Thị trường gạo thế giới tuần từ 23 - 27/6/2014

Trong tuần từ 23 - 27/6/2014, thị trường gạo quốc tế có một số tin tức chính như sau.

Kết thúc tuần từ 23 – 27/6/2014, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu - Oryza White Rice, đạt 461 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn so với tuần trước, tăng 4 USD/tấn so với tháng trước và giảm 13 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu - Oryza White Rice Index (1/6/2011 - 1/6/2014)  (Nguồn: Oryza.com)

Theo số liệu của EU, trong giai đoạn từ 1/9/2013 đến 17/6/2014, Liên minh Châu Âu đã nhập khẩu 820.438 tấn gạo, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vương quốc Anh là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất trong khối EU.

Thái Lan

Trong tuần từ 23 – 27/6/2014, gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan hiện không có báo giá do Chính quyền quân sự Thái Lan tạm thời ngừng xuất khẩu để kiểm tra kho gạo dự trữ. Trước đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm Thái Lan đạt 385 USD/tấn. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo trong năm 2014; cho đến nay Thái Lan đã xuất khẩu được 3,8 triệu tấn gạo.

Văn phòng Kinh Tế Nông Nghiệp Thái Lan (OAE) dự báo sản lượng thóc của nước này trong niên vụ 2014/2015 (1/2014 – 12/2014) sẽ đạt 38,8 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo xay xát thông thường). Con số này tăng nhẹ so với mức ước tính trong niên vụ 2013/2014 mặc dù diện tích canh tác lúa gạo của Thái Lan đã giảm 1% trong năm nay, do hạn hán xảy ra tại một số khu vực trồng lúa gạo.

Ấn Độ

Kết thúc tuần từ 23 – 27/6/2014, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đạt 435 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước, tăng 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước và giảm 10 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Tính đến ngày 20/6/2014, diện tích canh tác lúa vụ Kharif (vụ chính, diễn ra từ tháng 6 – tháng 12 hàng năm) tại Ấn Độ đạt 759.000 ha. Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, con số này thấp hơn 54% so với diện tích gieo cấy cùng kỳ năm 2013.

Cơ quan Phát triển Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và chế biển thực phẩm ở Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã xuất khẩu 10,78 triệu tấn gạo (bao gồm gạo basmati và phi basmati) trong năm tài chính 2013-2014 ( 01/04/2013- 31/03/2014), tăng khoảng 6% so với năm tài chính 2012/2013.

Hãng tin Reuters cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã nâng giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) đối với thóc lên mức 1.360 Rupee/tạ (226 USD/tấn), tăng 3,8% so với mức 1380 Rupee/tạ (218 USD/tấn) trước đó.

Trang oryza.com cho biết, Bang Punjab, là bang sản xuất gạo basmati lớn nhất của Ấn Độ, dự kiến sẽ tăng gấp đôi diện tích canh tác gạo basmati lên mức một triệu hec ta và giảm diện tích canh tác gạo phi basmati xuống còn 120.000 hec ta trong vòng vài năm tới. Đây là một phần của chương trình đa dạng hóa cây trồng nhằm ngăn chặn sự suy giảm của mực nước ngầm tại bang Punjab.

Ông Tejinder Narang, nhà phân tích hạt ngũ cốc, nhận định, mức độ ảnh hưởng của quyết định bán 5 triệu tấn gạo từ các kho dự trữ quốc gia của Chính phủ Ấn Độ ra thị trường nhằm kiểm soát giá gạo sẽ phụ thuộc vào hoạt động phân phối của các đại lý.

Pakistan

Kết thúc tuần từ 23 – 27/6/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tăng 15 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước và tăng 20 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo Pakistan sẽ xuất khẩu 3,3 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng khoảng 5% so với năm 2013 nguyên nhân do sản lượng gạo của Pakistan tăng lên. Sản lượng gạo của Pakistan trong năm 2014 được FAO dự báo đạt 9,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2013 do điều kiện thời tiết tốt và nguồn nước tưới tiêu được cung ứng đầy đủ.

Các thị trường khác

Giá gạo 5% tấm của Cambodia hiện đạt 445USD/tấn, không đổi so với tuần trước và tăng 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước.

Bộ Thương mại Bangladesh cho biết nước này đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo không thơm tới năm tài chính 2014/2015 (01/07/2014- 30/06/2015) để đảm bảo nguồn cung gạo và kiểm soát lạm phát tại thị trường nội địa.

Ủy ban Thương mại và hàng hóa thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO – CTG) đã cho phép Philppines kéo dài quy định hạn chế định lượng (QRs) đối với việc nhập khẩu gạo. Quy định QRs của Philippines đã hết hạn vào tháng 6/2012 nhưng đã được yêu cầu gia hạn đến năm 2017. Chỉ vài ngày sau khi WTO – CTG công bố quyết định chấp thuận, Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch mở của thị trường nhập khẩu gạo nhằm kiểm soát giá gạo. Philippines đã ra thông báo sẽ nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo trong năm 2014 nhằm ngăn chặn việc thiếu hụt nguồn cung và kiểm soát đà tăng giá gạo.

 

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,08 triệu tấn gạo, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.Tính riêng tháng 5/2014, lượng gạo được Trung Quốc nhập khẩu đạt 271.000 tấn, giảm16% so với tháng 4/2014,nhưng tăng 66% so với cùng kỳ năm 2013.

Trang oryza.com cho biết, Rwanda đã tăng thuế nhập khẩu đối với gạo được nhập khẩu từ bên ngoài Cộng Đồng Đông Phi (EAC) từ 30% lên 45% nhằm bảo vệ những người nông dân địa phương. Nhưng điều này đã bị một số bên chỉ trích vì sẽ làm tăng giá gạo trong nước do lượng gạo của EAC sản xuất không đủ dư thừa để đáp ứng nhu cầu gạo của Rwanda.

Hãng tin Reuters cho biết, Iraq đã mở thầu để mua khoảng 15000 tấn gạo basmati của Ấn Độ, việc mở thầu bắt đầu từ ngày 29/06 đến 03/07/2014. Trước đó, Iraq đã mở thầu mua 30.000 tấn gạo từ Mỹ, Uruguay, Argentina, Brazil, và Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Đặng Quang (Theo oryza.com)