Thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, chỉ thị số 19 của Chính phủ về triển khai các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến nhiều chương trình kích cầu trên quy mô lớn của các bộ, ngành, địa phương.
Các chương trình này đã tạo được hiệu ứng rất cao với sự tham gia tích cực của đông đảo người dân, doanh nghiệp trong cả nước, chắc chắn sẽ góp phần vào “nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế” như Kết luận 77 của Bộ Chính trị.
Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp có nền tảng vững chắc từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và việc triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.
Các chương trình thực hiện Đề án giai đoạn 2014 – 2020 với 3 nhóm Chương trình. Một là Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Hai là hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; và Ba là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Với Nhóm Chương trình thứ nhất của Đề án là “tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, từ 2015 đến nay, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức đã hoàn thành sứ mệnh thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng Việt Nam; từ mục tiêu tuyên truyền đã trở thành hành động, thành văn hóa sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam.
Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi đều bày tỏ sự quan tâm tới CVĐ, 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt và 54% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình sử dụng hàng Việt Nam.
Đối với Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, Bộ Công Thương đã áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Qua 5 năm, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Những hoạt động trong Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam hết sức phong phú từ kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; đào tạo kỹ năng bán hàng đã tạo dựng một môi trường sinh thái kết nối để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau.
Đồng thời, một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, của ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.
Triển khai thực hiện Đề án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hằng năm tăng khoảng 10%. Nếu năm 2015, năm đầu tiên thực hiện Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam, nước ta nhập siêu 3,54 tỷ USD, thì từ 2016 đến nay, nền kinh tế liên tục xuất siêu.
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4 năm nay khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, đứt gãy nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước bất cứ biến động nào.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 357,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 304,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 47,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 379 tỷ đồng, gấp 4 lần; doanh thu dịch vụ khác đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng 39,5%.
Trong đó, hầu hết các nhóm hàng nhu cầu thiết yếu đều tăng, như nhóm hàng lương thực, thực phẩm tháng 10 đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước; hàng may mặc đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; phương tiện đi lại đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3%; xăng, dầu các loại đạt 32,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; hàng hóa khác đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%.
Đặc biệt hơn, doanh thu bán lẻ tăng ở những đô thị lớn và ở cả những địa phương từng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, so với tháng trước, doanh thu bán lẻ tháng 10 của Khánh Hòa tăng 39,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 32,6%; Hà Nội tăng 25,5%; Đà Nẵng và Cần Thơ cùng tăng 19,9%; Đồng Nai tăng 10,5%; Quảng Ninh tăng 9,6%; Bình Dương tăng 4%; Hải Phòng tăng 2,3%...
Và hàng Việt, được nuôi dưỡng bởi thị trường gần 100 triệu dân đã có sức vươn lên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...
Không chỉ chinh phục người Việt, hiện diện trong từng ngôi nhà, ngõ xóm, mà hàng Việt đủ bản lĩnh theo chân các con tàu đi khắp các đại dương, đến với những thị trường mới, khách hàng mới, chia sẻ những xu hướng tiêu dùng mới.
Nhưng điều quan trọng hơn, mỗi khi thị trường thế giới có biến động, như bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 vừa qua, thì hàng Việt với tỷ lệ bao phủ cao đã hiện diện mạnh mẽ trên thị trường nội địa, như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế trước những con sóng bất định từ bên ngoài.
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0-9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0-15,5% vào GDP cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDVTD) (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13,0-13,5%/năm.
Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20-21%/năm; phấn đấu đạt trên 40-45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước...
Với chiến lược này, hàng Việt song hành cùng thị trường trong nước tiếp tục trở thành một không gian rộng lớn cho các doanh nghiệp khai thác. Sức sống mãnh liệt của hàng Việt đã vượt qua câu chuyện về kích cầu, về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, để trở thành một kinh nghiệm quý báu về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt ra sao với những biến động từ bên ngoài.