Thị trường dệt may EU trong bối cảnh mới: Tiếp cận sao cho hiệu quả?

Để đáp ứng với những yêu cầu của EU và cũng là xu thế toàn cầu, đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và giá trị trong chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh mới với xu hướng tiêu dùng và hàng loạt quy định mới liên tục được Liên minh châu Âu (EU) ban hành đòi hỏi ngành Dệt may Việt Nam phải có cách tiếp cận mới với thị trường quan trọng này.

EU - thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, EU là thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34,1% trị giá nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu năm 2021, theo sau là Hoa Kỳ đứng thứ 2, chiếm 18,8%, đạt 191,4 tỷ euro, tương đương 32,2 tỷ đơn vị quần áo, trong đó 52,5% là trang phục dệt kim/dệt sợi và 47,5% là trang phục không dệt kim/dệt. Năm 2021, nhập khẩu đã phục hồi về mức trước đại dịch và năm 2022 chứng kiến ​​mức tăng trưởng lên tới 27% so với cùng kỳ 2021.   

48,4% nhập khẩu dệt may của EU đến từ các nước thành viên và 51,6% từ các nước khác trên thế giới, trong đó các nước đang phát triển cung cấp 49,5%, tương ứng 95 tỷ euro vào năm 2022 (tăng từ 48,8% năm 2017); các nước khác chiếm 2% (giảm từ 4,5% năm 2017).

Tốc độ nhập khẩu tăng trưởng trung bình là 7%, trong đó 7,6% từ EU giai đoạn 2017-2022. Điều này cho thấy thương mại nội khối EU tiếp tục tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế phần lớn hàng may mặc nhập khẩu của EU từ các nước trong EU là hàng sản xuất ở các nước đang phát triển, tái xuất sang EU. Do đó, những sản phẩm này không thể hiện sự cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển.

Đáng chú ý, 5/6 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong nội khối EU cũng nằm trong số những nhà nhập khẩu hàng may mặc hàng đầu, cho thấy rằng một số nước EU đang trở thành trung tâm phân phối hàng may mặc của khu vực EU. Hà Lan - nước xuất khẩu hàng đầu, không có ngành sản xuất hàng may mặc phát triển mạnh nhưng đang đóng vai trò là trung tâm tái xuất do có cảng lớn là Rotterdam. Ba Lan, quốc gia xuất khẩu sang các nước EU khác tăng trung bình 21% mỗi năm, giai đoạn 2017-2022, đang trở thành trung tâm phân phối khu vực sang các nước Đông Âu.

Năm 2023, EU nhập khẩu 115 tỷ euro từ các nước thứ ba, giảm 17% so với năm 2022, trong đó 10  nhà cung cấp hàng đầu chiếm tới 82% (95 tỷ euro). Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nhà xuất khẩu hàng sang EU, chiếm 69,1% thị phần từ các nước thứ 3, trong đó Trung Quốc từ lâu luôn ở vị trí số 1, chiếm tới  gần 1/3 thị phần. Tiếp theo là Bangladesh ở mức 15,3% và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 12,8%. Việt Nam đứng thứ 6, đạt 4,5 tỷ euro, chiếm 3,9%  thị phần.

So sánh giữa năm 2013 và 2023, các nước top 10 đều tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU, trừ Anh giảm 40%. Trong khi Bangladesh, Pakistan, Việt Nam, Campuchia tăng mạnh trên 100% thì Trung Quốc chỉ tăng 15%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 33%, Ấn Độ tăng 30%, Maroc và Tunisia tăng không đáng kể.

Từ cuối năm 2023, tình hình kinh tế EU bắt đầu hồi phục, sức mua được cải thiện. Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn do nhu cầu cuối năm phục vụ các dịp lễ Tết.

dệt may EU
Mặc dù có sự gia tăng đáng kể với động lực từ Hiệp định EVFTA nhưng thị phần dệt may Việt Nam tại EU còn khiêm tốn, cho thấy dư địa xuất khẩu sang khu vực này rất lớn.(Ảnh: retaildetail.eu)

Thị phần dệt may Việt Nam tại EU tăng trưởng đáng kể nhờ EVFTA

Với Việt Nam, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang EU mặt hàng này đạt 4,1 tỷ EU, chiếm 11,5% trong tổng xuất khẩu của ngành. Dù kim ngạch năm 2023 giảm khá nhưng thị phần lại tăng so với các năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023 giảm chung trên toàn cầu nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn có vị thế và tăng trưởng.

