Thị trường vào mùa, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm
Dịp Tết Trung thu cận kề cũng là lúc thị trường bánh Trung thu vào mùa, kéo theo đó, các hành vi buôn bán, vận chuyển những sản phẩm nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ hay sản xuất hàng không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm gia tăng.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng được bán một cách công khai và tràn lan. Thậm chí, một số sàn thương mại điện tử còn công khai rao bán các loại bánh trung thu nhập từ Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) với giá rất rẻ, chỉ từ 3.000 đồng/chiếc.
Bên cạnh đó, các loại bánh trung thu handmade cũng được rao bán nhiều và tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Những loại bánh này dù được quảng cáo là bánh tự làm nhưng đại đa số người tiêu dùng chỉ biết nghe thông tin chung chung từ người bán hàng, khó có thể tìm hiểu chất lượng cụ thể, tiêu chuẩn, hạn sử dụng. Bởi những chiếc bánh này không được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
Thực tế, thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tại các địa phương trên cả nước liên tiếp phát hiện bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, mới đây nhất, ngày 10/9, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 11.130 chiếc bánh trung thu, do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Hay trước đó, ngày 9/9, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành đối với một hộ kinh doanh số tiền 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.524 chiếc bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Vào ngày 8/9, kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” tại thôn La Lâm, xã La Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đội QLTT số 3, Cục QLTT Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139kg sản phẩm thực phẩm được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 cái bánh trung thu các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên là bánh trung thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Trong 2 ngày, 25-26/8, cơ quan chức năng ở Thái Nguyên phát hiện 2 xe vận chuyển số lượng lớn bánh trung thu, thực phẩm các loại nhập lậu. Trong đó, xe thứ nhất chở gần 2.500 gói bánh trung thu, chả cay các loại. Xe thứ 2 có gần 2.000 sản phẩm thực phẩm các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì sản phẩm thể hiện “Made in China”.
Siết chặt kiểm soát thị trường
Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, ngày 20/8/2021 Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1799/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong dịp Tết Trung thu năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Song song đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... Đồng thời, lực lượng QLTT cả nước cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu và đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Song song với đó, Cục QLTT các địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường…
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quầy hàng bán bánh lưu động trên đường phố tại Hà Nội đã vắng bóng. Việc mua bán trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng cũng không còn sôi động như các năm trước. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, mạng xã hội...
Do vậy, để tăng cường công tác QLTT, chú trọng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2021, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu, Đội trưởng các Đội QLTT chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Quá trình rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đội tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế, UBND Thành phố và địa phương quy định.
Mặt khác, lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu không có giấy tờ kiểm định của hải quan...