TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu về thực trạng quy định pháp luật Việt Nam và thực tiễn thi hành thẩm quyền giám sát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Giám sát, vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu.
1. Khái quát về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt Nam
Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp mà không có sự phân biệt nguồn gốc sở hữu. Cụ thể theo Luật Doanh nghiệp 2005, toàn bộ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã phải tiến hành chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần1. Về cơ bản, hoạt động đầu tư vốn và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước không có ngoại lệ hay ưu đãi gì khác biệt so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, do những đặc thù về địa vị kinh tế dẫn đến yêu cầu phải xây dựng hệ thống văn bản pháp luật áp dụng riêng cho doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các vấn đề tổ chức bộ máy; quản lý, sử dụng vốn nhà nước cũng như quy chế về giám sát tài chính. Từ năm 2014, các quy định của pháp luật Việt Nam về đại diện chủ sở hữu (CSH) nhà nước đối với vốn, tài sản trong các tổ chức kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đã có những cải cách tiến bộ. Mô hình đại diện CSH nhà nước đang dần chuyển biến từ phân tán sang tập trung, tiệm cận với các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp có vốn nhà nước trên thế giới.
Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định: “Cơ quan đại diện CSH là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”2. Cơ quan đại diện CSH thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định.
Theo Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước, ở Việt Nam hiện nay có 3 loại hình cơ quan đại diện CSH bao gồm: Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (viết tắt là CMSC); Bộ, UBND cấp tỉnh và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)3. Đối chiếu với các mô hình đang tồn tại và áp dụng trên thế giới, mô hình đại diện CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam đang vận hành có sự kết hợp giữa mô hình phân tán và mô hình tập trung. Điều này được thể hiện ở cơ chế sở hữu và quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa có sự phân cấp quản lý cho các Bộ, cơ quan quản lý ngành vừa giao cho tổ chức chuyên trách, bao gồm SCIC và CMSC thực hiện.
2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về thẩm quyền giám sát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu
Thẩm quyền giám sát của cơ quan đại diện CSH được quy định tại Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. Theo đó, cơ quan đại diện CSH thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các thẩm quyền: Cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát hiện trong quá trình giám sát; Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị, cảnh báo của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán. Cơ quan đại diện CSH có thể xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh việc giám sát sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo cơ chế thống nhất áp dụng cho cơ quan đại diện CSH thì sự không giống nhau về địa vị pháp lý dẫn đến cách thức và đối tượng giám sát của các cơ quan đại diện CSH cũng có những đặc thù nhất định.
2.1. Thẩm quyền giám sát của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh
Bộ, UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện CSH đối với hai nhóm đối tượng: Một là, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về CMSC và SCIC theo quy định của pháp luật; Hai là, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về CMSC và SCIC trong thời gian chưa chuyển giao.
Trong mối quan hệ với doanh nghiệp thì Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND cấp tỉnh vừa là cơ quan đại diện CSH nhà nước đồng thời cũng là các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Ở góc độ CSH, các Bộ, UBND cấp tỉnh có quyền quyết định đầu tư vốn; phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm, chuyển nhượng vốn. Đại diện CSH cũng có quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nói chung. Đồng thời các Bộ, ngành, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đại diện CSH tham gia vào quá trình quản lý, giám sát các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, việc áp dụng mô hình này đã phân tán vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND trong việc quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Nhiều cơ quan nhà nước còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt chính xác và kịp thời thông tin về vốn và tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, với mô hình phân tán, việc thực hiện chức năng quyền CSH chưa được tách bạch rõ ràng với chức năng quản lý hành chính của nhà nước. Các cơ quan quản lý hành chính đồng thời là đại diện CSH đối với doanh nghiệp dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu khách quan, minh bạch trong quá trình quản lý.
2.2. Thẩm quyền giám sát của SCIC
SCIC là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được giao quyền quản lý, giám sát, sử dụng có hiệu quả phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp.
SCIC được thành lập dựa trên mô hình doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước đã được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước này được hoạt động như một doanh nghiệp thông thường với mục tiêu đảm bảo tính hiệu quả, lợi nhuận trong đầu tư nguồn vốn nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ quản trị, kinh doanh của các doanh nghiệp khác để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Đây là mô hình quản lý vốn nhà nước có tính kinh doanh thuần túy nhất, có sự độc lập tương đối với các mục tiêu chính trị và hoạt động của Chính phủ4.
