Thái Lan phản bác nhận định của IMF về chương trình trợ giá thu mua lúa gạo

Việc Chính phủ Thái Lan tiếp tục thực hiện chương trình trợ giá thu mua gạo trị giá 21 tỷ USD của mình đã khiến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo, kêu gọi Thái Lan chấm dứt sự can thiệp vào th

Vào ngày 12/11, trong bản đánh giá hàng năm đối với nền kinh tế Thái Lan, IMF cho biết các khoản thiệt hại tài chính do chương trình trợ giá lúa gạo của Thái Lan gây ra sẽ vẫn tiếp tục tăng lên nếu như Chính phủ Thái Lan không thay đổi chính sách.

Chương trình trợ giá thu mua lúa gạo vốn là một chính sách trọng tâm đối với Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhằm giành được số phiếu bầu từ các vùng nông thôn Thái Lan. Theo ước tính của Chính phủ Thái Lan, trong giai đoạn 2011/12, Chương trình Trợ giá Lúa gạo đã gây thiệt hại tài chính khoảng 136,9 tỷ Baht (4,2 tỷ USD).

Trong bản báo cáo của mình, IMF đã nói rằng: “Với cam kết mua lúa gạo vào cao hơn khoảng 40% giá thị trường, việc thua lỗ là điều mà Chính phủ Thái Lan không thể tránh khỏi nếu vẫn cứ tiếp tục chương trình này. Chính phủ Thái Lan đã cam kết chi 410 tỷ Baht (13 tỷ USD) cho việc quay vòng vốn để thực hiện chương trình, tuy nhiên vẫn chưa biết được mức tổn thất là bao nhiêu trong mức quỹ này.”

Trong hai năm vừa qua, giá gạo trên toàn cầu đã liên tục sụt giảm, một phần do Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu gạo vào tháng 9/2011 và mức sản lượng gạo tăng cao tại các quốc gia nhập khẩu gạo. Chỉ số giá gạo của FAO trong năm 2011 đạt 251 điểm, nhưng đã giảm khoảng 5% xuống còn 240 điểm trong năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 239 điểm trong năm 2013 (từ tháng 1 – tháng 9/2013). Giá gạo trắng 5% tấm Thái Lan đã sụt giảm 25% trong năm nay xuống còn 439 USD/tấn và chạm mức 432 USD/tấn trong tháng 10/2013 – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2008. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan mua gạo từ nông dân với giá tối đa 15.000 baht (474 USD)/tấn.

Phản bác của Thái Lan

Tuy nhiên, ngay sau đó, vào ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan ông Kittiratt Na-Ranong đã phát biểu: “Chính phủ (Thái Lan) có các cách riêng để giúp đỡ những người nông dân. Chúng tôi đã lắng nghe những quan điểm khác nhau nhưng IMF cần phải hiểu rõ tình hình trước khi đưa ra những lời phê bình chỉ mang tính lý thuyết”. Ông Kittiratt Na-Ranong cũng cho biết thêm là ông chưa đọc bản báo cáo của IMF.

Cũng trong ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan ông Yanyong Phuangrach đã nói rằng: “Chúng ta (Thái Lan) không thể chỉ nhìn vào một mặt của chương trình, vốn đang tạo ra một gánh nặng tài chính. Chương trình này đã thực sự giúp giảm số nợ cho nông dân và thúc đẩy tiêu thụ nội địa Thái Lan.”

Thậm chí, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan ông Niwatthumrong Boonsongpaisan còn cho rằng chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan có thể tiếp tục vô thời hạn vì chương trình này cải thiện đời sống của người nông dân trồng lúa tại Thái Lan. Ông nhận xét các khoản thiệt hại tài chính là một “giá nhỏ” để giúp cải thiện đời sống của khoảng 4,5 triệu hộ gia đình nông dân tại Thái Lan.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, tổng thiệt hại tài chính do chương trình trợ giá thu mua lúa gạo là khoảng 120 tỷ Baht (gần 4 tỷ USD) mỗi năm và Chính phủ Thái Lan có những phương án để duy trì chương trình vô thời hạn hoặc cho đến khi những người nông dân trồng lúa tìm ra loại cây trồng khác phù hợp thay thế lúa. Tuy nhiên theo cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Thái Lan ông Pridiyathorn Devakula, ước tính mức thiệt hại trong 2 năm qua lên tới 425 tỷ Baht.

Sự quan ngại

Chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Thái Lan đã kéo theo sự quan ngại từ các nước khác. Vào đầu năm nay, một Ủy ban đại diện cho các thành viên thuộc Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đã yêu cầu thêm thông tin về chương trình này sau khi một số nước như: Mỹ, Châu Âu, Australia, và Canada đặt ra câu hỏi liệu Thái Lan đã vi phạm giới hạn hỗ trợ trong nước chưa.

Vào tháng 9/2013, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo những tổn thất tài chính nói trên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến muc tiêu cân bằng ngân sách của Thái Lan tới năm 2017 và tình hình nợ công của nước này. Theo đánh giá của Moody's, thiệt hại tài chính của chương trình thế chấp lúa gạo trong niên vụ 2011/12 là 200 tỷ Baht tương đương với 8% ngân sách của Thái Lan

Theo báo cáo của IMF, Chính phủ Thái Lan nên thay thế chương trình trợ giá thu mua lúa gạo bằng các khoản hỗ trợ từ ngân sách dành cho các hộ nông dân có thu nhập thấp. IMF cũng cho biết việc thiếu dữ liệu về chương trình thu mua lúa gạo đã làm giảm sự tín nhiệm đối với tình hình tài chính công của Thái Lan.