Xuất hiện dự án “tỷ đô” đầu tiên
Theo báo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 2/2019, tổng số vốn mà nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đã lên tới 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư tăng mạnh ở cả 3 hợp phần cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần. Cụ thể, cả nước có 514 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018. Với các dự án điều chỉnh vốn, hai tháng qua có 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với lĩnh vực góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn FDI vào Việt Nam hai tháng đầu năm. Theo đó, cả nước có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Với 5,17 tỷ USD, số vốn huy động từ khối ngoại qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần cao hơn tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đầu năm (gần 3,3 tỷ USD) và chiếm tới 61% tổng vốn đăng ký.
Đóng góp lớn cho con số ấn tượng này của thu hút FDI chính là dự án “khủng” đến từ nhà đầu tư Hồng Kông. Beerco Limited của Hồng Kông đã góp vốn, mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage (là công ty mẹ đang sở hữu 53,39% vốn điều lệ Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD. Đây cũng chính là dự án FDI “tỷ đô” đầu tiên của Việt Nam trong năm 2019. Mục tiêu chính của dự án này là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Một dự án đáng chú ý khác cũng đến từ nhà đầu tư Hồng Kông là dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hong Kong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
Hai dự án trên đã góp phần lớn để đưa Hồng Kông chiếm ngôi dẫn đầu trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 979,1 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Dự án lớn đến từ quốc đảo này phải kể đến là dự án đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ Vsip Bắc Ninh II với tổng vốn đầu tư gần 104 triệu USD với mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp. Trong hai tháng qua, Hàn Quốc tạm đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 873 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư...
Điều đáng nói, cùng với vốn thu hút, trong 2 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.
Bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng
Theo các chuyên gia, sở dĩ có sự bứt phá ngoạn mục này là do làn sóng dịch chuyển đầu tư của nguồn vốn FDI, cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện và thực tế cho thấy, Việt Nam là điểm đến an toàn, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Mới đây, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam”. 787 DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam tham gia khảo sát ghi nhận sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, các triển vọng về tình hình lợi nhuận, mở rộng đầu tư đều tăng cao so với các nước châu Á được khảo sát. Cụ thể, 65,3% DN cho biết có lãi; 58,7% DN cho rằng lợi nhuận kinh doanh sẽ được cải thiện trong năm 2019 (cao hơn nhiều so với tỷ lệ 52,4% của năm 2018); 69,8% DN cho biết có phương châm mở rộng kinh doanh... Chỉ tính riêng tháng 1/2019, trong khoảng 760 triệu USD vốn đăng ký mới và bổ sung thêm đổ vào Việt Nam thì nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã chiếm hơn một nửa.
Ghi nhận mức tăng đáng kể của FDI với cả vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và đặc biệt là góp vốn, mua cổ phần, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết, xu hướng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng từ 2017 và năm 2019 xu hướng này cũng sẽ tăng so với 2018. Đây là xu hướng tích cực cho thấy hội nhập đã có chiều sâu và các DN trong nước có giá trị hơn, các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư nhanh thì sẽ chọn xu hướng này. Nếu như vốn đăng ký mới giải ngân theo tiến độ, thậm chí có dự án đăng ký rồi nhưng không giải ngân được, thì với góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư phải bỏ tiền thật. Vì thế đây là tín hiệu tốt.
Ông Toàn cũng lưu ý, gần đây xu hướng đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và các khu vực liên quan Trung Quốc (như Đài Loan, Hồng Kông) tăng mạnh mẽ. Trung Quốc trước đây đầu tư vào Việt Nam rất dè dặt, dự án nhỏ, thì nay dự án nhiều hơn, lớn hơn, từ vị trí thứ 10, Trung Quốc đã nhảy vọt lên vị trí thứ 5 trong đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, vốn đầu tư từ Mỹ, Đức vẫn rất khiêm tốn.
Nhìn nhận xu hướng mua bán cổ phần tăng cao hơn vốn đăng ký mới cũng như vốn tăng thêm dưới góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có xu hướng này có thể là do để triển khai một dự án đăng ký mới tại Việt Nam có nhiều khó khăn, phức tạp liên quan đến thủ tục hành chính, trong khi đó, việc góp vốn mua cổ phần của những DN đã phát triển từ trước đó thuận lợi hơn rất nhiều. Do vậy, việc cải thiện thủ tục hành chính để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết. Dự báo về triển vọng thu hút FDI năm 2019, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng nhưng làn sóng đổ bộ dồn dập của vốn FDI vào Việt Nam sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa nổ ra trong 2019.
Theo các chuyên gia, 8,47 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong hai tháng đầu năm là con số rất tích cực và có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung thêm nguồn lực cho nền kinh tế, trở thành xung lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu đề ra.