Cần nhắc lại rằng, những tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam luôn trong tình trạng tăng mạnh, liên tục đạt các kỷ lục mới. Từ đầu tháng 6/2019, dòng vốn này mới sụt giảm.
Cụ thể, nếu tính chung cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính riêng, trong quý I và II/2019, tổng vốn FDI cấp mới giảm 37,2%, còn vốn tăng thêm giảm 33,8%, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần tăng 98,1%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, con số là trên 20,2 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, trên thực tế, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm chủ yếu do vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Sự sụt giảm mạnh nói trên chủ yếu là do vào thời điểm này năm ngoái, có nhiều dự án quy mô lớn, như Laguna Lăng Cô, Lotte Mall, Thành phố thông minh, Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng của Hyosung được cấp chứng nhận đầu tư mới hoặc tăng vốn.
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án này đã lên trên 7 tỷ USD. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm nay không có dự án quy mô tỷ USD nào được cấp chứng nhận đầu tư hay điều chỉnh tăng vốn.
Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn là lời giải hợp lý nhất cho sự sụt giảm của vốn FDI vào Việt Nam những tháng qua cho dù trên thực tế, số lượng dự án đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng nhanh. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số dự án cấp mới 7 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 1.068; 1.408; 1.378; 1.656 và 2.064 dự án.
Số dự án vẫn tăng chứng tỏ mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam vẫn rất lớn. Bởi thế, sự sụt giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng gần đây chỉ mang tính chất nhất thời, nhiều dự án tỷ đô đang trong quá trình đàm phán hoàn tất.
Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có các dự án đầu tư có vốn đăng ký hàng tỷ USD. Hơn nữa, nếu vấn đề chỉ nằm ở sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn, thì một khi các dự án quy mô tỷ USD quay trở lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ ngay lập tức đổi chiều.
Mặc dù vậy, ở góc nhìn khác, cũng phải thấy rằng, không thể không quan tâm đến xu hướng dòng vốn FDI sụt giảm. Thêm vào đó, cũng cần quan tâm đến mối quan ngại của các chuyên gia kinh tế rằng, trên thực tế, mới chỉ có dòng vốn đầu tư “tầm trung” vào Việt Nam, chứ chưa phải dòng vốn đầu tư có chất lượng cao. Dự án đầu tư quy mô lớn không có nghĩa là dự án có chất lượng cao, cũng như dự án quy mô nhỏ không có nghĩa chất lượng thấp. Tuy vậy, nhiều năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài luôn lên tiếng về việc có rất nhiều dự án “li ti”, vốn có khi chỉ vài chục ngàn USD, đăng ký vào Việt Nam. Dự án quá nhỏ thì khó có thể kỳ vọng có những tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Hơn nữa, dù vốn FDI thực hiện vẫn không ngừng tăng qua các năm, song tốc độ tăng đã không nhanh như trước. Ngoài ra, cần quan tâm nhiều hơn tới vốn giải ngân, bởi đây mới đúng là số vốn đã được đổ vào Việt Nam.
Vốn giải ngân tăng không cao một phần do năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đây chính là một trong những vấn đề cần giải quyết khi định hướng chiến lược mới về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới được thực hiện.