển. Cho đến nay, trong nhóm hàng nông sản, mới chỉ có mặt hàng cao su xuất hiện trên bảng số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhưng với lượng và kim ngạch xuất khẩu rất khiêm tốn.
Dự báo, trong các tháng tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Thụy Điển sẽ dần phục hồi, đặc biệt là đối với các mặt hàng công nghiệp như giày dép, may mặc khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng lên nhờ kinh tế phục hồi rõ nét hơn. Trong các tháng đầu năm 2021, kinh tế Thụy Điển đã có dấu hiệu phục hồi sau khi suy thoái vào cuối năm 2020.
Theo đó, chỉ số niềm tin kinh tế của Thụy Điển trong tháng 3/2021 ở mức 105,3, tăng từ mức 103,8 của tháng 2/2021 và tháng có chỉ số niềm tin kinh tế khả quan nhất kể từ tháng 4/2019. Chỉ số niềm tin kinh tế của Thụy Điển tăng trong tháng 3/2021 do các chỉ số cho các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ tăng.
Trong khi đó, chỉ số phụ niềm tin người tiêu dùng không thay đổi so với tháng 2/2021, ở mức 97,1 vào tháng 3/2021. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Thụy Điển (NIER), kinh tế Thụy Điển được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II/2021.
Trong quý III/2021, khi hầu hết tất cả người lớn đã được tiêm vắc-xin và tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn, tiêu dùng hộ gia đình sẽ tăng nhanh và kinh tế nước này sẽ có bước chuyển mình rõ ràng hơn.
Trong dài hạn, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thụy Điển vẫn còn tiềm năng khi thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nhập khẩu của nước này.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện nay chỉ có mặt hàng thủ công nghệ bằng mây, tre, lá của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Thụy Điển, khoảng 40%; tỷ trọng mặt hàng giày dép các loại cao thứ 2 cũng chỉ chiếm khoảng 6%; các mặt hàng khác chỉ chiếm tỷ trọng dưới 2%.
Do đó, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa của Thụy Điển phục hồi, với những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, hàng hóa của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này.
Về nhập khẩu: Quý I/2021 nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Thụy Điển phục hồi mạnh sau khi giảm trong 5 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2020 chủ yếu do nhập khẩu các mặt hàng chủ lực tăng mạnh như: nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 85,8%; nhập khẩu dược phẩm tăng 25,5%; nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 236,1%... Trong khi nhập khẩu giấy các loại giảm 26,9% về lượng và giảm 22,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu sản phẩm hóa chất giảm 11,6%; nhập khẩu sắt thép các loại giảm 50,7% về lượng và giảm 43,4% về kim ngạch...
Nhìn chung, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Thụy Điển chủ yếu là các mặt hàng phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị và nguyên liệu.