Việc quy hoạch này có thể dẫn đến sự chuyển đổi 4,3 triệu ha đất trồng lúa của Thái Lan, tương đương 38% diện tích trồng lúa hiện tại của nước này, sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp hơn như mía đường trong vòng 3 năm tới đây.
Theo quy hoạch nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan đã phân vùng được hơn 24 triệu ha đất trên tổng số đất nông nghiệp của Thái Lan, dựa trên các yếu tố địa lý, năng suất cây trồng, hoạt động kinh doanh nông nghiệp địa phương, chi phí vận chuyển, hệ thống thủy lợi nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và kiểm soát việc sản xuất dư thừa đối với một số loại nông sản. Việc quy hoạch cũng được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ Thái Lan giảm thiểu thiệt hại tài chính do chương trình trợ giá thu mua lúa gạo gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã xác định được khoảng 4,3 triệu ha đất không phù hợp với canh tác lúa.
Trong tuần này, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan đã thúc giục nông dân tại tỉnh Buriram chuyển đổi khoảng 48.000 ha đất từ canh tác lúa sang trồng mía đường do có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và sự xuất hiện của các nhà máy mía đường trong khu vực lân cận.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Thái Lan hiện sản xuất được khoảng 21 triệu tấn gạo trên 11,1 triệu ha đất. Tổng mức tiêu thụ gạo của Thái Lan ước đạt khoảng 10,6 triệu tấn. Năng suất lúa trung bình trên 1 ha của Thái Lan chỉ đạt 2,87 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu: trên 4 tấn/ha.
Kể từ tháng 10/2011, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình trợ giá thu mua lúa gạo từ nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, mức giá gạo cao đã khiến lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm mạnh, từ mức khoảng 10,6 triệu tấn trong năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 7 triệu tấn trong năm 2012; đồng thời tạo nên một lượng lớn gạo tồn trữ trong kho của Chính phủ Thái Lan. Hiện số gạo tồn trữ của Chính phủ Thái Lan ước đạt khoảng 15 triệu tấn.