Mặc dù chịu áp lực chốt lời trong 2 phiên giao dịch gần đây sau khi thị giá lập đỉnh lịch sử, tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu NTP của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã tăng khoảng 80%.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu tháng 8 đến nay, thị giá cổ phiếu NTP đã có cú “chạy nước rút” với mức tăng gần 26%. Đặc biệt, vào phiên 16/8, thị giá cổ phiếu NTP đã đạt mức cao nhất lịch sử 70.900 đồng/cổ phiếu. Qua đó, đưa vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Thanh khoản cũng tăng đột biến với hơn 1,5 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, đánh dấu mức thanh khoản cao thứ hai trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu NTP.
Sức hút của cổ phiếu NTP diễn ra trong bối cảnh Nhựa Tiền Phong đang sở hữu nhiều câu chuyện riêng.
Cụ thể, kết thúc quý 2/2024, bất chấp sức tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng còn yếu khi thị trường bất động sản, xây dựng chưa hồi phục rõ nét, Nhựa Tiền Phong vẫn ghi nhận doanh thu thuần 1.680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 284,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong thu về 2.629 tỷ đồng doanh thu và 415 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 4% và 44,6% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Với 03 nhà máy có tổng công suất lên đến 190.000 tấn/năm, 300 đại lý và 16.000 điểm bán trên toàn quốc, Nhựa Tiền Phong đang giữ vững vị thế nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 hồi cuối tháng 4/2024, Nhựa Tiền Phong đang bán giá thấp hơn 15 - 17% so với các đối thủ.
Ông Đặng Quốc Dũng cũng ước tính, nếu để giá bán ngang bằng với đối thủ thì lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong “hoàn toàn có thể vượt 1.000 tỷ đồng” trong năm ngoái nhưng chiến lược của công ty là đồng hành với các đối tác, khách hàng để có thể phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng thì Nhựa Tiền Phong sẽ tăng giá bán sản phẩm trễ hơn, nhưng khi giá nguyên vật liệu giảm, công ty sẽ giảm giá rất nhanh để hỗ trợ đối tác.
Với mức giá bán thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và chính sách bán hàng linh hoạt, nhiều tổ chức tài chính đánh giá Nhựa Tiền Phong có thể gia tăng thị phần trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thị trường chung chưa hồi phục nhanh.
Trong quý 1/2024, Nhựa Tiền Phong đã ký kết hợp tác chiến lược với Shinec để cung cấp ống và phụ tùng nhựa cho các dự án khu công nghiệp của Shinec. Hiện Shinec lên kế hoạch phát triển mới 3.500 ha đất khu công nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Sự hợp tác với Shinec được kỳ vọng sẽ là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho Nhựa Tiền Phong thời gian tới.
Sức hút của cổ phiếu NTP còn đến từ câu chuyện Nhựa Tiền Phong được đưa vào danh sách thoái vốn đợt 2/2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
SCIC hiện đang nắm giữ 37,1% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong, tương đương khoảng 48 triệu cổ phần. Tạm tính theo giá hiện tại, số cổ phần này có giá trị lên đến 3.750 tỷ đồng. Ngoài SCIC, Nhựa Tiền Phong còn có sự góp mặt của nhiều cổ đông lớn khác, bao gồm Sekisui Chemical Co. Ltd (Nhật Bản) với tỷ lệ sở hữu 15%, và một số tổ chức trong nước cũng như cá nhân khác.
Việc SCIC thoái vốn có thể mở ra cơ hội cho các đối tác lớn, chiến lược gia tăng sở hữu tại Nhựa Tiền Phong, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Cuối cùng, không chỉ dừng lại ở việc mở rộng sản xuất trong ngành nhựa, Nhựa Tiền Phong gần đây đã công bố một bước đi chiến lược mới với việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Dự án đầu tiên trong lĩnh vực này là việc xây dựng Tổ hợp giáo dục tại trung tâm TP.Hải Phòng, với tổng mức đầu tư hơn 620 tỷ đồng. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2026, trên diện tích đất rộng hơn 37.000m².
Mặc dù Nhựa Tiền Phong chưa công bố chi tiết thông tin về kế hoạch triển khai lĩnh vực giáo dục, mảng kinh doanh này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh tổng thể chung.