Tại cuộc gặp, Thứ trưởng đánh giá cao những thành công mà Airbus đã đạt được tại khu vực châu Á cũng như trên thế giới và khẳng định vai trò quan trọng của Airbus trong ngành hàng không tại Việt Nam.
Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam sử dụng khoảng hơn 250 chiếc tàu bay của Airbus. Bên cạnh đó, với sự phát triển trong lĩnh vực Công nghiệp của Việt Nam thời gian qua, Airbus cũng đã rất thành công trong việc sản xuất linh kiện hàng không, vũ trụ tại Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, khả năng và triển vọng hợp tác hai bên là rất lớn, không chỉ là mua bán máy bay mà còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa trong lĩnh vực chế tạo phụ tùng máy bay tại Việt Nam.
Cùng quan điểm với chia sẻ của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Anand Stanley cho biết hàng năm Airbus đầu tư khoảng 4 tỷ USD trong các dự án hợp tác tại khu vực khu vực châu Á, tuy nhiên các hợp tác tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong thời gian tới, Airbus sẽ có những chính sách và chiến lược cụ thể để tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam và trước mắt là việc mở một văn phòng đại diện mới tại Việt Nam.
Bên cạnh những hợp tác truyền thống về mua bán máy bay và hợp tác sản xuất linh kiện, Airbus mong muốn Bộ Công Thương với vai trò đầu mối trong việc xây dựng chính sách lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện và ủng hộ Airbus trong việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nhiên liệu sạch trong tương lai, cũng như phát triển các dòng máy bay sử dụng công nghệ năng lượng sạch như hydrogen…
Chia sẻ quan điểm của ông Anand Stanley, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định sự quan trọng của việc phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydro và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydro sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép xanh, hóa chất, lọc hóa dầu),... nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.