Chính thức hoạt động từ tháng 8/2006 với vốn điều lệ ban đầu là 5.000 tỷ đồng, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Kể từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 DN với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng và thực hiện thoái vốn thành công tại gần 1.000 DN (theo báo cáo đến ngày 30/6/2019) thu về 47.200 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn. Theo số liệu báo cáo ngày 31/12/2017, SCIC đang quản lý 147 DN là tập đoàn, tổng công ty, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh với tổng số vốn điều lệ 95.860 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 19.466,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20%5.
Song song với việc tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện CSH vốn nhà nước, SCIC cũng thiết lập cơ chế thực hiện quản lý và giám sát vốn tại các doanh nghiệp do SCIC là đại diện CSH. Cơ chế được SCIC sử dụng hiện nay là trực tiếp quản lý hoặc thông qua hệ thống người đại diện. Trong trường hợp SCIC quản lý và giám sát vốn thông qua người đại diện, có 2 hình thức lựa chọn là cử người đại diện hoặc ủy quyền người đại diện. Như vậy, việc SCIC giám sát hoạt động sử dụng vốn đối với doanh nghiệp mà mình tiếp nhận thông qua việc thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện tại doanh nghiệp đó, nếu người đại diện đó không trung thực, mẫn cán trong công việc SCIC sẽ gặp khó khăn trong quản lý và giám sát vốn tại doanh nghiệp.
Vai trò giám sát vốn nhà nước của SCIC được thể hiện ở quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp này trong việc quyết định đầu tư, thay đổi, chuyển nhượng vốn điều lệ; quyết định các dự án đầu tư; quy định chế độ tài chính, phân phối lợi nhuận; giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát vốn nhà nước của SCIC với tư cách là cơ quan đại diện CSH vốn nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định. So với kỳ vọng ban đầu khi thành lập, SCIC chưa thực hiện đầy đủ chức năng đại diện CSH mà chủ yếu là thực hiện thoái vốn, bán vốn nhà nước; chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển vào những ngành, lĩnh vực có tính chiến lược, dẫn dắt và lan tỏa cho nền kinh tế; hiệu quả kinh doanh vốn hàng năm thấp, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế bình quân thấp so với tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản được giao quản lý. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế này là do vị trí pháp lý và chính trị của SCIC thấp hơn nhiều so với các Bộ, ngành khác. Chính vì vậy, tình trạng các Bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh chậm chuyển giao các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý sang SCIC vẫn kéo dài mà chưa có biện pháp khắc phục.
2.3. Thẩm quyền giám sát của CMSC
Việc thành lập CMSC, một cơ quan trực thuộc Chính phủ, không có chức năng quản lý nhà nước, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý nghĩa khắc phục các tồn tại, hạn chế của SCIC. Về vị trí pháp lý, CMSC là cơ quan thuộc Chính phủ, được thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Như vậy, so với SCIC, CMSC có vị trí pháp lý, chính trị cao hơn bởi là một cơ quan trực thuộc Chính phủ, ngoài sử dụng công cụ quản lý của chủ sở hữu, cổ đông, CMSC có thể sử dụng các biện pháp hành chính để điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế được giao quản lý nhằm đảm bảo tính định hướng, dẫn dắt nền kinh tế. Bên cạnh đó, CMSC chỉ thực hiện vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn, không có chức năng điều tiết thị trường và tách khỏi các bộ quản lý ngành nên không có sự can thiệp và lợi ích của các Bộ chuyên ngành, do đó đảm bảo không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Hoạt động quản lý, giám sát vốn nhà nước của CMSC được thực hiện theo thẩm quyền của đại diện CSH vốn nhà nước. Đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn, CMSC có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp; phê duyệt để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài; quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư. Đồng thời, CMSC cũng giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đối với phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp khác, CMSC thực hiện hoạt động quản lý, giám sát trực tiếp qua quyền quyết định việc đầu tư tăng, giảm vốn đầu tư; giám sát việc thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời, giám sát gián tiếp thông qua hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. CMSC có quyền yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện những nhiệm vụ về quản lý, sử dụng vốn nhà nước; có ý kiến kịp thời bằng văn bản đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến; thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có 19 Tập đoàn và Tổng công ty do các Bộ làm đại diện chủ sở hữu đã được bàn giao thành công6. Sau tiếp nhận, Ủy ban đảm bảo cho sự hoạt động của 19 tập đoàn, Tổng công ty không bị xáo trộn, cơ bản ổn định và tập hợp được những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển giao này. Tổng kết báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về CMSC đạt trên 1 triệu tỷ đồng, với tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng7.