Tính chung giai đoạn 2018-2023, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt trung bình 8%. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ ngoài khối tăng dần qua các năm. Đặc biệt, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu mặt hàng này của EU từ ngoài khối có sự tăng trưởng đáng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hiệu lực từ thàng 8/2022, từ 3,3% năm 2020 đến 4,3% năm 2023 và đứng thứ 5 trong số các nhà cung cấp hàng đầu sang EU năm 2023. Tuy nhiên, thị phần này còn rất khiêm tốn, cho thấy dư địa xuất khẩu sang khu vực này còn rất lớn.

dệt may EU
Xuất khẩu của Việt Nam sang  EU, tăng trưởng, % thị phần trong tổng nhập khẩu của EU từ ngoài khối, giai đoạn 2018-6/2024; đvt: tỷ Euro ( HS 60,61,61,630)

Thích ứng với những thay đổi mới của thị trường dệt may châu Âu

Thị trường dệt may EU đang có những thay đổi lớn ở nhiều khía cạnh, đòi hỏi các nhà cung cấp phải có hướng tiếp cận mới phù hợp.

Về nhu cầu mua hàng, người mua hàng châu Âu ngày càng hướng tới các yêu cầu khắt khe hơn về tính bền vững. Tính bền vững không phải là một sự lựa chọn. Nhiều yêu cầu về tính bền vững về xã hội và môi trường đã trở thành luật và nếu không tuân thủ, nhà sản xuất sẽ không thể xuất khẩu hàng may mặc sang Châu Âu. Đồng thời, tính bền vững yêu cầu các công ty phải chịu rất nhiều trách nhiệm, chủ yếu như tính minh bạch của chuỗi cung ứng và giảm thiểu lượng khí thải carbon...

Về yêu cầu pháp lý mới, nổi bật hiện nay phải kể đến Chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Các yêu cầu bắt buộc về tính bền vững đã ngày càng khắt khe hơn trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây, EU và các quốc gia thành viên đã tăng tốc độ, phạm vi của các luật mới này. Đơn cử là các quy tắc hiện hành về an toàn sản phẩm, sử dụng hóa chất (REACH), ghi nhãn và quyền sở hữu trí tuệ, các quy định nhập khẩu mới liên quan đến các lĩnh vực như: Thẩm định chi tiết, Báo cáo giảm lượng khí thải carbon, chống phá rừng (đối với da), Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quyền sửa chữa cho người tiêu dùng cuối, việc sử dụng có chủ ý vi nhựa và "tẩy xanh"...

Để đáp ứng với những yêu cầu của EU và cũng là xu thế toàn cầu, đòi hỏi các nhà sản xuất phải chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và giá trị trong chuỗi.

Về xu hướng tiêu dùng, người tiêu dùng cuối châu Âu gia tăng yêu cầu sự tiện lợi và minh bạch. Do mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng châu Âu đã quen với việc mua sắm trực tuyến đa dạng lựa chọn về kiểu dáng, giá cả cạnh tranh, giao hàng rất nhanh và nhiều thông tin hơn về chất lượng sản phẩm và sản xuất. Triển vọng cho thấy ​​người tiêu dùng sẽ trở nên khắt khe hơn nữa trong 10 năm tới.

Vì vậy, các công ty xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam cần cố gắng mở rộng dịch vụ bao gồm thu gom, làm sạch và sửa chữa/tân trang quần áo cũ (rác thải sau tiêu dùng). Mở rộng vòng đời sản phẩm bằng cách thiết kế các sản phẩm ít bị ảnh hưởng bởi mùa vụ hoặc xu hướng (thiết kế vượt thời gian) và bằng cách sử dụng vật liệu bền, chất lượng cao. Hình thành và chia sẻ câu chuyện bền vững của riêng công ty, điều này sẽ tăng thêm giá trị cho thương hiệu của nhà sản xuất và cho người mua hàng.

Mặt khác, dự báo dân số châu Âu ngày càng già đi và đa dạng hơn. Cơ cấu người tiêu dùng thay đổi đồng nghĩa với thay đổi nhu cầu, vì vậy cần theo dõi, quan sát và xác định các thị trường ngách mới có tiềm năng chính.

Về nguồn cung, nhiều yếu tố khác nhau đang ảnh hưởng đến chiến lược tìm nguồn cung ứng của người mua hàng dệt may EU như: Bất ổn địa chính trị và khủng hoảng khí hậu, tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, hậu quả của đại dịch Covid-19, lạm phát, chính sách thương mại, hành vi của người tiêu dùng và mô hình chi tiêu...

