Hiện trên thế giới việc phát triển du lịch thông minh đang rất sôi động. Nhiều quốc gia đã triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh du lịch. Không nằm ngoài xu hướng này, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh với du lịch thông minh.
“Điểm chạm”cho doanh nghiệp lữ hành
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp ngành du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Các ứng dụng công nghệ giúp các đơn vị du lịch giảm thời gian, nhân lực, chi phí sản xuất, dẫn đến giảm giá thành các dịch vụ, mang lại lợi ích cho khách hàng…
Châu Âu được đánh giá có lợi thế và dẫn đầu xu hướng phát triển mới. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…
“Trong 3 năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đạt tốc độ phát triển kỷ lục. Nhưng đó chỉ là nhất thời, bởi thời gian sau sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng 2 con số nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch thông minh, bền vững” - ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định. Loại hình du lịch kiểu mới này giúp tiết kiệm về nhân công, công sức cho mọi người và quan trọng hơn là nhu cầu từ chính du khách.
Theo ông Vũ Thế Bình, hiện có 2 loại hình doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã tiếp cận với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đầu tiên là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên nghiên cứu để đưa ra các ứng dụng mới cho ngành du lịch. Trong năm qua đã có thêm hàng chục công ty công nghệ thông tin cho ra đời các công cụ giúp những đơn vị du lịch thực hiện các giao dịch đặt phòng, đặt tour, thanh toán thuận lợi, nhanh chóng.
Có công ty công nghệ đã tiến xa hơn với việc tạo ra sàn giao dịch ảo cho các đơn vị du lịch giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch cũng ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin vào việc kinh doanh lưu trú, bán tour, dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng cao của du khách trong nước, quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch là xu hướng tất yếu để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Công nghệ 4.0 thực sự đã tạo ra “điểm chạm” không thể ngờ đến khi thông tin, khi hình ảnh tại điểm du lịch có thể nhanh chóng được chia sẻ cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, kích thích nhu cầu của người dân đam mê du lịch và tạo ra nhu cầu khám phá, tìm hiểu điểm đến. Từ những bức hình, bài viết hay thông tin được “share”, “like” qua Facebook, các địa điểm du lịch mới lạ với chất lượng dịch vụ tốt thông qua công nghệ 4.0 đã nhanh chóng tạo hiệu ứng đám đông, giúp gây dựng thương hiệu cho điểm đến, thậm chí đó còn là thương hiệu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu.
Xúc tiến, quảng bá với công nghệ thực tế ảo
Ngày nay, chiếc smartphone gần như đã trở thành vật bất ly thân trong các chuyến du lịch, đặc biệt với các bạn trẻ. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp về nền tảng lữ hành trên điện thoại ở Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển để hoàn thiện, qua đó đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất qua công nghệ thực tế ảo (VR).
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Toàn Dũng Media chia sẻ, công nghệ VR một khái niệm khá mới mẻ, chỉ mới xuất hiện vào những thập niên 90 trở lại đây. Thực tế ảo là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng qua màn hình máy tính hoặc trên các thiết bị chuyên dụng khác. Không chỉ có hình ảnh chân thực sắc nét, những âm thanh gần gũi như thật đem cả không gian thực tế hiện hữu trước mắt du khách.
Hiện nay, không riêng gì Việt Nam, các nước trên thế giới đang áp dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch - lữ hành. Điều này đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các du khách, từ đó người hưởng lợi trực tiếp chính là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch - khách sạn. Thí dụ, bạn muốn đi du lịch khắp các quốc gia trên thế giới, hay đơn giản đi hết những danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho một chuyến đi, bạn sẽ tìm hiểu những trở ngại trong vấn đề về thời gian, chi phí, sức khỏe…
Vấn đề này đã được công nghệ thực tế ảo khắc phục hoàn toàn. Chỉ cần tìm tên địa điểm mà bạn muốn tới, sau đó nhấp lệnh, mọi không gian như Hội An, Tokyo, New York, Paris… hay thậm chí là dưới đại dương xanh thẳm hoặc đỉnh Everest cao vút biểu tượng cho sự chinh phục ở ngay trước mắt. Công nghệ thực tế ảo cung cấp cho khách hàng những hình ảnh trực quan về phòng nghỉ trong khách sạn với các thiết bị được bày bố thông minh và đạt chuẩn về chất lượng. Hứa hẹn nhiều hấp dẫn, song theo ông Thanh việc sử dụng công nghệ thế giới ảo tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ tại nhiều địa danh.
Hiệu quả tích cực của việc phát triển công nghệ ảo đã rõ, song từ mong muốn tới việc áp dụng vào du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Ông Bùi Quang Doanh, Giám đốc Maketing Công ty Giải pháp kết nối du lịch Việt Nam, cho biết: "Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch rất nhanh nhạy đối với các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ không có đủ nguồn lực để tận dụng tối ưu công nghệ đó. Bởi để phát triển một phần mềm sẽ tốn rất nhiều chi phí và đòi hỏi nhân lực chất lượng cao".
Rõ ràng, du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được ưu-nhược điểm của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao, nhưng đây cũng là thách thức với người làm du lịch. Bởi lợi ích có thể thấy rõ, song thiệt hại cũng sẽ rất khủng khiếp đối với doanh nghiệp nếu chưa từ bỏ được kiểu cách làm đại khái, “chụp giật”…
Bởi mọi khiếm khuyết sẽ được lan truyền với tốc độ tính bằng giây trên một thế giới phẳng. Vì vậy, khi có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, điều quan trọng chiếm vị trí cốt lõi vẫn phải là các sản phẩm và chất lượng dịch vụ cung cấp. Chỉ khi song hành được cả 2 kênh quảng bá và chất lượng sản phẩm khiến cho du khách hài lòng, khi đó du lịch mới có thể phát triển bền vững.