Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM - sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu đạt 616 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp trong kỳ của Thép Pomina lên tới 51 tỷ đồng, so với mức lỗ gộp 35 tỷ đồng của quý 2/2023.
Bóc tách dữ liệu cho thấy, doanh thu từ thị trường nội địa của Thép Pomina trong quý 2/2024 đạt 442 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 4,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, doanh thu từ thị trường xuất khẩu lại giảm 61,5%, còn 124 tỷ đồng. Đồng thời, Thép Pomina không ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh phôi thép trong quý 2/2024, trong khi cùng kỳ, hoạt động kinh doanh này đem về tới 252 tỷ đồng doanh thu.
Kết quả, Thép Pomina báo lỗ ròng 280,2 tỷ đồng trong quý 2/2024, so với mức lỗ hơn 350 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là quý thứ 9 Thép Pomina ghi nhận lỗ ròng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.087 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ; lỗ ròng nửa đầu năm lên tới 505 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 537 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Thép Pomina chia sẻ việc Nhà máy thép Pomina 1&3 ngưng hoạt động nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay là nguyên nhân chính khiến công ty chìm trong thua lỗ kéo dài. Công ty hiện kỳ vọng hoạt động tái cấu trúc sẽ sớm hoàn tất nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Thép Pomina đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Nansei Steel (Nhật Bản) vào tháng 7/2024. Theo đó, Nansei Steel sẽ đảm nhiệm việc cung ứng nguyên vật liệu cho Thép Pomina. Được biết, Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh, với thế mạnh là xuất khẩu. Sự hợp tác này kỳ vọng sẽ giúp Nhà máy thép Pomina 2 có đủ nguyên vật liệu để hoạt động tối đa công suất kể từ tháng 9/2024.
Bên cạnh việc hợp tác với Nansei Steel, Thép Pomina cũng cho biết, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp nhằm khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025. Qua đó, công ty kỳ vọng đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Thép Pomina hiện có ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng có công suất lớn nhất phía Nam, với tổng công suất luyện phôi thép lên tới 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn.
Tuy nhiên, kể từ quý 3/2022 đến nay, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Công ty cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.
Thép Pomina kỳ vọng việc tái hoạt động sẽ giúp công ty đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản cũng như các hoạt động đầu tư công tại khu vực phía Nam.
Đánh giá về triển vọng ngành thép, một số tổ chức tài chính nhận định, mặc dù có tín hiệu hồi phục từ nửa cuối năm 2023 đến nay, nhưng trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam vẫn có nguy cơ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, việc EU ban hành một số chính sách hạn ngạch mới có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép. Khi kênh xuất khẩu bị thu hẹp thì áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thép Pomina tại thời điểm cuối quý 2/2024 đạt 8.356 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng dở dang, trị giá 5.723 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng dự án lò cao và lò điện EAF tại Khu công nghiệp Phú Mỹ.
Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền của Thép Pomina tính đến ngày 30/6 chỉ còn khoảng 8 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước các thông tin kém tích cực về kết quả kinh doanh, cổ phiếu POM đã liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay. Kết phiên giao dịch 22/8, thị giá cổ phiếu thép này đạt 3.000 đồng/cổ phiếu.