Việc thành lập CMSC và yêu cầu chuyển giao quyền đại diện CSH doanh nghiệp từ các Bộ, ngành quản lý, UBND cấp tỉnh về cho CMSC cho thấy sự cải cách mạnh mẽ của Nhà nước theo xu hướng chuyển dần từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung trong quản trị doanh nghiệp có vốn nhà nước nói chung và quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nói riêng. Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban là một sự thay đổi lớn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện CSH vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện CSH chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ. Đồng thời, tách bạch chức năng đại diện CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, qua phân tích về thẩm quyền giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp của cơ quan đại diện CSH nhà nước ở Việt Nam cho thấy vẫn còn những hạn chế điển hình.
Thứ nhất, mô hình giám sát vốn nhà nước vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo quy định hiện nay, một số Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh vừa có quyền sở hữu của cơ quan đại diện CSH, vừa có quyền quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Quy định này gây nên tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động giám sát khi không có đầu mối tập trung xem xét, đánh giá hiệu quả quản lý vốn của các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, do các Bộ vừa là CSH vừa thực hiện chức năng giám sát nên mỗi Bộ lại ban hành quy chế giám sát riêng cho các doanh nghiệp của mình. Điều này đã làm giảm tính đồng bộ trong giám sát doanh nghiệp có vốn nhà nước, gây ra tình trạng các DNNN có sự tương đồng về quy mô và lĩnh vực hoạt động nhưng được áp dụng hình thức, quy chuẩn giám sát khác nhau, đánh giá hiệu quả hoạt động cũng khác nhau.
Thứ hai, có sự chồng chéo về thẩm quyền giám sát của của các cơ quan đại diện CSH. Cụ thể, CMSC là đại diện CSH của 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả SCIC) do các Bộ, ngành chuyển giao. SCIC lại là đại diện CSH của các doanh nghiệp còn lại (không thuộc danh mục tiếp nhận của CMSC) do các Bộ, UBND chuyển giao. Như vậy, đang tồn tại một quan hệ đặc biệt giữa CMSC với SCIC và các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện CSH. Những doanh nghiệp này có thuộc thẩm quyền giám sát của CMSC hay không và nếu có điểm chồng chéo ở đây là có đến hai tổ chức cùng thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp, dù quy mô và phạm vi quản lý có khác nhau. Thẩm quyền giám sát của CMSC đối với doanh nghiệp đó SCIC làm đại diện CSH được thực hiện với tư cách nào thì pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giám sát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu
Về tổng thể, việc hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình giám sát cần được tiến hành dựa trên chủ trương xóa bỏ mô hình giám sát phân tán; tập trung quyền giám sát gắn liền với quyền sở hữu, tăng cường giám sát sử dụng vốn của cơ quan đại diện CSH và giám sát nội bộ của doanh nghiệp; cần bổ sung giám sát của các chủ thể độc lập từ bên ngoài nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch của kết quả giám sát. Do đó, để xây dựng mô hình giám sát tập trung, có hiệu quả, khách quan thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành như sau:
Một là, cần sớm xóa bỏ mô hình phân tán trong sở hữu và quản lý vốn của các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng cường giám sát của cơ quan đại diện CSH theo hướng tập trung sở hữu gắn liền với trách nhiệm
Chủ trương tách chức năng CSH tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, sớm xóa bỏ chức năng đại diện CSH nhà nước của các Bộ, UBND tại các doanh nghiệp đã được thể hiện tại các văn kiện cả Đảng và Nhà nước thể hóa bằng các quy định cụ thể, đặc biệt là văn bản về việc thành lập cơ quan đại diện CSH chuyên trách. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cơ quan đại diện CSH vốn nhà nước đối với một số doanh nghiệp đặc thù (an ninh quốc phòng, công ích xã hội,...). Bên cạnh đó, việc tồn tại của quy định này cũng gây ra tình trạng các Bộ chủ quản, các chính quyền địa phương chậm chuyển giao các doanh nghiệp về cơ quan chuyên trách. Do đó, cần tiếp tục ban hành các quy định pháp luật xóa bỏ mô hình Bộ, ngành chủ quản, trong bối cảnh đã thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý vốn nhằm tránh sự chồng chéo trong chức năng quản lý.
