Áp lực kiểm soát lạm phát lớn, nhưng vẫn còn dư địa
Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa tháng 5 bắt đầu sôi động với các hoạt động du lịch, dịch vụ đang hồi phục trở lại sau thời gian dài bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 năm 2022 đạt 477.305 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 2,6%, tuy nhiên do nhóm du lịch lữ hành và lưu trú ăn uống tăng mạnh (tăng lần lượt 23,4% và 21,6%) nên đã giúp tổng mức chung tăng trên 4%.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm đạt 2.257.109 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng khá tốt là 9,8%, nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh Covid-19 (với mức tăng từ 15,7-37,7%).
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm vẫn tăng 6,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước. Trong đó, giao thông là nhóm có mức tăng cao nhất (tăng 2,34%) do tác động của giá xăng dầu tăng trước tác động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới; tiếp đến là nhóm văn hóa, giải trí, du lịch (tăng 0,74%); các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,03-0,33%.
Lũy kế, CPI tháng 5 tăng 2,48% so với tháng 12/2021.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 16,65%) do mặt bằng giá xăng dầu thế giới từ cuối năm 2021 đến nay liên tục tăng cao đã tác động đến giá xăng dầu trong nước; ); tiếp đến là nhóm ăn uống ngoài gia đình (tăng 3,31%). Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,3-2,66%, riêng các nhóm thực phẩm giảm 0,73% do nguồn cung các mặt hàng thịt tăng, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,56% và nhóm giáo dục giảm 2,96%.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, với mức tăng CPI bình quân 5 tháng như vậy, để quản lý lạm phát ở mức 4% cả năm, trong 7 tháng còn lại ước tính dư địa còn khoảng 0,7%/tháng. Dư địa để kiểm soát lạm phát vẫn còn, nhưng áp lực là rất lớn khi những biến động phức tạp của giá các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng vật tư chiến lược trên thế giới đang tác động mạnh đến thị trường trong nước.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho hay, trong bối cảnh này, bên cạnh các chính sách về tài khóa tiền tệ, các chính sách cân đối cung cầu hàng hóa cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm giá cả bình ổn, không có tình trạng khan hàng, kiểm soát hoạt động đầu cơ tích trữ, tăng các nguồn cung hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Điều hành thị trường trong nước bám sát thực tiễn
Trong những tháng tới, Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng từ thị trường hàng hóa thế giới vẫn đang còn nhiều bất ổn do các vấn đề về địa chính trị và mức độ phục hồi, mở cửa kinh tế sau thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Giá các nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng vẫn có khả năng tăng; các nhóm hàng thực phẩm sẽ ổn định do nguồn cung từ sản xuất khá tốt.
“Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng sẽ được Chính phủ, các Bộ, ngành điều hành để bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tháng 5 đã tăng trở lại sau 1 nhịp giảm nhẹ vào hồi tháng 3.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã đưa ra nhiều phương án, kịch bản điều hành để bám sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới, tuy nhiên trong bối cảnh dự báo sắp tới giá xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Liên Bộ cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, trong đó cân đối giữa hai mặt hàng là xăng khoán và xăng sinh học hiện đang có mức thuế tiêu thụ đặc biệt lần lượt là 10% và 8%.
Liên quan đến Công văn số 2660/BCT-TTTN ngày 17/5/2022 của Bộ Công Thương gửi các thương nhân phân phối về việc đề nghị thực hiện nghiêm quy định về giá bán xăng dầu vùng 2, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, ban đầu có sự chưa rõ ràng về nội dung dẫn đến các thương nhân phân phối cho rằng mình không được bán giá vùng 2.
Sau khi Hiệp hội ghi nhận ý kiến và gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương giải thích rõ vấn đề này, Bộ đã nhanh chóng có công văn hướng dẫn thêm, cụ thể hơn, rằng thương nhân phân phối vẫn được bán giá xăng dầu vùng 2 như quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
“Đây chỉ là vấn đề văn bản chưa rõ ràng, hoàn toàn không có xung đột lợi ích giữa thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối”, đại diện Hiệp hội cho biết.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nêu rõ, Nghị định 95 quy định chỉ thương nhân đầu mối có quyền quyết định địa điểm, địa bàn bán giá vùng 2 và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về mức chi phí tăng thêm và giá bán vùng 2 đó, mục đích cuối cùng là tăng trách nhiệm của thương nhân đầu mối và tránh lạm dụng giá bán vùng 2, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Công văn 2660 không loại trừ, không tước đi quyền của thương nhân phân phối bán theo giá vùng 2. Họ không có quyền quyết định mức giá vùng 2, nhưng họ có quyền bán xăng dầu theo giá vùng 2, với điều kiện họ nhập hàng với giá vùng 2, đăng ký và bán tại địa bàn được xác định là khu vực bán giá vùng 2”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Dù vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội, doanh nghiệp để công tác điều hành, quản lý và ban hành các văn bản được thực hiện tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo sát sao đối với việc điều hành thị trường trong nước để đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, thị trường hàng hóa thế giới được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt nhu cầu đối với những nhóm hàng thiết yếu như mặt hàng năng lượng, xăng dầu,… có thể tăng lên trong thời gian tới, nguồn cung hạn chế khiến giá cả leo thang. Nhiều giải pháp phù hợp sẽ tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất thực hiện trên cơ sở bám sát thực tiễn để điều hành thị trường trong nước hiệu quả nhất.
Các kiến nghị tại cuộc họp liên quan đến triển khai hóa đơn điện tử của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam; kiến nghị về thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón của Hiệp hội Phân bón Việt Nam và việc tăng giá nước tại các khu, cụm công nghiệp của Hiệp hội Giấy Việt Nam sẽ được Tổ Điều hành thị trường trong nước tiếp thu và bổ sung vào báo cáo cuối cùng.