Do đó, các công ty xuất khẩu hàng may mặc cần tập trung vào việc tăng cường tính linh hoạt trong sản xuất và tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường. Tăng cường quảng bá quốc gia và lĩnh vực kinh doanh để các nhà quản lý tìm nguồn cung ứng biết được lợi ích của việc kinh doanh với một quốc gia cụ thể và thêm quốc gia đó làm điểm đến tìm nguồn cung ứng mới. Tìm kiếm sự hợp tác với các nhà sản xuất địa phương khác để chia sẻ chi phí cũng như cơ hội bán hàng.

Về cạnh tranh giữa các nguồn cung dệt may cho khu vực EU, xu hướng sản xuất hàng may mặc đang chuyển sang khu vực mới. Mặc dù là nguồn cung dệt may lớn nhất cho EU nhưng do ảnh hưởng của Luật môi trường chặt chẽ hơn ở Trung Quốc và những bất đồng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều công ty sản xuất hàng may mặc Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào các nước châu Á khác như Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều người mua hàng may mặc ở châu Âu đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế ở châu Phi. Tuy nhiên do năng suất thấp và nhiều yếu tố khác nên châu Phi vẫn chưa trở thành một lựa chọn thay thế cạnh tranh cho châu Á.

Giải pháp khai thác, phát triển tốt hơn thị trường dệt may EU

Trong bối cảnh mới của thị trường dệt may EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU khuyến nghị một số giải pháp để thúc đẩy khai thác, phát triển tốt hơn thị trường này.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần triển khai các biện pháp thực hiện Hiệp định EVFTA liên quan đến phát triển bền vững và có kế hoạch kiểm soát tác động đến môi trường, lao động để có thể tiếp tục duy trì lợi thế từ EVFTA. Nhà nước cũng cần chú trọng đến chương trình xanh hóa ngành dệt may Việt Nam để đảm bảo được các vấn đề về môi trường được nêu trong thỏa thuận của EVFTA. Như vậy, sẽ giúp ngành dệt may của Việt Nam nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của EU.

Để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Giải pháp chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may.

Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chức năng của Việt Nam cần đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn để đáp ứng các quy định mới của EU. Việc chủ động thích ứng với các quy định mới với sự hỗ trợ của EU sẽ giúp Việt Nam tranh thủ được vị trí tốt trên thị trường EU.

Ngoài việc hợp tác chặt  chẽ với các nhà hoạch định chính sách của EU để giúp định hình phạm vi ban hành luật sắp tới, thì cũng cần  tập trung phát triển các khuôn khổ đầu tư và lập pháp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của ngành. Triển khai cơ chế cân bằng carbon với việc cung cấp các tín chỉ carbon để doanh nghiệp có thể kinh doanh, khuyến khích áp dụng năng lượng tái tạo tại các nhà máy. Cơ hội từ EVFTA trong ngắn và trung hạn là rất lớn,  do vậy Việt Nam cần xem xét tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường EU.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia. Do vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Các công ty ngoài EU sẽ là người thực hiện phần lớn các chinh sách trong Chiến lược Dệt may của EU, thiết lập giấy phép hoạt động mới cho cả nhà bán lẻ, thương hiệu và nhà cung cấp: nếu không tuân thủ, bạn không thể bán hàng trên thị trường EU hoặc cung cấp cho các công ty tuân thủ. Do vậy, ngành dệt may Việt nam cần quan tâm đến những điều chỉnh hoạt động cần thiết phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội và môi trường ngày càng cao trước thời hạn tuân thủ chính thức của EU.

Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, các doanh nghiệp dệt may cần trọng tâm xây dựng các nhà xưởng, máy móc, chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Nhằm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất; đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ.

Song song đó, các doanh nghiệp cần xem xét đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đổi mới các phương pháp thực hành bền vững cũng như đào tạo lực lượng lao động về công nghệ mới. Chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng của eco-design. Doanh nghiệp cần triển khai nghiên cứu các quy định liên quan và trao đổi với các đối tác tại châu Âu để có kế hoạch chuyển đổi từ sớm và có kế hoạch dài hạn.

Các Hiệp hội cần phát huy vai trò hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của EU và phối hợp được các doanh nghiệp trong ngành khai thác thị trường EU trên cơ sở lợi ích lâu dài, bền vững...

Việt Hằng