Hai là, các quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền phối hợp giám sát giữa các Bộ với cơ quan đại diện CSH cũng cần phải sửa đổi để hạn chế tình trạng có quá nhiều đầu mối cùng giám sát một doanh nghiệp, trong khi nội dung giám sát lại bị chia cắt về nhiều cơ quan. Các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 cần phải quy định rõ cơ quan đại diện CSH chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện chức năng giám sát.
Về triển khai giám sát, cơ quan đại diện CSH có thể mời tham gia hoặc tham khảo ý kiến của các Bộ có liên quan nhưng cơ quan đại diện CSH phải chịu trách nhiệm cuối cùng về việc giám sát. Vì vậy, không nên quy định “cứng” về trách nhiệm của các Bộ trong việc phối hợp giám sát sử dụng vốn nhà nước như trong một số Điều lệ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhằm tránh sự phân tán về đầu mối giám sát.
Ba là, để giải quyết sự chồng chéo về thẩm quyền đại diện CSH của CMSC và SCIC theo định hướng xây dựng mô hình CSH tập trung thì cần tiến tới thống nhất chỉ còn một cơ quan đại diện là CMSC. Điều này đồng nghĩa với việc phải sửa đổi các quy định hiện hành về chuyển giao doanh nghiệp từ các Bộ, ngành về SCIC. Thay vào đó, không nên có sự phân tách doanh nghiệp nào thì chuyển về CMSC, còn các doanh nghiệp còn lại thì chuyển về SCIC mà việc chuyển giao cần tập trung về một đầu mối là CMSC theo đúng mục đích thành lập cơ quan chuyên trách này. Như vậy, SCIC không còn chức năng đại diện CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà chỉ tập trung vào hoạt động chính là đầu tư, sắp xếp, kinh doanh vốn nhà nước ở các doanh nghiệp. SCIC chính là nhà đầu tư của các doanh nghiệp này và thực hiện giám sát với tư cách là chủ thể của thị trường chứ không phải chủ thể hành chính. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động của SCIC theo hướng mở rộng thẩm quyền, nâng cao tính tự chủ và độc lập trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Các Nghị định quy định về Điều lệ của SCIC cũng cần phải sửa đổi và ban hành mới trong bối cảnh SCIC đã được chuyển giao về CMSC.
Bốn là, hoàn thiện vai trò pháp lý về CMSC với mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất của CMSC là thay mặt Nhà nước sở hữu và giám sát khối tài sản, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà không phải cơ quan sử dụng vốn. Đồng thời, trong quan hệ với doanh nghiệp, CMSC cần phải được xem là một nhà đầu tư chứ không phải là một cơ quan quản lý nhà nước - như tên gọi của nó. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thẩm quyền và nhiệm vụ của CMSC hiện nay đang chú trọng về nội dung thực thi quyền đại diện CSH mà chưa có sự tập trung và cụ thể về cơ chế giám sát sử dụng vốn nhà nước. Do đó, trong thiết kế khuôn khổ pháp lý cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền, nội dung và phương thức giám sát vốn của CMSC tương xứng với vị trí, vai trò và mục tiêu hoạt động của cơ quan này.
Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm giám sát của cơ quan đại diện CSH, cần ban hành các quy định về làm rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH trong việc phê duyệt các dự án, phương án kém hiệu quả, thua lỗ, gây thất thoát vốn nhà nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 166, Luật Doanh nghiệp 2005
2 Khoản 3, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014
3 Điều 4 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước
6 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu vốn, gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nghị quyết số 12/NQ-TW của Hội nghị TW5 ngày 3/6/2017.
- Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
- Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Các website:
https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/ai-du-tieu-chuan-vao-sieu-uy-ban-3328028/
THE AUTHORITY TO SUPERVISE STATE CAPITAL INVESTED IN AN ENTERPRISE BY THE OWNERS’ REPRESENTATIVE AGENCIES UNDER THE CURRENT LAW OF VIETNAM
MA. HO THI HAI
Department of Law, Vinh University
ABSTRACT:
The paper aims to research the current situation of Vietnamese law provisions and practice of the authority to supervise the state capital invested in enterprises by the owners’ representative agencies. On that basis, the paper proposes some solutions to improve the law on supervisory competence of the representative agency of state capital at enterprises in Vietnam today.
Keywords: Supervision, state capital, owners' representative agencies.