Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng, chỉ đạo phát triển hạ tầng thương mại trong nước nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối một cách hiệu quả, đảm bảo thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến đến lưu thông, tiêu dùng.
Trong đó quan trọng nhất là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics... Nhà nước cũng khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong đó chú trọng tới các khu vực nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hoặc một số loại hình cụ thể như siêu thị, trung tâm thương mại ở các vùng đô thị.
Từ đó, hạ tầng thương mại đã được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập. Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn .
Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống hạ tầng thương mại nói chung gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua.
Các chuỗi bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang hiện diện tại Việt Nam đều phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua về doanh thu cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh các chuỗi bán lẻ FDI tại Việt Nam đang kinh doanh tốt và có kế hoạch đầu tư phát triển như MM Mega Market (Metro cũ:19), Big C (36), Lotte Mart (14), Takashimaya (01), Aeon (4)... Các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Đáng ghi nhận là sự phát triển nhanh với quy mô lớn của một số doanh nghiệp trong nước như Saigon Co.op, Hapro, Satra, Vingroup (đến nay, Saigon Co.op đã mở được hơn 800 siêu thị trên toàn quốc, Vingroup mở được hơn 2500 điểm bán; Bách hóa xanh với hơn 700 điểm bán…). Năm 2022, Saigon Co.op đạt danh hiệu “Top 10 thương hiệu nổi tiếng hàng đầu năm 2022” do Viện Kinh tế và Văn hóa kết hợp với Trung tâm Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức. Ngoài ra, ứng dụng trên thiết bị di động của Saigon Co.op cũng đạt “Top 10 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2022”
Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, có tốc độ tăng bình quân 25%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân lưu chuyển hàng hóa bán lẻ chung của cả nước (xấp xỉ 21%/năm). Chính vì thế khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã kịp thời “kích hoạt”, nhanh chóng gia tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường, đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương.
Đây là những yếu tố căn bản giúp hạ tầng thương mại “gánh” mọi nhu cầu lưu thông hàng hóa, ngay cả trong cao điểm giãn cách xã hội.
Mặc dù vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát triển hạ tầng thương mại vẫn là một giải pháp trọng tâm của năm 2023 và trong những năm tới. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại. Hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, theo đó tập trung tháo gỡ một số nút thắt về nguồn vốn cho các đối tượng được ưu tiên đầu tư theo quy định, góp phần tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư phát triển mạng lưới chợ.
Cùng với đó, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai nội dung nhiệm vụ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chợ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua việc phối hợp với các địa phương triển khai, nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm và triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Triển khai các đề án, nhiệm vụ trong khuôn khổ Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 -2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021của Thủ tướng Chính phủ.
Thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung biên giới theo các Biên bản thỏa thuận đã ký kết và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.